Vĩnh Phúc: nhu cầu tài liệu pháp luật của cán bộ và nhân dân ở nông thôn

01/09/2008
Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, dân số 1,2 triệu người, diện tích tự nhiên 1.371,48 km2 có 8 đơn vị hành chính huyện, thị, 137 xã, phường, thị trấn; có 2 huyện miền núi, 4 huyện có xã miền núi; dân số miền núi chiếm 32,9 dân số của tỉnh, tỷ lệ dân số sống ở nông thôn khá cao.

      Trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng đề ra. Kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tăng mạnh. Chi ngân sách đạt cao, thu nội địa tăng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2008 thu ngân sách đạt 5.171 tỷ đồng tăng 123%.

      Năm 1996 trước khi được tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông với cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 52,5 % thu ngân sách chỉ được 89 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội yếu kém; đời sống nhân nhân khó khăn. Do đó nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân không lớn. Sau 12 năm tái lập, tỉnh phát huy lợi thế vị trí địa lý, xây dựng được môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, trình độ dân trí được nâng nên rõ nét. Nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân ngày càng cao.

      Dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt là sự tham mưu tích cực của ngành tư pháp, trong thời gian qua việc triển khai công tác phổ biến PBGDPL cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung thiết thực phù hợp với từng đối tượng. Bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và nhận thức của cán bộ và nhân dân, giúp nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật, từ đó chấp hành, thực hiện tốt pháp luật hạn chế kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật xảy ra.

      Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch PBGDPL trình UBND tỉnh ban hành, giúp UBND tỉnh tổ chức tốt các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; xây dựng các đề án PBGDPL cho cán bộ và nhân, đẩy mạnh công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và tôn giáo; biên soạn các tài liệu PBGDPL như: Bản tin tư pháp định kỳ 2 tháng/số; băng casstte, tờ gấp phát cho cơ sở và hộ gia đình. Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đều có văn bản chỉ đạo ở cơ quan đơn vị mình chủ động tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản pháp luật đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên từ đó PBGDPL cho cán bộ, công chức, đoàn viên nắm chắc các quy định của pháp luật để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và tham gia PBGDPL cho nhân dân. Ngoài ra các sở, ban, ngành còn tăng cường ký kế hoạch liên tịch để PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở huyện và cơ sở tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân qua; ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền lưu động, phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Vĩnh phúc trợ giúp tư vấn pháp lý, tuyên truyền pháp luật đến nhân dân; phổ biến pháp luật trên hệ thống truyền thanh của huyện và cơ sở bình quân 1 tuần phát 4 buổi, mỗi buổi phát 2 lần, mỗi lần phát khoảng từ 15- 20 phút. Một số huyện, thị đã xuất bản được cuốn bản tin để thông tin pháp luật đến với nhân dân. Bên cạnh đó các huyện, thị còn chú trọng tập huấn nghiệp vụ hoà giải cơ sở, những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các tổ trưởng tổ hoà giải, từ đó các hoà giải viên đã triển khai kết hợp hoà giải với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân các vụ việc mâu thuẫn xích mích, vi phạm pháp luật nhỏ trong nhân dân đều được hoà giải thành đạt trên 80% giúp nhân dân tăng cường mối đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. ở cấp xã ngoài việc triển khai tốt các hình thức tuyên truyền qua Đài truyền thanh, Hội nghị, sinh hoạt khu dân cư và tài liệu của cấp trên gửi xuống, phổ biến pháp luật cho nhân dân lồng ghép qua hoạt động của gần 600 câu lạc bộ và qua các phiên toà xét xử lưu động, hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao…

      Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng Tủ sách pháp luật ở cơ sở, trong cơ quan nhà nước và các trường học. Đến nay 9/9 huyện, thị; 152/152 đơn vị cấp xã đã xây dựng được Tủ sách pháp luật, với bình quân 160 đầu sách/Tủ đã phục vụ tích cực cho công tác PBGDPL, góp phần phục vụ nhiệm vụ công tác chuyên môn của cán bộ và nhu cầu tìm hiểu của nhân dân.

      Tuy nhiên, xuất phát từ tỉnh thuần nông, dân số sống chủ yếu ở nông thôn, các xã miền núi địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân còn hạn chế, một số tập quán, hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, nhất là việc thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư; tình trạng vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật còn xảy ra phổ biến trong một số lĩnh vực như: khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; phát triển rừng; hôn nhân và gia đình; đất đai; hình sự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

      Đối với cán bộ ở cơ sở: Trong giai đoạn hiện nay khi sự nghiệp đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, việc giao lưu văn hoá pháp lý trong nước và quốc tế được mở rộng đòi hỏi cán bộ phải tự học, tự nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ; nắm chắc các văn bản pháp luật mới của Trung ương và của tỉnh; các văn bản phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước để làm tốt công tác chuyên môn. Cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn ở cơ sở rất cần cả những văn bản hết hiệu lực, những dự thảo văn bản đang được xây dựng, các tài liệu nghiên cứu, phục vụ cho chuyên môn nghiệp vụ của một ngành nghề nhất định.

      Đối với nhân dân: Nhu cầu tìm hiểu pháp luật chủ yếu là các lĩnh vực gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như: đất đai, dân sự, quy chế dân chủ ở cơ sở, khiếu nại tố cáo, thuế, hộ tịch, nghĩa vụ quân sự, chế độ chính sách người có công với cách mạng.
Từ những đặc điểm nhu cầu về tài liệu pháp luật như trên của cán bộ và nhân dân, có thể đưa ra một số giải pháp sau đây:

      Một là: Xây dựng đề cương tài liệu và cung cấp cho các đối tượng là cán bộ, công chức cơ sở để thuận tiện cho việc tra cứu và áp dụng chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Cung cấp tài liệu tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho các đối tượng là: hoà giải viên, già làng, trưởng bản để trang bị kiến thức cho họ tham gia công tác PBGDPL cho nhân dân.

      Hai là: Đối với nhân dân tài liệu tuyên truyền pháp luật phổ thông cần biên soạn dưới dạng sách pháp luật bỏ túi, hỏi- đáp pháp luật và các tài liệu khác hướng dẫn về pháp luật cho công dân phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề và địa bàn dân cư. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như: đất đai, dân sự, quy chế dân chủ ở cơ sở, khiếu nại tố cáo, thuế, hộ tịch, nghĩa vụ quân sự, chế độ chính sách người có công với cách mạng, trình tự thủ tục…

      Ba là: Đối với công dân là người dân tộc, miền núi và tôn giáo thì cung cấp tài liệu qua các phương tiện thông tin đại chúng, dịch và in các văn bản pháp luật với sự chọn lựa nội dung phù hợp, xuất bản các ấn phẩm chuyên đề, đối tượng phát cho cơ sở. Ngoài việc phổ biến các quy định của pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân, cần phổ biến sâu các quy định của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo vệ phát triển rừng, chính sách phát triển kinh tế, pháp luật về hôn nhân và gia đình, hộ khẩu, hộ tịch.

Kim Yến