Hội thảo “Hướng dẫn dạy nghề thường xuyên theo quy định của Luật Dạy nghề” dành cho các cơ sở dạy nghề, Doanh nghiệp, Sở LĐ-TB và XH của các tỉnh thành phía Bắc

28/08/2008
Ngày 29/8, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Tổng Cục Dạy nghề phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tổ chức buổi hội thảo với nội dung “Hướng dẫn dạy nghề thường xuyên theo quy định của Luật Dạy nghề” dành cho các cơ sở dạy nghề, Doanh nghiệp, Sở LĐ-TB và XH của các tỉnh thành phía Bắc (hội thảo ở khu vực phía Nam đã được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu vào đầu tháng 8/2008)

Vì dạy nghề thường xuyên hiện nay được coi là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực, nên bên cạnh việc tham chiếu những quy định của luật vào thực tiễn, buổi hội thảo sẽ đề cập tới những vướng mắc hiện nay của các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong hoạt động này, nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu cũng được nghe đại diện Tổng Cục Dạy nghề đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Dạy nghề sau hơn 1 năm luật có hiệu lực cũng như các kế hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, xây dựng lại chính sách học phí, học bổng đối với họ sinh, sinh viên học nghề, chú trọng ưu đãi cho người học những nghề lao động nguy hiểm, nặng nhọc, khó tuyển sinh...
Tình hình thực thi Luật Dạy nghề sau hơn 1 năm luật có hiệu lực: 
Thế nào là giáo viên dạy nghề "có tay nghề cao"?
Sau hơn một năm có hiệu lực, so với nhiều đạo luật khác, Luật Dạy nghề đã có một tiến trình khá nhanh trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, triển khai mạng lưới dạy nghề, thu hút giáo viên dạy nghề...Tuy nhiên, cũng không thể tránh nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi luật.
Theo tổng kết của Tổng Cục Dạy nghề, sau hơn 1 năm có hiệu lực, những vấn đề cốt lõi của Luật Dạy nghề đều đã có văn bản hướng dẫn thi hành, tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ để triển khai luật. Cụ thể, đã có 87 văn bản pháp lý được ban hành để hướng dẫn luật như: các Nghị định 43 hướng dẫn Điều 62, 72 của Luật Dạy nghề (đã ban hành ngày 8/4/2008), dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 84, và Điều 86, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, dự thảo Nghị định hướng dẫn về thanh tra dạy nghề (4 dự thảo Nghị định này đã hoàn tất quá trình xây dựng, trình Chính phủ để ban hành trong năm 2008), các văn bản do Bộ LĐ-TB và XH ban hành về quy hoạch mạng lưới và xếp hạng cơ sở dạy nghề, trình tự thủ tục thành lập cơ sở dạy nghề, quy chế thi kiểm tra, quy định về kiểm định chất lượng dạy nghề...
Về quy hoạch mạng lưới dạy nghề và chương trình dạy nghề, theo quy định của luật, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đến nay đã có 75 trường cao đẳng nghề, 180 trường trung cấp nghề và 565 trung tâm dạy nghề (trong đó mô hình trường tư thục chiếm non nửa) và gần một nghìn cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Chương trình dạy nghề đối với các cấp trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề đã ban hành 48 chương trình khung cho 48 nghề phổ biến, 5 chương trình môn học chung làm cơ sở để các trường xây dựng chương trình đạo tạo của trường. Theo kế hoạch của Tổng Cục Dạy nghề đến năm 2009, sẽ ban hành tiếp 60 chương trình khung cho 60 nghề, nâng số nghề được đào tạo có chương trình khung lên 108 nghề.
Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, hiện nay tổng số lượng giáo viên dạy nghề tại các trường, các trung tâm dạy nghề trên cả nước là 35.692 người. Số giáo viên có trình độ đại học ở lên dạy ở cấp cao đằng nghề chiếm 69,30%, dạy ở cấp trung cấp nghề chiếm 54,17%. Năm 2007, theo báo cáo của các địa phương đã có 10.751 lượt giáo viên dạy nghề được đào tạo, bồi dưỡng (nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ...) Tuy nhiên, riêng về vấn đề giáo viên dạy nghề, sau hơn 1 năm thực thi, Luật Dạy nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề vướng mắc như: luật quy định người có tay nghề cao có cơ hội trở thành giáo viên dạy nghề nhưng lại không đưa ra một sự định lượng cụ thể nào cho khái niệm “tay nghề cao” và cũng không giao cho cơ quan hành pháp hướng dẫn cụ thể nên các cơ sở dạy nghề không thể áp dụng; luật cũng thiếu quy định mức chuẩn cho trình độ kỹ năng nghề của giáo viên dạy nghề... Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số vấn đề khác phát sinh từ các quy định của luật và thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện luật như: thẩm quyền, thủ tục thành lập và hoạt động của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; ý thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về dạy nghề còn hạn chế; cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo mất cân đối, chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh...
Tới đây, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý hướng dẫn luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, các hình thức dạy nghề mới sẽ đặc biệt được chú trọng (dạy nghề theo chương trình chính quy nhưng bằng cách tự học có hướng dẫn hoặc vừa học vừa làm để được cấp văn bằng, chứng chỉ như học chính quy; dạy nghề thường xuyên theo phương thức dạy nghề từ xa để kèm cặp, truyền nghề, chuyển giao công nghệ...). Đối với học sinh, sinh viên học nghề chính sách học phí, học bổng sẽ được xây dựng lại để thu hút người học, đặc biệt đối với các nghề nguy hiểm, nặng nhọc. Những người lao động đã tham gia đánh giá kỹ năng nghề và được cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi tuyển dụng, xếp lương tại DN. Đối với giáo viên dạy nghề, chính sách thu hút giáo viên, đặc biệt với người có kỹ năng, tay nghề cao sẽ được các cơ sở dạy nghề, DN chú trọng áp dụng trong thời gian tới

Xuân Hoa - báo PLVN