Cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định pháp luật về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản giao dịch về nhà ở

29/07/2008
Hiện nay, các văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở đã được ban hành nhiều, đồng bộ, từng bước đáp ứng khối lượng lớn các giao dịch liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các văn bản này ở một số địa phương còn nhiều bất cập do việc hiểu và vận dụng các quy định pháp luật chưa thống nhất.

Điều 90 Luật Nhà ở (ban hành ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006) quy định: "Giao dịch về nhà ở gồm các hình thức mua bán, cho thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ và uỷ quyền quản lý nhà ở". Để được tham gia giao dịch thì cần có một trong các điều kiện là nhà ở đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu theo quy định của pháp luật (khoản 1, Điều 91). Luật cũng quy định hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn (khoản 3, Điều 93).

Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 (có hiệu lực từ ngày 03/8/2006) của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện quyền lợi của người sử dụng đất (sau đây gọi tắt là Thông tư số 04) thì việc công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, văn bản về bất động sản mà bên có bất động sản là hộ gia đình, cá nhân thì hộ gia đình, cá nhân đó được lựa chọn hình thức công chứng tại Phòng công chứng hoặc chứng thực tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản (điểm 2.2 Mục 1). Tức là, theo Thông tư này, trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân thì không phân biệt nhà ở đô thị hay nông thôn (như Luật Nhà ở quy định), người dân đều có quyền lựa chọn Phòng công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở đó để yêu cầu công chức hoặc chứng thực hợp đồng, văn bản giao dịch về nhà ở.

Do quy định giữa Luật Nhà ở và Thông tư số 04 không thống nhất nên Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản quy định riêng đối với đất ở đô thị, cụ thể là ở thành phố Biên Hoà thì giao việc chứng thực các hợp đồng về nhà ở cho Phòng Tư pháp thực hiện, Uỷ ban nhân dân xã, phường không được chứng thực các loại hợp đồng liên quan đến nhà ở, còn tại các huyện của tỉnh Đồng Nai thì Uỷ ban nhân dân huyện quy định giao cho Phòng Tư pháp hoặc Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện.

Ngoài ra, cũng theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 93 Luật Nhà ở, trong trường hợp bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở thì hợp đồng về nhà ở không cần chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn. Nhưng Thông tư số 04 lại quy định hợp đồng, văn bản về bất động sản mà bên có bất động sản là tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì công chứng tại Phòng công chứng (điểm 2.1, Mục 1). Quy định mâu thuẫn như vậy khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và nhà ở cũng như các Phòng công chứng đang gặp khó khăn, vì nếu theo Luật Nhà ở thì các hợp đồng, văn bản này không phải công chứng nhưng người dân không yên tâm khi xác lập các giao dịch, còn nếu người dân muốn công chứng thì một số Phòng công chứng lại từ chối thực hiện theo khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở.

Một vấn đề khác đã gây không ít lúng túng cho cán bộ làm công tác chứng thực tại các xã, phường hiện nay là nhiều trường hợp người dân mang hợp đồng đến yêu cầu chứng nhận giao dịch về nhà ở nhưng chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà trong giấy này không ghi nhận có nhà trên đất. Khi gặp trường hợp này, cán bộ Tư pháp xã, phường thường từ chối vì thấy rằng có liên quan đến nhà ở và hướng dẫn người dân đến Phòng Tư pháp yêu cầu chứng thực nhưng Phòng Tư pháp lại cho rằng, không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo Luật Nhà ở thì không thực hiện chứng thực. Như vậy, người dân không biết phải đến cơ quan nào để được giải quyết?

Để kịp thời giải quyết những vướng mắc trên, tránh gây phiền hà cho người dân cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động của Phòng công chứng, Phòng Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp xã, thiết nghĩ cần sớm sửa đổi Thông tư số 04 hoặc có văn bản hướng dẫn thống nhất việc công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng giao dịch về nhà ở nêu trên.

Phương Anh - Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai