Tư pháp Nam Định với công tác tuyên truyền pháp luật về đấu tranh phòng chống các loại xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên

20/06/2008
Thực hiện Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong 10 năm qua, Sở Tư pháp Nam Định đã chủ động triển khai thực hiện toàn diện đề án 4 của chương trình về “Đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thành viên Ban chỉ đạo 138 của tỉnh, Sở Tư pháp thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên nhằm  nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác chú trọng địa bàn trọng điểm, khu vực đông dân cư, thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên, tập trung vào việc ngăn chặn, phòng, chống các tội phạm xâm hại trẻ em như giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, tổ chức mại dâm trẻ em, tổ chức cho trẻ em dùng chất ma tuý... ngăn chặn, phòng chống tình trạng người chưa thành niên phạm tội trong nhà trường và ngoài xã hội.

Hàng năm, Tư pháp Nam Định phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với nội dung tập trung phổ biến kiến thức pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hoà giải, pháp luật phòng chống ma tuý, pháp luật phòng chống HIV/AIDS, Luật bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm… và tình hình nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên nói riêng.

Tập trung tổ chức khai thác và tổ chức biên soạn, cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật về phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tổ chức việc cung cấp cho người dân hàng chục ngàn tờ gấp tìm hiểu về Pháp luật phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, sách “Hỏi đáp các quy định pháp luật về phòng chống các tệ nạn xã hội” do Bộ Tư pháp biên soạn và các tài liệu liên quan khác. Ngoài ra chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện và thành phố trong việc xây dựng hương ước, qui ước thôn, làng, xóm, tổ dân phố, khu dân cư (Đến nay 100% các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đều đã xây dựng được hương ước của đơn vị mình từ đó ngăn ngừa tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội tại cơ sở); chỉ đạo xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn, bưu điện văn hoá xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đến nay 100% các Tủ sách pháp luật đã và đang phát huy tác dụng phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật, trong đó có pháp luật phòng, chống tội phạm cho cán bộ và  nhân dân.

 Trong những tháng hè tình nguyện và hưởng ứng ngày thế giới phòng chống ma tuý, Sở Tư pháp đã chỉ đạo phòng chuyên môn và lực lượng thanh niên cơ quan Sở phối hợp với Công an, Đoàn thanh niên ở tỉnh và các địa phương tuyên truyền pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý cho các đối tượng thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện Xuân Trường, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ và thành phố Nam Định; tổ chức toạ đàm trao đổi, tìm hiểu về pháp luật phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý tại huyện Xuân Trường; tổ chức diễn đàn thanh niên phòng chống ma tuý với sự tham gia của hơn 200 cán bộ, đoàn viên thanh niên thuộc các xã, thị trấn huyện Nghĩa Hưng.

 Nhận thức ưu thế của mô hình Câu lạc bộ pháp luật trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Tư pháp Nam Định đã chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển mô hình Câu lạc bộ. Đến nay, đã xây dựng được các Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật ”, “Nông dân với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”…; xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” tại xã Thọ Nghiệp – huyện Xuân Trường, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật ” tại xã Nghĩa Thái- huyện Nghĩa Hưng. Đến nay, các câu lạc bộ vẫn được duy trì sinh hoạt, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia tìm hiểu pháp luật nói chung pháp luật về phòng chống tội phạm vị thành niên nói riêng. Gần đây, mô hình Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập ở hơn 25 đơn vị cấp xã trong tỉnh đang được nhân rộng đã và đang là một hình thức để phổ biến, giáo dục pháp luật, giải đáp những vướng  mắc pháp luật của người dân ở cơ sở đến đối tượng có nhu cầu. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hoà giải, Sở đã thường xuyên hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ hoà giải và các hoà giải viên, kiểm tra công tác hoà giải ở cơ sở. Tiến hành củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải ở cơ sở đến nay toàn tỉnh có 2.419 tổ hoà giải với 12.744 hoà giải viên. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã hoà giải thành hàng chục ngàn vụ tranh chấp, xích mích, góp phần giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, với tỷ lệ hoà giải thành là trên 82%.

Một trong những yếu tố góp phần làm cho công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm đạt hiệu quả đó là đã có sự phối hợp giữa Tư pháp Nam Định với các Sở, Ban, Ngành tiến hành tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm. Trong những năm qua, Tư pháp Nam Định đã phối hợp với Sở giáo dục & Đào tạo, Liên đoàn lao động, Hội Luật gia tỉnh, Hội nông dân và UBND các huyện, thành phố, tiến hành tuyên truyền phổ biến cho cán bộ và nhân dân pháp luật về Hình sự, phòng chống tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma tuý, pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và huyện đoàn Giao thuỷ tổ chức giao lưu tìm hiểu pháp luật về: Đất đai, phòng chống ma tuý, An toàn giao thông đường bộ và bảo hiểm xã hội cho đối tượng là thanh niên và bộ đội biên phòng của 9 xã biên giới biển trên địa bàn huyện Giao Thuỷ thu hút hàng trăm thanh niên tham gia. Công tác tuyên truyền pháp luật đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn biên giới biển. Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức toạ đàm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trong đó có nội dung phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em  tại thị trấn Cổ Lễ huyện Trực Ninh; tổ chức lớp tập huấn nội dung pháp luật về quyền trẻ em, trách nhiệm của gia đình, cơ quan nhà nước và toàn xã hội đến các đối tượng là Trưởng thôn, xóm và bí thư chi bộ thuộc 30 xã, thị trấn của 4 huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Ý Yên và Vụ Bản. Đây là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền tại cộng đồng ở cơ sở….

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về “Đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, trong thời gian tới Tư pháp Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về pháp luật hình sự, xử lý các vi phạm hành chính, pháp luật phòng chống ma tuý,  Luật bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, pháp lệnh phòng chống mại dâm,…thường xuyên phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục “pháp luật và đời sống”; tập trung chỉ đạo cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn chủ yếu để tuyên truyền. Ngoài ra tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình, diễn biến tội phạm, gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm vị thành niên; kịp thời thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới xuất hiện. Đồng thời phối hợp, mở rộng các hình thức tuyên truyền tại cơ sở, trong cộng đồng dân cư, nhất là các vùng nông thôn nghèo, trình độ dân trí thấp, thiếu việc làm, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng để chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; phối hợp với các ngành hữu quan trong việc tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý để đưa pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào các vấn đề pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm./.

Trần Hồng Nhung