Tổ chức pháp chế địa phương - thấy gì từ thực trạng phát triển?

29/07/2008
Với sự ra đời của mình, Nghị định 122/2004/NĐ-CP đã điều chỉnh một cách tương đối đầy đủ về hoạt động pháp chế đối với các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trải qua một quá trình thực hiện, yêu cầu thực tế của công tác pháp chế đã cho thấy, ngoài những vấn đề đã được Nghị định 122 đề cập, các tổ chức pháp chế nói chung và tổ chức pháp chế ở địa phương nói riêng vẫn cần có một định hướng cụ thể nữa để khẳng định vai trò của mình.

Pháp chế địa phương – anh là ai?

Theo Nghị định 122, và 2 Thông tư liên tịch số 01 năm 2005 của Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ, Thông tư số 07 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 122, thì tổ chức pháp chế ở địa phương là các tổ chức pháp chế được hình thành và hoạt động tại các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của địa phương. Các tổ chức pháp chế này có nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VBQPPL, tuyên truyền phổ biến và kiểm tra việc thực hiện pháp luật..., qua đó giúp đơn vị chủ quản hoạt động theo đúng định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nhìn về quá khứ, có thể nói, tổ chức pháp chế địa phương cũng có một số phận khá “ba chìm, bảy nổi”. Vào năm 1985, để củng cố  và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 178/HĐBT quy định về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước. Đến năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 94/CP quy định về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, theo tinh thần của Nghị định 94, hoạt động pháp chế chỉ còn tồn tại ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chứ không còn bóng dáng gì ở các Sở, ban, ngành, DNNN thuộc địa phương nữa.

Tuy nhiên, trải qua một quá trình thực hiện cho thấy, thiếu tổ chức pháp chế, các địa phương nói chung và các Sở, ban, ngành, DNNN nói riêng đã không thể thực hiện tốt được nhiệm vụ quản lý Nhà nước bằng pháp luật của mình. Hàng loạt các công việc liên quan tới pháp lý như xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát văn bản, phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện pháp luật...của nội bộ địa phương, đơn vị đã không được tiến hành một cách hiệu quả, thậm chí không thể thực hiện được.

Từ thực tiễn trên, Nghị định 122 năm 2004 đã ra đời để thúc đẩy hoạt động pháp chế của toàn bộ các cơ quan, DNNN trên phạm vi cả nước. Trong đó bao gồm cả cơ quan thuộc trung ương (Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và cơ quan thuộc địa phương (các Sở, ban, ngành, DNNN của địa phương). Với phạm vi điều chỉnh rộng và bao trùm như vậy, hoạt động pháp chế nói chung và pháp chế địa phương nói riêng đã bắt đầu khởi sắc.

Hữu danh vô thực

            Dù đã ổn định về danh phận, nhưng có thể nói, cho đến nay, pháp chế địa phương vẫn chưa thể an cư. Lý do có nhiều, nhưng có lẽ lý do lớn nhất là do những hiệu quả mà hoạt động pháp chế mang lại, tuy rất quan trọng nhưng lại không thể mắt thấy, tai nghe, tay sờ được như các chuyên môn khác, nên nhất thời chưa được coi trọng. 

Sau khi Nghị định 122 ra đời, Quảng Ngãi là một trong những địa phương đã sớm ban hành Chỉ thị để xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các Sở, ban, ngành, DNNN thuộc tỉnh. Đây là hành lang, cơ sở pháp lý trong việc quản lý Nhà nước đối với  ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh thông qua hoạt động pháp chế. Sau khi Chỉ thị được thực hiện, đã thấy ngay những kết quả đáng ghi nhận trong công tác ban hành VBQPPL của UBND, HĐND, các cơ quan chuyên ngành thuộc tỉnh, cũng như trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giám sát, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Tuy vậy, do tình hình chung về chỉ tiêu biên chế và điều kiện hoạt động trong lĩnh vực ngành, nên nhìn chung tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế và chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế tại cơ quan, mà mới chỉ dừng lại ở việc phân công cán bộ của cơ quan kiêm nhiệm làm công tác pháp chế trong lĩnh vực, ngành quản lý. Theo thống kê, số cán bộ làm công tác pháp chế tại các Sở, Ban, ngành và DNNN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay chỉ có 14 cán bộ. Mặc dù có bố trí cán bộ, nhưng lãnh đạo các Sở, ngành lại không giao nhiệm vụ thường xuyên cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo Nghị định số 122 và Chỉ thị của UBND tỉnh. Tại các DNNN thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh, cho đến nay vẫn chưa thành lập được tổ chức pháp chế, không có cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế của đơn vị do giám đốc giao cho các phòng, ban chuyên môn đảm trách. Tuỳ theo lĩnh vực chuyên môn các phòng, ban có trách nhiệm tham mưu cho Giám đốc doanh nghiệp quyết định thực hiện công việc được giao và chịu trách nhiệm trước Giám đốc doanh nghiệp về nội dung tham mưu của mình.

Kết

            Như vậy, tổ chức pháp chế địa phương vẫn chưa thể thoát khỏi “số phận” lận đận vốn có của mình. Không riêng gì Quảng Ngãi, rất nhiều các tổ chức pháp chế địa phương khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng “hữu danh vô thực”. Thực tế này có nguyên nhân từ sự chưa quan tâm cña lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị đến công tác này; chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về mô hình tổ chức,hoạt động, biên chế cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, DNNN; việc tổ chức đào tạo năng lực, những chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan này còng chưa được quy định, quan tâm, chú trọng...

            Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm phải  cùng nhau xắn tay áo tìm ra cách giải quyết vấn đề. Với vai trò của mình, Bộ Tư pháp cần đứng vị trí trung tâm để phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhằm đưa các văn bản, chính sách có tác dụng “kích cầu”. Ví dụ như, hướng dẫn của Liên Bộ Tư pháp, Nội vụ về việc xây dựng mô hình, quy định về biên chế của tổ chức pháp chế tại địa phương sao cho phù hợp; hướng dẫn của Liên Bộ Tư pháp, Tài chính về quy định chế độ chính sách thoả đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế;  kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế địa phương...

Xuân Hoa

Trong lĩnh vực pháp chế, Bộ Tư pháp đã nhiều lần nhận được kiến nghị của các Sở Tư pháp về việc sửa đổi Nghị định 122 theo hướng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không nhất thiết phải thành lập phòng, bộ phận pháp chế riêng mà có thể giao chức năng này cho Phòng Thanh tra vì thực tế khó thực hiện. Trả lời về vấn đề này, Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế, Bộ Tư pháp đã trích dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 122 và Mục 2 Phần 1 Thông tư liên tịch số 01, theo đó việc thành lập Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định (theo hướng thành lập phòng hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm và bố trí công chức pháp chế chuyên trách) theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan chuyên môn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu, khối lượng công việc của công tác pháp chế đơn vị mình.

Việc sửa đổi Nghị định 122 đang được nghiên cứu và sẽ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để thấy được bất cập, từ đó có hướng sửa đổi phù hợp.