Kết quả thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW về hợp tác với nước ngoài về pháp luật trên địa bàn TP.Đà Nẵng

29/07/2008
Xác định việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 57-CT/TW có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động tư pháp trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW, các cơ quan tư pháp của thành phố Đà Nẵng như Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an thành phố, Thanh tra thành phố và Sở Tư pháp đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị cho toàn thể cán bộ, công chức của ngành với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau qua đó nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ tư pháp về nguyên tắc và chủ trương của Đảng trong hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật.

Các ngành Toà án, Tư pháp, Kiểm sát, Công an cũng đã cử nhiều lượt cán bộ có chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chứng viên tham gia nhiều đợt tập huấn, hội thảo, toạ đàm do Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an tổ chức về hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Kết quả các hoạt động đó được sử dụng để nghiên cứu, trao đổi tìm hiểu thêm nhằm tham gia hoàn thiện các chế định pháp luật có liên quan đến hoạt động của ngành, đồng thời áp dụng thực hiện trong công tác chuyên môn như truy tố, xét xử và thi hành án đối với các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại...có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, do tính chất và vị trí là các cơ quan ở địa phương nên việc hợp tác với nước ngoài về pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua chủ yếu là các hoạt động trao đổi, đối thoại về chuyên môn, nghiệp vụ với một vài cơ quan chức năng của địa phương nước bạn nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị. Cụ thể, các cơ quan tư pháp của thành phố thời gian qua đã có một số hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với nước ngoài như sau:

1. Trong chuyến thăm thành phố Đà Nẵng của Tỉnh uỷ tỉnh Sơn Đông -Trung Quốc vào tháng 11 năm 2004, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký kết Biên bản đối thoại giữa Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng - nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn Đông - nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nhằm mục đích tăng cường và mở rộng hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi những tài liệu pháp lý và những thông tin kiểm sát cùng quan tâm, trao đổi những bản sao, những ấn phẩm pháp lý hữu quan phù hợp với pháp luật của mỗi nước theo đề nghị của bên kia. Đồng thời, nhận lời mời của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn Đông - nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đoàn Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng - nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sang thăm và làm việc từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 06 tháng 7 năm 2005 nhằm tăng cường và thắt chặt mối quan hệ truyền thống lâu đời của hai đất nước, hai dân tộc; trao đổi, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ trên lĩnh vực kiểm sát của hai ngành kiểm sát hai nước.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cũng đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lào sang thăm từ ngày 10 tháng 8 đến ngày 12 tháng 5 năm 2005 tại Đà Nẵng, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cũng đã cử lãnh đạo Viện sang thăm và làm việc tại một số nước như Anh, Úc ...

2. Trong khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp trong việc mở rộng đối tác giữa công chứng Việt Nam và công chứng Pháp, tháng 9 năm 2007, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo các Phòng Công chứng của thành phố Đà Nẵng đã sang thăm và làm việc với Hội đồng công chứng khu vực Bouches du Rhône thành phố Marseille - Pháp.

Sau khi trao đổi thống nhất và dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, hữu nghị và cùng có lợi, hai bên đã đồng ý ký kết Thoả thuận hợp tác kết nghĩa với mục tiêu là thúc đẩy s trao đổi nghề nghiệp giữa công chứng viên của thành phố Đà Nẵng và công chứng viên của khu vực Bouches du Rhône, trong đó nội dung hợp tác chủ yếu là việc cung cấp các văn bản về tổ chức và hoạt động, các tài liệu về lý luận và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp công chứng; tổ chức các đoàn công tác nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp; tham gia tổ chức hội thảo, toạ đàm; trao đổi thông tin, tư liệu về sự phát triển nghề công chứng, trao đổi về những quan điểm đối với những vấn đề nghiệp vụ mà công chứng của hai thành phố cùng quan tâm ... Nhận lời mời của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, tháng 4 năm 2008, Hội đồng công chứng khu vực Bouches du Rhône của thành phố Marseille đã cử đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, qua đó tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực công chứng giữa hai thành phố.      

3. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc hợp tác với thành phố Deagu của Hàn Quốc, Công an thành phố đã cử 03 đoàn đi Hàn Quốc để thăm và tìm hiểu học tập kinh nghiệm tại thành phố Deagu; phía Hàn Quốc cũng cử 02 đoàn của Cảnh sát thành phố Deagu thăm thành phố Đà Nẵng; qua đó hai bên đã trao đổi những kinh nghiệm trong công tác phòng chống tội phạm nói chung, giữ gìn trật tự đô thị nói riêng, ghi nhớ những nội dung cần hợp tác trong thời gian tới. Do khả năng và điều kiện chưa cho phép nên hai bên chưa có ký kết hoặc thoả thuận vấn đề gì về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Trên lĩnh vực phòng chống ma tuý: Bộ Công an hợp tác với Hàn Quốc thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực công nghệ thông tin trong phòng chống ma tuý và thu thập xử lý thông tin”. Trong dự án này, Hàn Quốc có cử 02 đoàn đến thăm và làm việc với thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống ma tuý thành phố Đà Nẵng. Phía Hàn Quốc đã hỗ trợ cho Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống ma tuý thành phố 15 máy vi tính, 01 photocopy và một số phương tiện khác trị giá gần 800 triệu đồng. Dự án trên đang được Bộ Công an và Hàn Quốc tiếp tục triển khai thực hiện.

Qua gần 13 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW, có thể thấy rằng, tại thời điểm ban hành Chỉ thị, công tác hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong khi đó yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước là rất bức thiết. Chính vì lẽ đó, nội dung của Chỉ thị số 57-CT/TW tuy chỉ mới dừng lại ở những chủ trương mang tính nguyên tắc, song cũng đã thể hiện được những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng trong việc hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót; định hướng và chỉ đạo rõ ràng để tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, giúp Việt Nam từng bước hội nhập và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Ở địa phương, cụ thể như tại thành phố Đà Nẵng, công tác hợp tác quốc tế ở các lĩnh vực được đẩy mạnh, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế về pháp luật ở địa phương còn manh mún và đơn lẻ, đa phần chỉ là tham gia chung hoặc là đối tượng thụ hưởng các hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan trung ương. Còn lại là các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin, tăng cường quan hệ đối ngoại hiểu biết lẫn nhau chứ không có các hợp tác cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật địa phương cũng như giải quyết các vấn đề liên quan về pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực của chính quyền địa phương.

Điều quan trọng là chấp hành chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 57-CT/TW, hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố đều bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật cũng như chế độ xin phép, báo cáo với cấp ủy quản lý theo đúng quy định của Đảng. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW đến nay, chưa có trường hợp nào vi phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật cũng như kỷ luật Đảng./.

Tạ Tự Bình