Cà Mau: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động

28/08/2008
Tỉnh Cà Mau hiện có 915 Tổ hòa giải/915 ấp, khóm với 6.274 tổ viên. So với trước khi có Pháp lệnh Tổ chức hoạt động hòa giải cơ sở thì số lượng Tổ hoà giải tăng gấp hai lần, chất lượng hoạt động mang lại hiệu quả tốt hơn. Từ ngày 01/01/1999 đến tháng 6/2008, toàn tỉnh đã tiếp nhận 61.264 đơn, đưa ra hòa giải 60.602 đơn, đạt 98,92%; hòa giải thành 47.727 đơn, đạt 78,8% so với số đưa ra hòa giải. Công tác hòa giải ở cơ sở đã từng bước tạo được vị thế của mình trong việc phát huy tính tự quản của nhân dân, chủ động hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh.

Tại tỉnh Minh Hải trước đây và tỉnh Cà Mau hiện nay đều tồn tại các tổ chức hòa giải ở tất cả các địa phương trong tỉnh, nhất là sau khi có Pháp lệnh, mô hình Tổ hoà giải được thành lập ở ấp, khóm và Ban hoà giải hoặc Hội đồng hòa giải ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập. Trước đây, do chưa có quy định rõ ràng và đầy đủ, việc hình thành Tổ hòa giải ở khóm, ấp chủ yếu là do chính quyền địa phương lựa chọn và thành lập. Từ khi có Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hào giải cơ sở, việc chọn và cử thành viên Tổ hòa giải vẫn còn tồn tại một thời gian, sau đó từng bước được khắc phục, thay thế bằng cơ chế bầu cử. Thông qua các đợt bầu trưởng ấp, khóm định kỳ hai năm một lần, các địa phương lồng ghép bầu Tổ hòa giải. Cho đến nay việc này vẫn được duy trì khá tốt, theo phương thức thành viên Tổ hòa giải do nhân dân trực tiếp bầu, chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Từ năm 1999 đến nay trên địa tỉnh qua các kỳ bầu trưởng ấp (02 năm một lần) đều gắn với việc củng cố, bầu Tổ hòa giải; phương thức thực hiện thường là lồng ghép.

Thống kê cho thấy, trong số 6.274 thành viên Tổ hoà giải có 654 người là trưởng ấp, khóm; 415 người là Bí thư chi bộ ấp, khóm; Ban công tác mặt trận ấp, khóm có 707 người; Phụ nữ 786 người; Thanh niên 637 người; Nông dân 761 người; Cựu chiến binh 749 người. So với trước khi có Pháp lệnh thì số lượng và chất lượng tổ viên được nâng lên, có 21 người có trình độ đại học, cao đẳng; 91 người có trình độ trung cấp; 692 người tốt nghiệp phổ thông trung học; 1.676 người là đảng viên; 55 người nằm trong cấp ủy cơ sở... Toàn tỉnh có 97 Ban hòa giải và Hội đồng hòa giải ở xã, phường, thị trấn với 536 thành viên (Từ năm 2007 trở về trước còn có 04 Hội đồng hòa giải ở các Công ty lâm nghiệp). Thành viên của Ban hoà giải, Hội đồng hòa giải được cơ cấu gồm đại diện các ngành, đoàn thể tại địa phương.

Từ ngày 01/01/1999 đến tháng 6/2008, toàn tỉnh đã tiếp nhận 61.264 đơn, đưa ra hòa giải 60.602 đơn, đạt 98,92%; hòa giải thành đạt 78,8%. Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều tăng, cụ thể như: năm 2002 đạt 70%, năm 2003 đạt 77,4%; năm 2007 đạt 71,9%... Một số đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao như Ngọc Hiển (87,7%), Trần Văn Thời (82,2%), Phú Tân (81%), Cái Nước (80,9%)... Qua hòa giải thành, các bên tự thỏa thuận hoàn trả cho nhau bằng tiền trên 22,1 tỷ đồng, vàng 5.011 chỉ 24K, đất nông nghiệp 1.872.843 m2, đất thổ cư 3785 m2, 8.520 giạ lúa và nhiều loại giấy tờ, tài sản có giá trị khác…

