Hà Nam, những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn.

04/09/2008
Thực hiện triển khai thi hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, dưới sự chỉ đạo của tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương không ngừng xây dựng, củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải ở cơ sở.

       Các cơ quan ở địa phương đã từng bước nâng cao trình độ pháp luật và kỹ năng hoà giải cho các tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của công dân và cộng đồng dân cư. Ngay từ năm 1999, năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trong toàn huyện xây dựng ở mỗi xã, thị trấn một tủ sách pháp luật và giao cho Ban tư pháp quản lý, hướng dẫn khai thác. Đến nay các xã, thị trấn đều đã xây dựng được TSPL, tính trung bình mỗi tủ sách có khoảng trên 450 đến 500 đầu sách pháp luật, các loại văn bản, sách khác đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật của cán bộ, nhân dân địa phương 
Tổ chức của tổ hoà giải.
       Trong 10 năm qua, thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở tổ chức của tổ hoà giải đã được xây dựng, kiện toàn, củng cố và đi vào nền nếp. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam 100% các thôn, xóm, tổ dân phố, khu phố đã thành lập tổ hoà giải, tổng số: 1303 tổ hoà giải trong đó: Huyện Bình Lục: 253; huyện Duy Tiên: 154; huyện Lý Nhân: 347; huyện Kim Bảng: 198; huyện Thanh Liêm: 187; thành phố Phủ Lý: 164. Tổ hoà giải ở các thôn, khu phố với 8041 hoà giải viên, thành phần tổ hoà giải bao gồm: Trưởng thôn, tổ trưởng tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ thôn, xóm, khu phố, Hội phụ nữ, Hôị Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi và các thành phần khác...Trong 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp uỷ và chính quyền cấp xã, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng cấp đã tạo điều kiện củng cố, kiện toàn, ổn định về công tác tổ chức đối với các Tổ hoà giải ở cơ sở. Mặt khác trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng hoà giải cho các Tổ viên Tổ hoà giải được nâng cao có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Chính vì vậy, trong 10 năm qua các Tổ hoà giải ở địa phương ngày càng được kiện toàn, củng cố về số lượng cũng như chất lượng, các thôn trong tỉnh đều được thành lập Tổ hoà giải; tổ trưởng Tổ hoà giải và các thành viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm thực tiễn và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; số vụ việc hoà giải thành trung bình hàng năm đạt tỷ lệ từ 80% đến 85%, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giảm một cách đáng kể các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc cơ quan Toà án. Đặc biệt, đã hạn chế tình trạng gửi đơn vượt cấp, đông người khiếu kiện lên Trung ương.
Hoạt động của tổ hoà giải
       Hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Ngay từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở được triển khai thi hành các tổ hoà giải đã tiến hành hoà giải với tổ số vụ việc là: 36.467. Hoạt động hoà giải ở cơ sở đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam trong những năm gần đây điều đó được thể hiện qua việc tổ hoà giải đã hoà giải được nhiều vụ việc phức tạp ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình với tổng số vụ việc hoà giải thành là: 30.083, cụ thể vụ việc các lĩnh vực như sau:
Dân sự: 6420 vụ việc;
Hôn nhân và gia đình: 9838 vụ việc;
Đất đai: 7445 vụ việc;
Lĩnh vực khác: 6380 vụ việc;
       Tuy nhiên do kiến thức, kỹ năng của thành viên tổ hoà giải chưa cao dẫn đến khi tiến hành hoà giải những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản, quy định của pháp luật nên việc hoà giải không thành còn nhiều, cụ thể: 3539; số vụ việc đang hoà giải: 1231 vụ việc. Trong quá trình tổ chức hoà giải có nhiều vụ việc phức tạp mà không hoà giải được, tổ hoà giải đã chủ động hướng dẫn đến cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết: 2845 vụ việc.
       Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh có thể khẳng định công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần tích cực trong việc phòng, ngừa và hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giảm đáng kể các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong hoạt động hòa giải có tác dụng giáo dục, cổ vũ phong trào. Một trong những địa phương làm tốt công tác này là các tổ hoà giải huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý. Hòa giải cơ sở còn góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Những vụ hòa giải thành mang lại hiệu quả rất thiết thực trong cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thông qua hòa giải còn có tác dụng tích cực trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Quản lý Nhà nước về công tác hoà giải
       Tổ chức của tổ hoà giải ở địa phương luôn được kiện toàn và hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Hoạt động hoà giải ở cơ sở đặt dưới sự chỉ đạo của Ban tư pháp cấp xã, trong đó vai trò của cá nhân trưởng ban Tư pháp và cán bộ công chức Tư pháp, hộ tịch là quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của công tác hoà giải. Chính vì vậy từ khi thực hiện Pháp lệnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã rất quan tâm đến việc kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ Tư pháp cấp xã. Để nâng cao chất lượng hoà giải ở cơ sở trong những năm qua Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã củng cố tổ chức hoà giải ở cơ sở như: Ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ cấu, trình tự, thủ tục kiện toàn tổ chức hoà giải ở cơ sở, đặc biệt là trong việc hướng dẫn lựa chọn những người có đủ điều kiện được bầu là tổ viên Tổ hoà giải. Năm 2005 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan trong Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức thành công chung khảo hội thi “Hoà giải viên giỏi” toàn tỉnh. Cuộc thi đã huy động nhiều ngành, nhiều cấp tham gia đã góp phần rất lớn nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân đối với công tác hoà giải. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác hoà giải tỉnh đã giao cho các cơ quan có chức năng biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở. Hàng năm các tổ hoà giải đều tổ chức tổng kết, báo cáo kết quả hoạt động của tổ trong năm, qua đó rút kinh nghiệm trong công tác hoà giải.
       Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác hoà giải, trong đó đã giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp, các cơ quan có liên quan, phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho tổ viên tổ hoà giải. Ngoài các lớp tập huấn nghiệp vụ do các cơ quan cấp tỉnh tổ chức thì Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã cũng tổ chức tập huấn cho các hoà giải viên ngay trong địa bàn của từng xã nhằm cập nhật thông tin pháp luật cho hoà giải viên ở cơ sở. Song song với việc chỉ đạo thực hiện là công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực thực hiện cũng được uỷ ban nhân dân tỉnh chú trọng thông qua các hình thức kiểm tra trực tiếp, báo cáo định kỳ…
Sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Mặt trận tổ quốc các cấp
       Công tác hoà giải là việc làm giảm bớt các mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân là một trong những công tác mang tính xã hội hội hoá cao tác động trực tiếp đến mọi tầng lớp nhân dân. Để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp với các tổ chức chính trị, chính trị xã hội. Nhận thức đựơc điều đó ngay từ khi xây dựng, kiện toàn tổ chức các tổ hoà giải đã chú trọng bồi dữơng, nâng cao kiến thức pháp luật cho thành viên ban công tác Mặt trận cơ sở. Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh Hà Nam thì thành phần của ban hoà giải có tới 536/8041 hoà giải viên là thành viên của Ban công tác Mặt trận cơ sở. 
       Định kỳ hàng năm Sở Tư pháp đều ký các kế hoạch, chương trình phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh trong việc triển khai hoạt động hoà giải. Gắn hoạt động của tổ hoà giải với các hoạt động của đoàn thể quần chúng như: Hoạt động tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt các câu lạc bộ như: Nông dân với pháp luật, Phụ nữ với pháp luật, Thanh niên với pháp luật…
Xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn.
- Về xây dựng tủ sách pháp luật

       Ngay sau khi được giao nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức quản lý tủ sách pháp luật, Sở Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc lên danh mục những đầu sách, tài liệu cần mua để bổ sung cho tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
- Về quy mô và phương thức đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật
       Do mới tái thành lập tỉnh từ năm 1997 nên Hà Nam còn nhiều khó khăn trong nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tuy vậy xác định việc xây dựng tủ sách pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã dành kinh phí đầu tư cho tủ sách pháp luật tại cấp xã theo đúng quy định của Quyết định số 1067/QĐ-TTg. Hiện nay 100% các xã đều có tủ sách pháp luật được đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, hay nhà văn hoá thôn để thuận lợi cho việc tra cứu, sử dụng của nhân dân. Mỗi tủ sách tại các xã có đến từ 450 - 500 đầu sách, báo và tạp chí các loại.
- Về các bộ phận sách của tủ sách pháp luật.
       Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc bố trí các bộ phận sách, đầu sách cho tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn theo đúng tinh thần chỉ đạo, tất cả các tủ sách đều có đầy đủ các nhóm sách:
+ Văn bản quy phạm pháp luật: Công báo Chính phủ, Công báo tỉnh, Hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.
+ Nhóm sách về pháp luật phổ thông: sách hỏi đáp, sách bình luận, giải thích về quyền và nghĩa vụ công dân, hôn nhân gia đình…
+ Nhóm sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác chính quyền cơ sở, hành chính và tư pháp cấp xã, nhóm sách báo Đảng, pháp luật của Trung ương và của tỉnh.
Các đầu sách trên được cập nhật, bổ sung hàng năm mỗi tủ sách đầu tư từ 1,5 đến 2 triệu đồng cho việc cập nhật, bổ sung các đầu sách là văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi nên việc bố trí kinh phí cho cập nhật và bổ sung văn bản mới là rất khó khăn.
