Trợ giúp pháp lý Vĩnh Phúc 10 năm hoạt động và trưởng thành

29/08/2008
Được sự quan tâm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 29 tháng 7 năm 1998 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh phúc đã ra đời. Sau 10 năm hoạt động và phát triển công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc “xóa mù” pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân, giảm khiếu kiện, ổn định trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Về tổ chức bộ máy, khi mới thành lập Trung tâm chỉ có 2 biên chế, 1 cán bộ hợp đồng, 20 cộng tác viên và 6 điểm lưu động. Trong điều kiện ban đầu còn nhiều khó khăn của một đơn vị mới, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc hầu như chưa có gì, đội ngũ cán bộ còn thiếu. Song được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ngành có liên quan cấp kinh phí đảm bảo cho hoạt động cùng với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ Trung tâm công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Xác định công tác trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã bổ sung cán bộ cho Trung tâm là 9 biên chế, 1 cán bộ hợp đồng.
Ngay sau khi thành lập Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm về trợ giúp pháp lý và tổ chức triển khai đồng loạt các hoạt động trợ giúp pháp lý như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải... Tất cả những nhân tố trên đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về hoạt động trợ giúp pháp lý trong những năm qua.
Trước năm 2007 (Luật trợ giúp pháp lý chưa ra đời) với đội ngũ cán bộ nhiệt tình cùng 75 cộng tác viên, 17 điểm lưu động Trung tâm đã trợ giúp được 13.981 vụ, việc, cho 12.596 đối tượng; tổ chức 262 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động. Trong đó: tư vấn 12.646 vụ, việc; kiến nghị 274 vụ, việc; đại diện bào chữa 550 vụ, việc; hòa giải 738 vụ việc. Kết quả của hoạt động trợ giúp pháp lý đã kịp thời giải đáp những vướng mắc về chính sách pháp luật trong nhân dân, giảm thiểu khiếu kiện, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Từ khi Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành, để đảm bảo Trung tâm có đủ lực lượng trợ giúp viên pháp lý đáp ứng yêu cầu của theo quy định của Luật TGPL, Trung tâm đã xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế Trung tâm trình UBND tỉnh phê duyệt; lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm 2 trợ giúp viên, thành lập 4 phòng chuyên môn, 2 chi nhánh TGPL của Trung tâm; triển khai thành lập mới 16 Câu lạc bộ TGPL theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II. Đến nay Trung tâm có 12 biên chế, 2 cán bộ hợp đồng với 90 cộng tác viên, 17 điểm lưu động, 28 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, 2 chi nhánh.
Nhằm đưa Luật trợ giúp pháp lý thực sự đi vào cuộc sống, Trung tâm phối hợp với Cục TGPL- Bộ Tư pháp, Đài phát thanh- truyền hình Việt Nam, Báo Pháp Luật thực hiện 4 cuộc trao đổi, phỏng vấn về việc thực hiện Luật TGPL và hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó Trung tâm còn phối hợp với Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp thực hiện 6 buổi tuyên truyền giới thiệu Luật TGPL, giải đáp pháp luật chuyên đề về các chế độ chính sách pháp luật cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Trung tâm đã in, phát hành 5.400 tờ gấp và 4000 tờ lịch truyền thông tuyên truyền về “Những điều cần biết về trợ giúp pháp lý” phát cho người tham dự các buổi TGPL lưu động; treo hơn 10 panô truyên truyền về TGPL đặt tại các cơ quan điều tra, kiểm sát và xét xử. Kết hợp 50 buổi/ 65 buổi TGPL lưu động để tuyên truyền giới thiệu pháp luật về dân sự, đất đai, hoà giải ở cơ sở, chế độ chính sách ... cho 1.700 lượt người là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở và đối tượng được trợ giúp pháp lý của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức được 3 lớp tập huấn nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý và Luật TGPL cho hơn 400 người là chuyên viên, cộng tác viên và thành viên 26 Câu lạc bộ TGPL.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về TGPL, hoạt động TGPL tỉnh Vĩnh Phúc sau gần 2 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã thụ lý và giải quyết được 7.200 vụ việc. Trong đó tư vấn miệng 6.768 lượt người là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và các đối tượng tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn bằng văn bản 175 vụ việc, đã thực hiện đại diện bào chữa được 250 vụ việc, hòa giải trợ giúp pháp lý 152 vụ việc. Nhu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực: Chế độ chính sách, đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự... Người được trợ giúp pháp lý là hộ nghèo chiếm 42,2%, người thuộc diện chế độ chính sách là 36,8%, người đồng bào dân tộc chiếm 7,6%, trẻ em chiếm 3,4% còn lại các đối tượng khác là 8%.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Chuyên viên, Trợ giúp viên và Cộng tác viên TGPL cũng được Trung tâm quan tâm, qua đó nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Qua 10 năm, Trung tâm đã tổ chức được gần 20 hội nghị cho hơn 2.000 lượt người tham dự.
Nhìn lại chặng đường 10 năm, với biết bao thăng trầm và thách thức song cũng đã để lại nhiều dấu ấn. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc thực sự là địa chỉ đáng tin cậy của nhân dân. Giúp nhân dân chấp hành thực hiện tốt pháp luật, phát huy quyền làm chủ đúng quy định. Để minh chứng, ghi nhận kết quả đó, 10 năm qua tập thể và nhiều các cá nhân Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc luôn được Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, công nhận Tập thể Lao động xuất sắc,... Có thể nói đây là kết quả đáng biểu dương, ghi nhận sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh nhà.
Có được kết quả trên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc; sự chỉ đạo, hướng dẫn Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) và lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trong tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm, đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên toàn tỉnh đã đưa công tác trợ giúp pháp lý tỉnh nhà lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp nói riêng và nhân dân nói chung.
Trong thời gian tới phát huy những kết quả đã đạt được Trung tâm TGPL Nhà nước Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tăng cường mở tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, thành viên Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó không ngừng kiện toàn tổ chức để phục vụ cho hoạt động TGPL đạt hiệu quả góp phần phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Kim Yến - Sở Tư pháp Vĩnh Phúc