Nam Định:Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình

20/06/2008
Nam Định:Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình
Được Thường trực Tỉnh uỷ nhất trí, ngày 18/6/2008, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007. Đồng chí Trần Minh Oanh – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND – UBND tỉnh, Trưởng, phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh; Thủ trưởng các Ban của Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ khối dân chính Đảng, Đảng uỷ khối doanh nghiệp; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các đồng chí là thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh; Phó trưởng ban Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các đồng chí thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục của các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo cáo Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ 2003-2007, những định hướng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn 2008-1012, cũng như các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Có thể nói, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong 5 năm qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp uỷ đảng và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, vị trí vai trò của công tác này trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định, bởi nó đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành và củng cố nếp sống “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cán bộ, nhân dân; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được củng cố, kiện toàn, lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng giai đoạn được định hướng rõ ràng, bám sát vào các chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh; thường xuyên đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm của đối tượng, địa bàn chủ động đưa pháp luật đến gần với nhân dân.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ ở một số nơi còn hạn chế: hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn nặng về phong trào, chưa chú trọng hiệu quả; lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu, điều kiện cơ sở vật chất dành cho triển khai chương trình, kế hoạch, nội dung nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được bố trí phù hợp, kịp thời. Từ đó đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Do vậy, thông qua việc tổng kết 5 năm chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật  của UBND tỉnh, những người làm công tác PBGDPL đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quí báu. Đó là phải phát huy tối đa chức năng đầu mối, tính chủ động của cơ quan tư pháp, vai trò của các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngang tầm với nhiệm vụ; thường xuyên tổng kết các hình thức, biện pháp, mô hình điểm để nhân ra diện rộng.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm  2008 - 2012 tập trung vào việc định hướng những nội dung tuyên truyền, phát huy ưu thế của những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường tối đa vai trò của báo chí, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thu thập thông tin phản hồi của người dân về thực thi pháp luật. Chương trình PBGDPL giai đoạn 2008-2012 được thực hiện với 4 đề án trọng tâm, phân công cụ thể trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các cấp nhằm tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động được sức mạnh của các cấp, các ngành và toàn xã hội vào công tác này.

Với những thành tích xuất sắc có được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007, tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, trong đó Sở Tư pháp được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; UBND xã Xuân Kiên và đồng chí Phan Văn Hùng, Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; 5 tập thể và 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 3 tập thể và 5 cá nhân được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp.

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Minh Oanh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: các cấp, các ngành, các đoàn thể cần xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài; tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho sát với đối tượng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương; đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; sớm có đề án báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…

Với sự nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo thói quen sống và làm việc theo “Hiến pháp và pháp luật”./.

Nguyễn Thị Lệ Huyền