Một số kết quả qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp của Sở Tư pháp Đà Nẵng

29/07/2008

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, theo sự phân công của Ban Thường vụ Thành uỷ, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã nghiên cứu, đề xuất dự kiến các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong giai đoạn 05 năm (2006 - 2010) của ngành Tư pháp thành phố trình Ban Nội chính Thành uỷ tổng hợp chung để xây dựng Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 20/6/2006 của Ban Thường vụ Thành uỷ. Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (giai đoạn 2006 - 2010) kèm theo Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 16  tháng 10 năm 2006.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Kế hoạch số 256/BC-BCSĐ/BTP ngày 22/12/2005 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 422/KH-STP ngày 20/3/2006 triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010); tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW cho toàn thể cán bộ, công chức ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng, qua đó để cán bộ, công chức của toàn ngành nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp các quận, huyện xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; qua đó định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ở các đơn vị, cơ sở thuộc ngành.

* Kết quả một số mặt công tác có liên quan của Sở Tư pháp

1. Công tác thi hành án dân sự

Tổng số vụ, việc mà Thi hành án dân s thành phố, quận, huyện thụ lý kể t ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW đến ngày 30/6/2008 là 24.057 vụ việc, đã thi hành xong 17.294 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,63%, tổng số tiền phải thi hành là 601.615.597.000 đồng, trong đó số tiền đã thi hành xong là 312.465.656.000 đồng đạt tỷ lệ 66,16%.

Trong việc chuyển giao số vụ, việc thi hành án có giá trị dưới 500.000 đồng cho UBND xã, phường đôn đốc thi hành theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 11/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Thi hành án đã chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường 4.507 vụ, việc, với tổng số tiền phải thi hành là 859.305.000 đồng. Đến hết tháng 6 năm 2008, Uỷ ban nhân dân các xã, phường đã thi hành xong 1.704 vụ, việc, đạt tỷ lệ 48,6% và đã thi hành được với tổng số tiền là 238.225.000 đồng, đạt tỷ lệ về tiền là 27,7%.

Công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án được quan tâm chú trọng, trong 03 năm qua, đã giải quyết 63 đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết kịp thời các đơn thư đã giúp cho đương sự hiểu rõ các quy định pháp luật về thi hành án, qua đó giúp ổn định tình hình trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

2. Công tác bổ trợ tư pháp  

Toàn thành phố có 31 Giám định viên tư pháp hoạt động trong 03 tổ chức giám định là Trung tâm Pháp y, Tổ chức giám định pháp y tâm thần thuộc Sở Y tế, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố và giám định viên trên các lĩnh vực giao thông công chính, xây dựng, văn hoá, tăng 09 người (29%) so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Triển khai thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, Sở Tư pháp đã tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ Giám định viên tư pháp, qua đó đề xuất Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Giám định viên tư pháp theo đúng quy định. Sở Tư pháp cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố thành lập Trung tâm Giám định pháp y thành phố vào năm 2006. Đây là một trong nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp ở địa phương.

Đối với hoạt động tư vấn pháp luật, luật sư, trên địa bàn thành phố có 01 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia thành phố, với 03 tư vấn viên pháp luật; 01 chi nhánh của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Đà Nẵng. Đoàn Luật sư thành phố có 66 luật sư chính thức và 08 luật sư tập sự, số lượng hành nghề luật sư là 28, trong đó có 19 văn phòng luật sư, 05 công ty luật và 04 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư. So với thời gian trước khi có Nghị quyết số 49-NQ/TW thì số lượng luật sư tăng 23 người (35%), số lượng các tổ chức hành nghề tăng 17 (61%). Thời gian qua, Sở Tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý; định kỳ hằng năm đều xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra thực tế hoạt động của các trung tâm tư vấn, văn phòng luật sư, công ty luật … Qua công tác kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời một số cơ sở hoạt động không đúng với nội dung ghi trong Giấy đăng ký hoạt động như thay đổi địa chỉ, tạm ngừng hoạt động mà không báo cáo …

Có thể nói, chất lượng dịch vụ pháp lý đã nâng lên một bước, đa số các luật sư có tinh thần trách nhiệm cao trước khách hàng, từ khâu nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp mặt bị can bị cáo, đương sự, thu thập chứng cứ, chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ đến tham gia phiên toà. Đặc biệt từ sau khi việc xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét hỏi kết hợp với tranh tụng theo tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức về các chức năng tố tụng của Toà án, Viện Kiểm sát và luật sư đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá đúng vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án, tạo điều kiện cho luật sư thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động tố tụng. Khi được tham gia tranh tụng dân chủ bình đẳng tại phiên toà các luật sư càng cẩn trọng và có trách nhiệm hơn trong việc chuẩn bị quan điểm, luận cứ bào chữa và tranh luận với kiểm sát viên. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư trong nhiều vụ án không những đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo mà còn giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót làm rõ sự thật khách quan, góp phần đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở quan tâm chú trọng, coi phổ biến, giáo dục pháp luật là bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật, thời gian qua, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đều đã kết hợp tổ chức nhiều hội nghị quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, các lớp tập huấn văn bản pháp luật của nhà nước đến tận cơ sở.

