Huyện Lạng Giang- Bắc Giang: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

20/06/2008

Trên cơ sở Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nghị định Số: 160/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Chỉ thị Số: 11/CT-TU ngày 10/01/2000 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Bắc Giang V/v “Tăng cường lãnh đạo công tác hoà giải ở cơ sở”. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với UBMTTQ huyện, các đoàn thể nhân dân,UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về tổ chức hoà giải ở cơ sở, trên cơ sở đó chỉ đạo UBND và UBMTTQ cấp xã tiến hành củng cố, kiện toàn, thành lập mới các tổ hoà giải ở các thôn, xóm chưa có. Đồng thời mở Hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các thành phần gồm: Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ và cán bộ Tư pháp các xã, thị trấn; chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Đài truyền thanh huyện tăng cường công tác tuyên truyền nội dung cơ bản của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nghị định Số: 160/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh trên đài truyền thanh hàng ngày; Chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở tiếp âm đài huyện và tăng cường trích dẫn các câu hỏi-đáp về nội dung Pháp lệnh  Hoà giải …để tuyên truyền trong nhân dân.

          UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, đảm bảo các tổ hoà giải được tổ chức và hoạt động theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.  Sau 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh toàn huyện đã tổ chức được 220 đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1682 hoà giải viên. Thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng các hoà giải viên đã nâng cao được kiến thức pháp luật, nắm chắc được các nguyên tắc trong hoà giải, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, xích mích và các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.

          Cùng với việc chỉ đạo, triển khai thực hiện pháp lệnh, 10 năm qua UBND huyện còn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức 02 Hội thi “Hoà giải viên giỏi”. Thông qua các hội thi còn là dịp để bồi dưỡng có hiệu quả kỹ năng hoà giải và kiến thức pháp luật cho các hoà giải viên, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác hoà giải ở cơ sở đồng thời nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong huyện, góp phần vào việc xây dựng phong cách sống và lối ứng xử phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội trong các tầng lớp nhân dân.

          Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với MTTQ cùng cấp tiến hành rà soát , củng cố, kiện toàn lại các tổ hoà giải hiện có, chỉ đạo thành lập mới các tổ hoà giải ở tất cả các thôn theo đúng quy định của Pháp lệnh về “tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở”. Mở các Hội nghị tập huấn về Pháp lệnh và Nghị định Số: 106/NĐ-CP cho toàn thể cán bộ, công chức, các ban, ngành, đoàn thể ở xã, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, các tổ viên tổ hoà giải ở thôn, xóm. Chỉ đạo đài truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan thiết yếu với công tác hoà giải và đời sống của nhân dân.

          Trước khi có Pháp lệnh về “Tổ chức và hoạt động của hoà giải ở cơ sở” dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, sự hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên, các tổ chức hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Lạng Giang từng bước được củng cố, kiện toàn ở các thôn, xóm. Đặc biệt là giai đoạn từ 1988 đến 1992, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, tổ chức và hoạt động hoà giải trên địa bàn huyện bị giảm sút, một số tổ hoà giải không hoạt động hoặc hoạt động hiệu quả không cao. Tình trạng này là do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chủ yếu là do Phòng Tư pháp huyện bị giải thể, trong khi đó Ban tư pháp cấp xã không có cán bộ chuyên trách do vậy việc chỉ đạo hoạt động các tổ hoà giải cơ sở ít được quan tâm, chú trọng, hoạt động hoà giải chỉ mang tính tự phát, tình cảm, khuyên răn, cơ cấu tổ hoà giải không có sự thống nhất.

          Đến năm 1992, cùng với sự ra đời của Hiến pháp 1992 hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở được củng cố và phát triển, tổ hoà giải được thành lập ở hầu hết các thôn, xóm trong huyện.  Giai đoạn 1992 đến 1998 toàn huyện có 280 tổ hoà giải với 1562 thành viên.

          Sau khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở 1998 ra đời thì tổ chức của các tổ hoà giải được quản lý và thực hiện chặt chẽ hơn, số lượng tổ viên hoà giải do nhân dân bầu và quyết định về cơ cấu của tổ hoà giải cơ bản được thống nhất, bao gồm: Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban MTTQ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân thôn, hội người cao tuổi. Đây là những nhân tố tích cực, nhiệt tình, có trách nhiệm và uy tín trong nhân dân, bản thân và gia đình luôn gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm. Đến nay toàn huyện có 295 tổ hoà giải với 1682 thành viên, 24 Ban Tư pháp với 240 thành viên (Ban hoà giải- Xem phụ lục Số: 01).