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh có thể khẳng định: chủ trương về xây dựng và duy trì, phát triển Tổ hoà giải ở cơ sở là đúng đắn, hợp lòng dân. Bởi công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần tích cực trong việc phòng, ngừa và hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giảm đáng kể các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và giảm bớt áp lực cho tòa án và cơ quan hành chính các cấp. Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong hoạt động hòa giải có tác dụng giáo dục, cổ vũ phong trào. Hòa giải cơ sở còn góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Những vụ hòa giải thành mang lại hiệu quả rất thiết thực trong cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thông qua hòa giải còn có tác dụng tích cực trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ở Cà Mau trong một thời gian dài tình hình tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân vẫn còn xảy ra, có nơi hình thành điểm, nóng. Vai trò của công tác hòa giải từng lúc từng nơi chưa được quan tâm, thực hiện đúng mức nên chưa kịp thời tham gia hiệu quả vào giải quyết những tranh chấp trong nhân dân. Về tổ chức, bộ máy, mô hình cơ bản để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Pháp lệnh là Tổ hòa giải được thành lập ở khóm, ấp, cụm dân cư… về chủ trương và yêu cầu đặt ra là rất đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế để hình thành được mô hình này gặp nhiều khó khăn, bất cập thể hiện ở những điểm chủ yếu như sau:

- Theo quy định của pháp luật và thực tế ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long địa bàn rộng, dân cư sống chủ yếu tập trung theo các con sông, kinh rạch… vừa tập trung vừa không tập trung, cơ cấu đơn vị dưới cấp xã phổ biến là khóm, ấp; không có những dạng khác như thôn, làng, bản… Bên cạnh đó, do thiếu lực lượng nên thông thường mỗi khóm, ấp chỉ thành lập 01 Tổ hòa giải, số lượng người tham gia ít, số vụ việc nhiều, rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Tổ hoà giải chỉ mới được thành lập ở ấp, khóm mà chưa mở rộng phát triển mô hình hoà giải khác phù hợp với đặc điểm dân cư, nghề nghiệp, tập quán… ở từng vùng miền, nên chưa phát huy hết khả năng, hiệu quả của nó trong cuộc sống.

- Cơ chế bầu cử thành viên Tổ hòa giải; cơ chế phối hợp và việc quy định trách nhiệm của Ban Tư pháp, Ủy ban MTTQ cấp xã chưa rõ ràng, cụ thể nên các địa phương thường bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện. Chưa có quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của UBND cấp xã đối với công tác hòa giải ở địa phương nên thời gian qua vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở chưa được phát huy tốt; trình độ, năng lực của cán bộ Tư pháp – Hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đủ sức quản lý Tổ hòa giải (toàn tỉnh chỉ có 51,78% đạt trình độ chuyên môn (trong đó chỉ có 0l đại học luật); số mới qua bồi dưỡng nghiệp vụ chiếm 72,32%); cơ chế phối hợp chưa rõ ràng nên lúng túng trong tổ chức thực hiện. Chưa kịp thời tổ chức sơ, tổng kết và nhân rộng điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở; chính sách khen thưởng, động viên tập thể, các nhân có thành tích tốt trong công tác này chưa thoả đáng nên tác dụng và ảnh hưởng của nó đối với công tác hòa giải chưa cao.

- Việc hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải và một số vấn đề có liên quan như cách lập biên bản, nội dung biên bản hòa giải; thống kê, tổng hợp số liệu hòa giải chưa kịp thời nên Tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn, lúng túng; việc quản lý, lưu giữ tài liệu, hồ sơ vụ việc hòa giải chưa được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời… Thành viên Tổ hòa giải ít được cung cấp tài liệu, cập nhật thông tin pháp luật, ít có điều kiện để học tập, nâng cao nhận thức, trình độ pháp luật, kỹ năng về nghiệp vụ. Việc thống kê, tổng hợp số liệu, báo cáo về kết quả hòa giải của Tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn, do trình độ, điều kiện làm việc... của thành viên Tổ hòa giải rất hạn chế nên thông tin, báo cáo thường không chính xác và đồng bộ. Năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật và điều kiện hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

- Chưa có chế độ đãi ngộ, chính sách động viên, khuyến khích người tham gia công tác hoà giải ở cơ sở. Kinh phí dành cho công tác hoà giải cấp xã còn hạn hẹp, thậm chí một số địa phương không có kinh phí để thực hiện chi trả thù lao cho Tổ hoà giải ở cơ sở.

Để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của hòa giải ở cơ sở, thiết nghĩ việc sớm ban hành Luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở để tạo cơ chế pháp lý mới cho công tác hòa giải trong cả nước là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho người làm công tác hòa giải cơ sở. Trước mắt cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính theo hướng quy định cụ thể định mức chi cho công tác hoà giải cơ sở.

Nguyễn Sơn