Cà Mau: Rà soát 113 văn bản liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

31/07/2008
Thực hiện chủ trương của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch số 03/KH –UBND ngày 14 tháng 2 năm 2008 rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp do HĐND và UBND các cấp trong tỉnh ban hành.

Theo kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả rà soát văn bản trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh có liên quan đến ngành, lĩnh vực địa phương mình phụ trách.

Kết quả qua 6 tháng thực hiện Sở Tư pháp đã tập hợp được 113 văn bản có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp do tỉnh Cà Mau ban hành từ ngày 03 tháng 7 năm 1976 đến ngày 30 tháng 6 năm 2008 (cấp huyện 15 văn bản, cấp tỉnh có 98 văn bản). Sở Tư pháp đã tiến hành phân loại như sau: Có 26 văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp thuộc diện rà soát, còn lại 87 văn bản là những văn bản khác không chứa quy phạm. Qua kết quả rà soát xác định có 16 văn bản hết hiệu lực thi hành, 10 văn bản đang còn hiệu lực, đồng thời đề nghị ban hành mới 08 văn bản.

Việc rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp do HĐND, UBND các cấp trong tỉnh ban hành có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá một cách toàn diện hệ thống văn bản QPPL ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, nhất là lĩnh vực công chứng, chứng thực, hộ tịch, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự và những việc liên quan đến doanh nghiệp và người dân; để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua đợt rà soát lần này, giúp Bộ Tư pháp và UBND tỉnh phát hiện kịp thời các văn bản QPPL để lập và công bố các danh mục văn bản QPPL đã hết hiệu lực thi hành, văn bản đang cần, sửa đổi, bổ sung để từng bước hoàn thiện thể chế pháp lý giúp cho cơ quan tư pháp thực hiện nghiệp vụ tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, và kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản QPPL không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như đề xuất xử lý đối với những văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo... Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác rà soát hệ thống hoá, xây dựng và ban hành văn bản QPPL để giúp cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tư pháp từng bước đi vào nề nếp, có hiệu quả.

Anh Hoàng