Phú Yên: Mở rộng hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở

20/06/2008
Ông Huỳnh Xuân, Giám đốc Sở Tư pháp kiêm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Phú Yên cho biết: Hoạt động trợ giúp pháp lý trong 6 tháng đấu năm 2008 đã thực sự hướng về cơ sở, mở rộng các hình thức hoạt động gần dân hơn.

Ngay từ đầu năm 2008, Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2008 cho hoạt động Trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án “ Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên” trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã Quyết định bổ nhiệm 4 Trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp tiếp tục cử 02 công chức theo học Khoá sát hạch cấp Chứng chỉ đào tạo Trợ giúp viên pháp lý do Bộ Tư pháp tổ chức vào tháng 6/2008. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên  ra Quyết định công nhận và cấp thẻ  cho 115 Cộng tác viên TGPL ( Trong đó, CTV là cán bộ cấp tỉnh  26 người; cấp huyện 18 người; cấp xã 65 người và CTV là Luật sư  6 người). Thành lập 15 Câu lạc bộ TGPL với trên 500 Hội viên, nâng số Câu lạc bộ TGPL toàn tỉnh lên 27CLB  ( Trong đó, 10 CLB từ Dự án TGPL, 02 CLB từ  Quỹ TGPL, 10 CLB từ  Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và 5 CLB từ Chương trình 135 của Chính phủ)

Trong 6 tháng, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên đã thực hiện trợ giúp pháp lý 248 vụ việc với 240 người. Thực hiện TGPL lưu động: 10 đợt tại 15xã (trong đó TGPL 5 đợt, sinh hoạt chuyên đề pháp luật 3 đợt, lồng ghép TGPLvà sinh hoạt pháp luật chuyên đề 2 đợt). Với số người tham dự: 872 người. Nam: 540 người ( 62%); Nữ: 332 người ( 38%). Số người có yêu cầu được TGPL:171 người (19,6%) với 176 vụ việc. Số người không có yêu cầu TGPL nhưng được tuyên truyền, phổ biến pháp luật là 701người ( 80,4%). Trong 176 vụ việc thì có 34 vụ việc đất đai (19,8%);Chính sách: 5 vụ việc (2,8%); Dân sự :             45 vụ việc (25,5%);Hôn nhân gia đình:16 vụ việc ( 9,0%); Hành chính: 8 vụ việc (4,5%);  Hình sự :20 vụ việc (11,3%); lĩnh vực khác: 48 vụ việc (27,1%). Về hình thức TGPL:Tư vấn, giải thích: 150 vụ việc (  85,2%); Kiến nghị hoặc trao đổi với cơ quan chức năng ( chủ yếu là UBND xã) về giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật: 16 vụ việc ( 9,2%);  Hình thức khác: 10 vụ việc (5,6%).

Qua các đợt TGPL lưu động. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Yên nhận thấy có những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng và thi hành pháp luật tại các địa phương, vùng miền… như ở các xã miền núi vẫn còn nhiều trường hợp kết hôn khi một trong hai bên nam nữ chưa đủ tuổi; trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh đúng theo quy định; phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất đai… Ở vùng đồng bằng nổi cộm là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng tăng. Ở miền biển khó tập hợp được thanh niên, thiếu niên để phổ biến giáo dục pháp luật; vẫn còn tình trạng  sử dụng lao động trẻ em; gây rối trật tự công cộng… Ví dụ việc mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai, xây dựng và vệ sinh môi trường người dân đã phản ánh, khiếu nại nhưng chưa được UBND xã hoà giải, giải quyết như xã Hoà Kiến, thành phố Tuy Hoà ( 2 trường hợp); xã Hoà Quang Bắc, huyện Phú Hoà ( 2 trường hợp); xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu (2 trường hợp), xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà 1 trường hợp. Hoặc trường hợp 2 hộ gia đình ở xã Lộc, huyện Sông Cầu đã hoàn tất Hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp cho UBND xã trên 6 tháng  vẫn chưa được giải quyết; 01 trường hợp ở x ã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà trên 3 năm chưa được giải quyết mặc dù họ liên tục đề nghị. Một số hộ dân ở xã Xuân Thọ 1, huyện Sông Cầu phản ánh trình trạng đường dây điện kéo qua đất ở của họ, nay có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở bị vướng, yêu cầu di dời đường dây điện nhưng không được giải quyết. Nhiều hộ dân ở Khu vực Nông trường Ebá, huyện Sông Hinh phản ánh việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chưa thoả đáng. Trong đó có 2 trường hợp chính quyền địa phương đã thoả thuận bồi thường bằng đất, nhưng từ khi giải phóng mặt bằng đến nay chưa giao đất cho họ làm nhà ở ổn định cuộc sống.