           Kết quả hoạt động: Trong đời sống xã hội hàng ngày thường nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn về kinh tế, quan niệm, nhận thức, tính cách, lối sống….dẫn đến những tranh chấp trong các thành viên trong cùng gia đình, giữa các hộ gia đình trong khu dân cư, cùng với sự phát triển của xã hội thì những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân ngày càng mang tính phức tạp hơn. Từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ nếu không kịp thời giải quyết có thể sẽ dẫn tới những tranh chấp lớn là nguyên nhân làm phát sinh những vi phạm pháp luật. Vì vậy việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoà giải ở cơ sở là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của các hoà giải viên có yếu tố quyết định trong việc giải quyết kịp thời các mâu thuẫn tranh chấp mới phát sinh trong cộng đồng dân cư như: Tranh chấp đất đai, tranh chấp lối đi, tranh chấp quyền thừa kế, các mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân-gia đình, hợp đồng.Cụ thể trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh về “tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở” các tổ hoà giải trong huyện đã thụ lý và giải quyết: Số thụ lý 4.949 vụ. Số vụ việc hoà giải thành 4.166 vụ. Số vụ việc hoà giải không thành, chuyển cơ quan chức năng giải quyết 783 vụ việc, đạt tỷ lệ 84%

        Kết quả hoà giải ở cơ sở nêu trên cho thấy hoạt động của các tổ hoà giải đã có chiều hướng tích cực, giải quyết được cơ bản các mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp nhỏ phát sinh mới từ cơ sở góp phần ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật, không để những vi phạm hoặc tranh chấp nhỏ biến thành lớn, việc đơn giản thành phức tạp. Thông qua công tác hoà giải góp phần làm hạn chế các đơn thư khiếu kiện của công dân đến các cơ quan Nhà nước, tiết kiệm thời gian tiền của của Nhà nước và của nhân dân. Thông qua hoạt động hoà giải góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, từng bước xây dựng thói quen, lối ứng xử, ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân.

                    Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hoà giải ở cơ sở: Theo Pháp lệnh về “Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở” và Nghị định 106/NĐ-CP ngày 18/01/1990 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh thì quản lý Nhà nước về công tác hoà giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan Tư pháp từ TW đến địa phương. Thực hiện nhiệm vụ này trong những năm qua UBND huyện ban hành nhiều văn bản và kế hoạch chỉ đạo, củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải đã tổ chức 08 đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2770 đại biểu là các tổ trưởng các tổ hoà giải cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên. Đưa hoạt động các tổ hoà giải trên địa bàn huyện vào nề nếp, chỉ đạo biên soạn tài liệu hỏi đáp về pháp luật, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại-tố cáo, Luật Đất đai, Pháp lệnh hoà giải ở cơ sở…….Cấp phát hàng nghìn bộ tài liệu cho các tổ hoà giải qua đó giúp các hoà giải viên cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật.

           Việc sơ kết, tổng kết công tác hoà giải đã được tiến hành định kỳ, kịp thời rút kinh nghiệm những thành công và tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác này.

          - Việc tổ chức thi hoà giải viên giỏi trên địa bàn huyện được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo và đã tổ chức được 02 hội thi hoà giải viên giỏi vào năm 2001 và 2004, lựa chọn được 04 hoà giải viên tham dự thi cấp tỉnh. Kết quả đoàn Lạng Giang đạt giải nhất năm 2001 và giải nhì năm 2004.

          Sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với MTTQ và các tổ chức, đoàn thể cũng được cấp uỷ và chính quyền huyện quan tâm. Thông qua việc phối hợp  đã lựa chọn được những thành viên tích cực tham gia hoạt động hoà giải góp phần xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, củng cố tình đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao chất lượng hoà giải cơ sở, ổn định được trật tự trong cộng đồng dân cư.

            Công tác hoà giải cơ sở trên địa bàn huyện trong 10 năm qua luôn được cấp uỷ chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo do vậy hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, chất lượng hoà giải được nâng lên, sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp các cấp với UBMTTQ, các đoàn thể được thường xuyên, chặt chẽ hơn, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho các hoà giải viên được quan tâm, chú trọng, cung cấp kịp thời các văn bản, tài liệu liên quan cho các tổ hoà giải để nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng vào thực tiễn khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.

Hà Thanh Thuỷ