Ghi nhận về một số hoạt động của công tác tư pháp trên địa bàn huyện Bát Xát – Lào Cai

31/07/2008
Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới có nhiều xã đặc biệt khó khăn nhưng không vì thế cản trở tới sự nhận thức cũng như sự đổi thay trong công tác tư pháp ở vùng cao Bát Xát. Điều được ghi nhận qua đợt kiểm tra công tác tư pháp ở huyện Bát Xát trong 5 năm qua đó chính là những kết quả và chuyển biến về nhận thức pháp luật của người dân.

Trong chuyến đi này tôi nhận thấy sự đánh giá cao của lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo Sở Tư pháp. Lắng nghe tâm sự của cán bộ tư pháp ở đây ông Trần Văn Ky cho biết: “chức năng và nhiệm vụ của cán bộ tư pháp trong giai đoạn hiện nay rất lớn nhiệm vụ phòng tư pháp đảm đương nghiệp vụ, công việc rất nặng nề. Những vấn đề đó không phải là rào cản, vì sự nhận thức vì vì sự nghiệp ngành tư pháp”. Một chặng đường đã qua công tác tư pháp ở huyện Bát Xát đã có những thành quả nổi bật được ghi nhận qua các lĩnh vực:

Trong lĩnh vực văn bản pháp quy, phòng tư pháp huyện Bát Xát đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức được hội nghị tập huấn, thường xuyên hướng dẫn việc thi hành đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, trình ký văn bản, tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định công nhận đội ngũ Cộng tác viên kiểm tra văn bản cấp huyện với 16 thành viên. Rà soát văn bản do HĐND và UBND huyện Bát Xát ban hành từ ngày 01/01/2006 đến hết Quý I/2008. Nhìn chung công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND huyện Bát Xát đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với thời điểm từ năm 2005 trở về trước. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cơ bản đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên và cụ thể hoá các Nghị quyết Đảng bộ huyện, Nghị quyết của HĐND huyện nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc địa bàn huyện quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật về thẩm quyền nội dung, hình thức. Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch rà soát văn bản do HĐND, UBND huyện ban hành theo định kỳ; rà soát văn bản theo chuyên đề, in tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND huyện ban hành theo từng năm để làm cơ sở dữ liệu luật phục vụ cho công tác VBQPPL ; h­ướng dẫn nghiệp vụ đối với cấp xã như  cung cấp tài liệu, tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác VBQPPL, kiểm tra cơ sở định kỳ theo đợt và đột xuất, hướng dẫn nghiệp vụ qua các buổi họp giao ban hàng quý cho cán bộ tư pháp – hộ tịch các xã, thị trấn.

Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã xây dựng đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật gồm 103 người có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm và uy tín trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tính từ 5 năm (2003 – 2007) các đơn vị, tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền được 5.612 buổi với 305.473 lượt người tham gia, so với năm 2003 thì đến hết năm 2007 số lượng người tham gia học tập pháp luật đã tăng 35.000 lượt người. Việc xây dựng quản lý và khai thác tủ sách pháp luật đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo 23/23 xã xây dựng tủ sách pháp luật, với nguồn tài liệu bổ sung hàng năm qua hội nghị tuyên truyền pháp luật (một năm 2 đợt); các ấn phẩm do Sở Tư pháp biên soạn như: Thông tin pháp lý, Hỏi đáp pháp luật, Bản tin tư pháp, tờ rơi, tờ gấp ....các ngành đỡ đầu các xã theo chương trình 135 cung cấp. Số lượng sách, số đầu sách có trong tủ sách trung bình có khoảng 150 đầu sách/một tủ và được bố trí tại văn phòng UBND xã, việc quản lý tủ sách pháp luật được giao cho cán bộ tư pháp xã quản lý để phục vụ cho nhu cầu mượn đọc tại chỗ của cán bộ và nhân dân. Huyện cũng chú trọng kiện toàn  về tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải; thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải, tổ chức được 07 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng về công tác hoà giải và đội ngũ hoà giải viên, hiện nay có 234 tổ hoà giải với 793 hoà giải viên. từ năm 1999 đến hết tháng 12/2007 đã thụ lý giải quyết là 2.250.

Tại một số xã cũng có những chuyển biến về công tác tư pháp ở cơ sở như xã Bản Vược, Bản Qua…các cấp uỷ, chính quyền cơ sở luôn quan tâm phối hợp và chỉ đạo thực hiện. ở xã Bản Qua khi tiến hành kiểm tra công tác tuyên truyền (2003- 2007) đã tuyên truyền được 254 buổi cho 26.472 lượt người tham gia học tập pháp luật. Xã Bản Vược đã tuyên truyền được 224 buổi cho 12.155 lượt người tham gia học tập pháp luật dưới nhiều hình thức như phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban Công an xã tuyên truyền tại các trường học cho học sinh, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở được 3.220 giờ; tuyên truyền miệng tại các cuộc họp thôn.

Về công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã Bản Vược cho thấy một số sách được cấp phát cuối năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành. Hàng năm tủ sách pháp luật đều được cấp bổ sung, từ năm 2001 - đến hết quý I/2008 bổ sung được 257 cuốn tài liệu vào tủ sách pháp luật. Tủ sách pháp luật được giao cho cán bộ tư pháp xã quản lý, có mở sổ cá biệt theo hướng dẫn; cho mượn sách các ngày trong tuần, có mở sổ theo dõi người mượn; số người mượn tài liệu về nhà tự nghiên cứu là 143 người, số người mượn đọc tại chỗ là 379 người. Ngoài ra, nguồn Công báo cũng được lưu trữ đầy đủ các số từ năm 1998 đến nay. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại khó khăn do xã chưa bố trí được phòng đọc riêng, do đó còn gặp nhiều bất cập trong việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; Chưa xây dựng được nội quy phòng đọc; cán bộ quản lý tủ sách chưa được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật.

Công tác tư pháp trên địa bàn huyện Bát Xát được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm và bước đầu đã đạt được những kết quả tốt, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trên địa bàn huyện và mang lại diện mạo mới cho công tác tư pháp ở vùng cao Bát Xát. /.

Nguyễn Lê Hằng