Điểm nổi bật của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn này là đã dần dần đi vào thực chất, thiết thực, triển khai trên diện rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân, đã giảm cơ bản tính hình thức trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan thành viên Hội đồng trong giai đoạn này được thực hiện chủ động và chặt chẽ hơn, nổi bật là sự phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn, Báo Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo...

Nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới đáng kể. Trong 3 năm qua, các ngành, đoàn thể thành viên Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như tập huấn, toạ đàm, hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề pháp luật… với số lượng 3.236 lượt buổi cho hơn 975.895 lượt người tham gia, nổi bật là các hoạt động như: Hoạt động tuyên truyền miệng được duy trì thường xuyên với nhiều nội dung, văn bản pháp luật khác nhau, tập trung vào những vấn đề thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố thu hút hàng trăm ngàn lượt người dân tham gia; Các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, thi tìm hiểu pháp luật trong quần chúng nhân dân và ở các ngành đoàn thể, địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ; Hoạt động phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên; công tác trợ giúp pháp lý hoà giải cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh (số liệu thể hiện ở Phụ lục số 3 kèm theo báo cáo).

Hiệu quả thực tế của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua đã được thể hiện cụ thể qua tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực đã thuyên giảm, tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp đã giảm đáng kể. Đặc biệt, chính công tác tuyên truyền pháp luật đã góp phần tạo thành công chung của thành phố trong việc thực hiện Chương trình “5 không” và “3 có” và góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

 4. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của ngành Tư pháp

Thực hiện Thông tư số 04/2005/TTLT-BTP-BNV của Bộ Tư pháp và Nội vụ, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tư pháp thành phố Đà Nẵng. Trong đó, đã tiến hành luân chuyển Chấp hành viên Thi hành án dân sự thành phố đến Thi hành án Dân sự quận, huyện; tổ chức đợt thi tuyển công chức cơ quan Thi hành án theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, nghiêm túc (Trong năm 2006, đã tuyển chọn được 13 sinh viên vào làm việc tại Thi hành án dân sự thành phố; quận, huyện). Sở Tư pháp cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch luân chuyển cán bộ công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Định kỳ, Sở Tư pháp đều tiến hành rà soát, phân loại đánh giá cán bộ, công chức ngành tư pháp thành phố, trong đó tập trung soát xét lại của đội ngũ Chấp hành viên Thi hành án dân sự và đề nghị bổ nhiệm lại nếu có đủ uy tín, năng lực, phẩm chất đạo đức. Trong 03 năm qua, từ chỗ 08 đơn vị Thi hành án quận, huyện lúc đầu mới thành lập có 03 đơn vị có đủ Trưởng, Phó trưởng Thi hành án, 02 đơn vị có Trưởng Thi hành án, đến nay 08 đơn vị đã bổ nhiệm đủ 08 Trưởng Thi hành án và 06 Phó trưởng Thi hành án. Tổng số Chấp hành viên Thi hành án dân sự hiện nay là 33 người, trong đó có 06 Chấp hành viên Thi hành án cấp tỉnh, tăng 07 Chấp hành viên (21%) so với thời điểm trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị: 100% Chấp hành viên cấp thành phố có trình độ Đại học Luật và 50% có trình độ cao cấp lý luận chính trị;  90% Chấp hành viên các quận, huyện có trình độ đại học Luật, 50% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 10% có trình độ trung cấp và 40% có trình độ sơ cấp.

 Mặc dù được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố hỗ trợ kinh phí, tăng cường cơ sở, trang thiết bị làm việc nhưng so với yêu cầu về cơ sở vật phục vụ cho hoạt động của ngành vẫn còn nhiều hạn chế, có nơi cơ sở vật chất, điều kiện làm việc xuống cấp, cần phải được bổ sung, sửa chữa, nâng cấp. Về trụ sở, điều kiện làm việc của Đoàn Luật sư thành phố, mặc dù đã được Uỷ ban nhân dân thành phố quy định tại Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW (kèm theo Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 16/10/2006) song đến nay vẫn chưa được quan tâm, giải quyết.          

* Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp trong ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng, có thể thấy rằng: Công tác cải cách tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung và của Sở Tư pháp Đà Nẵng nói riêng đã và đang được triển khai theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng. Đối với địa phương, trọng tâm là việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả công tác đối với cơ quan Thi hành án và các tổ chức bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định tư pháp …) trên địa bàn thành phố. Việc tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cán bộ có chức danh tư pháp nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung đã góp phần tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, của nhân dân tại thành phố về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước khi ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW đã tạo sự chuyển biến tích cực, đồng bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ngành thuộc thành phố đối với công tác tư pháp. Những chủ trương, định hướng đúng đắn về cải cách tư pháp đã tác động trực tiếp tới kết quả giải quyết từng vụ việc cụ thể./.

                                                                                   Tạ Tự Bình