Hầu hết những đợt TGPL lưu động, Trung tâm đều mời đại diện Đảng uỷ, UBND xã và đại diện các cơ quan chức năng của UBND huyện tham gia, nên phần lớn những vướng mắc về pháp luật do người được TGPL nêu ra,Trung tâm kịp thời kiến nghị trực tiếp hoặc trao đổi ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng  và các kiến nghị đó được lãnh đạo địa phương giải quyết ngay tại chỗ ( trong trường hợp đơn giản, thuộc thẩm quyền). Qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; Đối với những trường hợp phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp…thì  xác minh, giải quyết sau và thông báo kết quả cho Trung tâm biết. Hiện Trung tâm chưa  có điều kiện để soát xét lại các vụ việc trên đã được giải quyết chưa.

Nhiều ngư dân ở vùng biển đề nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn trình trạng một số  ngư dân tỉnh Bình Định lợi dụng tàu thuyền có mã lực lớn, không tôn trọng pháp luật và tập quán đánh bắt thuỷ sản trên biển đã ngang nhiên lấn chiếm ngư trường, thậm chí cố tình va chạm vào tàu  cá có mã lực nhỏ của ngư dân tỉnh Phú Yên gây thiệt hại về tài sản và đe doạ tính mạng của thuyền viên; Kiến nghị với các ngành chức năng xem xét lại tiêu chuẩn thi cấp bằng Thuyền trưởng, Máy trưởng vì đặc thù của người dân vùng biển là trình độ học vấn thấp, chủ yếu là sử dụng kinh nghiệm thực tế và hạ thấp mức lệ phí áp dụng cho các cuộc thi này. Trung tâm ghi nhận  những kiến nghị trên để kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên và các ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Ngoài thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã trực tiếp cử chuyên viên, trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý 69 người với 72 vụ việc. Đồng thời, hàng tháng Trung tâm đều có văn bản hướng dẫn chủ đề sinh hoạt ( kèm theo tài liệu) để định hướng cho Câu lạc bộ TGPL hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2008 các Câu lạc bộ TGPL đã tổ chức 80 buổi sinh hoạt thường xuyên theo chủ đề hướng dẫn của Trung tâm và các buổi sinh hoạt đột xuất khác phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương; Cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia sinh hoạt; đồng thời kiểm tra, hướng dẫn Câu lạc bộ TGPL duy trì sinh hoạt theo đúng Quy chế; Tổ chức 7 cuộc sinh hoạt chuyên đề pháp luật về “ tăng cường hoạt động TGPL thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL” tại  7 Câu lạc bộ TGPL theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Thu hút gần 300 hội viên Câu lạc bộ, Hoà giải viên và trên 100 đối tượng khác tham dự. Thông qua sinh hoạt  chuyên đề pháp luật đã hướng dẫn cách thức tổ chức, duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, phát triển Hội viên và tư vấn pháp luật qua một số vụ việc tranh chấp tại địa phương mà Hoà giải viên yêu cầu. Ngoài ra,  còn tổ chức họp báo tuyên truyền quảng bá về hoạt động TGPL; Tiếp tục  hợp tác với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ giới thiệu về hoạt động TGPL trên Bản tin Tư  tưởng phát hành đến các tổ chức cơ sở Đảng;    Thông qua các đợt thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt chuyên đề pháp luật tại cơ sở, ngoài việc tư vấn pháp luật còn góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quảng bá về hoạt động trợ giúp pháp lý và các Luật mới ban hành có hiệu lực trong năm 2008. Phối hợp với Thông tấn xã Việt nam ( Phân xã tại Phú Yên), Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Báo Phú Yên và Đài Phát thanh Phú Yên đưa nhiều tin, bài, phóng sự phản ảnh về hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Phú Yên.  Phối hợp các Phòng chuyên môn của Sở ,các cơ quan hữu quan và Uỷ ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp về công tác trợ giúp pháp lý, hoà giải cơ sở và phổ biến giáo dục pháp luật.