- Về quản lý tủ sách pháp luật
       Tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn được hướng dẫn đặt tại những nơi thuận tiện để cán bộ và nhân dân nghiên cứu, đọc và mượn, hiện nay để quản lý sử dụng tủ sách pháp luật có hiệu quả tủ sách được đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, nhà văn hoá, bưu điện xã, thôn phải đảm bảo được yếu tố thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân để khai thác có hiệu quả, việc quản lý tủ sách pháp luật được giao trực tiếp cho cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch đối với tủ sách được đặt tại Uỷ ban nhân dân cấp xã; giao cho trưởng thôn, trưởng bưu điện nếu tủ sách được đặt tại nhà văn hoá và bưu điện, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng nội quy, quy chế để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng và khai thác tủ sách pháp luật tại các xã đạt hiệu quả cao.
      Tuy nhiên do đặc thù và để quản lý, sử dụng, khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo việc đặt tủ sách pháp luật tập trung chủ yếu tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã vì trụ sở Uỷ ban nhân dân xã là nơi trung tâm, là nơi thường xuyên nhân dân đến làm việc nên khi cần có thể tra cứu những nội dung cần thiết ngay. Việc quản lý tủ sách được giao cho cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch cấp xã vì đây là lực lượng cán bộ có sự hiểu biết pháp luật và nghiệp vụ để có thể giải thích cho những yêu cầu của người đọc.
- Về khai thác tủ sách pháp luật
       Để việc khai thác tủ sách pháp luật cán bộ làm công tác quản lý tủ sách pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân có nhu cầu đọc có thể đọc ngay tại chỗ hoặc mượn tài liệu về nhà để nghiên cứu, hướng dẫn cán bộ, nhân dân sử dụng tài liệu có hiệu quả và quản lý tốt tài liệu phục vụ lâu dài.
      Kết hợp với việc hướng dẫn đọc và cho mượn việc lựa chọn nội dung quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ công dân, chính sách của Đảng và Nhà nước để biên soạn và phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tổ hoà giải…lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, sinh hoạt đoàn thanh niên để phổ biến nội dung văn bản quy phạm pháp luật trong tủ sách pháp luật cho nhân dân hiểu và thực hiện đúng.
- Việc đầu tư kinh phí hàng năm cho tủ sách pháp luật cấp xã.
       Nguồn ngân sách đầu tư cho tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn chủ yếu là nguồn ngân sách địa phương, các nguồn khác từ hỗ trợ của Chính phủ, hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh đã dành kinh phí hỗ trợ cho tủ sách cấp xã. Giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm cấp phát đầu sách về tủ sách pháp luật cấp xã từ đó luân chuyển đến địa điểm đặt tủ sách pháp luật.
- Về một số mô hình tủ sách pháp luật ở địa phương
      Để việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định 1067/QĐ-TTg và để phù hợp với đặc thù của địa phương, tủ sách pháp luật được xây dựng linh hoạt phù hợp với từng địa phương và với mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho việc khai thác của cán bộ và nhân dân. Trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc nghiên cứu để xây dựng mô hình tủ sách tại nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố, điểm bưu điện xã, trụ sở Uỷ ban nhân dân xã và phải thường xuyên luân chuyển và thông báo rộng rãi để cán bộ và nhân dân biết để khai thác thuận lợi đạt hiệu quả cao.
      Trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg về xây dựng tủ sách pháp luật đã khẳng định chủ trương xây dựng tủ sách pháp luật tại cấp xã là hoàn toàn đúng đắn, tủ sách pháp luật là công cụ không thể thiếu được trong quá trình quản lý điều hành chính quyền của cán bộ cấp xã, và phục vụ quá trình nghiên cứu áp dụng của nhân dân. Thông qua tủ sách pháp luật cán bộ chính quyền địa phương đã tự mình nâng cao năng lực công tác nhất là năng lực pháp luật và quản lý tủ sách pháp luật là nguồn tài liệu không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, góp phần giảm bớt tình trạng kém hiểu biết pháp luật của nhân dân và một bộ phận cán bộ công chức.
       Từ việc xây dựng tủ sách pháp luật đến việc triển khai mô hình tủ sách pháp luật mới phù hợp với thực tiễn từng địa phương, qua nhiều kênh khác nhau: như tủ sách pháp luật là nhà văn hoá, tủ sách pháp luật tại điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật tại Uỷ ban nhân dân xã tất cả những mô hình đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi và để phục vụ nhân dân tốt nhất./.

Mai Nguyên