           Nhìn chung, hoạt động trợ giúp pháp lý Phú Yên tuy còn nhiều khó khăn, bất cập song công tác TGPL ở Phú Yên đã từng bước khẳng định được vai trò của mình là một nhân tố không thể thiếu trong sự nghiệp chung đưa pháp luật vào cuộc sống. Làm được điều này, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các địa phương, ban ngành, đoàn thể và sự cố gắng của đội ngũ chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Mặt khác, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thật sự vào cuộc, đã đưa hoạt động TGPL vào sinh hoạt, xây dựng Câu lạc bộ và tổ chức tuyên truyền pháp luật được đông đảo hội viên, đoàn viên tích cực tham gia. Các cơ quan thông tấn,báo chí đã dành một thời lượng thích hợp cho công tác TGPL ở địa phương. Trung tâm đã chủ động triển khai đều các hoạt động theo Kế hoạch công tác. Hoạt động TGPL lưu động tại cơ sở được duy trì, các yêu cầu TGPL của đối tượng được Chuyên viên, Cộng tác viên nghiên cứu trợ giúp có căn cứ pháp luật, cụ thể và kịp thời, không có vụ việc nào gây thiệt hại cho người được TGPL, số đợt TGPL lưu động tuy ít hơn nhưng số người tham dự và số vụ việc TGPL tăng nhiều so với  cùng kỳ năm 2007. Quan tâm đến việc phát triển đội ngũ những người thực hiện TGPL, duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, cấp phát tài liệu pháp luật đến cơ sở. Người dân nói chung, người được TGPL nói riêng chủ động tìm đến Trung tâm để yêu cầu TGPL ngày càng tăng; hình thức bào chữa, đại diện được tăng cường; hoạt động tư vấn pháp luật có chất lượng; người thực hiện TGPL đã  thể hiện được ý thức và trách nhiệm đối với công việc.

            Bên cạnh mặt tích cực cần phát huy, vẫn còn  những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục: Đề án về “ Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm” chưa được phê duyệt nên về tổ chức có những bất cập, bộ máy tổ chức của Trung tâm TGPL chưa được củng cố kiện toàn kịp thời, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chưa hình thành Chi nhánh TGPL và còn thiếu các loại hình TGPL (như Chi nhánh TGPL ở cấp huyện; chưa có Hòm thư TGPL đặt tại các Bưu điện văn hoá xã; phối hợp TGPL với hoạt động hoà giải cơ sở...). Do đó chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu được TGPL tiếp cận với hoạt động TGPL. Đội ngũ cộng tác viên TGPL đa số được công nhận lại trên cơ sở công việc đạt được từ năm 2007, nhưng còn thiếu phương pháp vận động, nhất là thiếu kiến thức về kỹ năng TGPL, do vậy còn lúng túng và thụ động nên hoạt động nên hiệu quả trợ giúp, tư vấn pháp luật chưa cao. Các Câu lạc bộ TGPL tuy được duy trì hoạt động, nhưng nhìn chung chất lượng sinh hoạt còn thấp, nội dung chưa phong phú, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời. Hoạt động TGPL lưu động được triển khai đều, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu  ở các địa phương, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua TGPL lưu động chưa phân loạt được diện được TGPL, còn nặng về hình thức tư vấn pháp luật đại trà và PBGD pháp luật. Do vậy, chưa tổng hợp được những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật gây nhiều dư luận trong nhân dân để kịp thời phản ảnh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền. Chưa kịp thời thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng nên chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan tư pháp và các Cơ quan nhà nước khác trong hoạt động TGPL. Việc quảng bá, tuyên truyền về hoạt động TGPL có những chuyển biến tích cực song chưa thật sự sâu rộng trong nhân dân. Công tác  này chưa được triển khai nhiều vì kinh phí dành cho mục này không đáp ứng với yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu thốn. Hiện nay, Trung tâm TGPL của Nhà nước Tỉnh Phú Yên chưa có trụ sở riêng nên hoạt động chung trong trụ sở làm việc của Sở Tư pháp. Do vậy nơi tiếp đối tượng còn chật hẹp và không thuận tiện cho hoạt động tác nghiệp; phương tiện phục vụ hoạt động TGPL lưu động chủ yếu sử dụng 02 xe mô tô, kinh phí nhà nước cấp cho Sở Tư pháp theo định mức đầu người quá thấp, chủ yếu chi lương nên các chi khác cho hoạt động của Trung tâm rất hạn chế.

            Phương hướng hoạt động trợ giúp pháp lý 6 tháng cuối năm 2008. Phú Yên tiếp tục củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức, chuẩn bị nhân sự và cơ sở vật chất của Trung tâm  khi Đề án được thông qua. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về Luật TGPL và Nghị định 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 04/2007/CT-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên ... Đảm bảo TGPL lưu động theo đúng kế hoạch. Trong đó chú trọng đợt TGPL lưu động  phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho Cộng tác viên TGPL..Kiểm tra hoạt động của các Câu lạc bộ TGPL để kịp thời hướng dẫn.Triển khai thực hiện tốt hoạt động TGPL theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II…

Nguyễn Huỳnh Huyện