Cải cách hoạt động tư pháp tại TP.HCM: Luật sư nên tham gia từ đầu để tránh oan sai

12/05/2006
Hôm qua 11.5, dưới sự chủ trì của Ban An ninh - Nội chính Thành ủy, các cơ quan tư pháp TP.HCM đã ngồi lại với nhau bàn chuyện cải cách, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử. Đó không chỉ là nhiệm vụ phải triển khai theo yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thành ủy mà còn là một nhiệm vụ cấp thiết của thành phố, nơi có số lượng vụ án lớn nhất cả nước.

 Phát biểu trước cuộc hội thảo, ông Trần Hoàng Thám - Trưởng ban An ninh - Nội chính Thành ủy nhận định, hoạt động tư pháp trong thời gian qua có tiến bộ, song vẫn còn yếu kém, bất cập trên nhiều mặt. Trước thực tế này, yêu cầu của Thành ủy là mong muốn các cơ quan tư pháp của TP tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa hoạt động của mình. Đại tá Nguyễn Thế Bình - Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, dưới 40% điều tra viên có trình độ đại học nên chất lượng điều tra còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác điều tra. Kết luận giám định là một trong những văn bản quyết định mang tính khách quan quyết định đến việc truy tố, xét xử, nhưng lại phụ thuộc chủ yếu vào cơ quan giám định từ kỹ thuật hình sự, pháp y, chất lượng xây dựng công trình, tài chính, kết toán, định giá tài sản... Đó là chưa nói đến việc giám định có đúng hay không. Nhiều cơ quan, nhiều tổ chức mỗi nơi cho một kết quả khác nhau ảnh hưởng đến việc nhận định chứng cứ, truy tố, xét xử. Hiện tượng quá hạn giam giữ còn cao chủ yếu do khâu xét xử quá hạn. Hiện tượng tiêu cực trong cơ quan điều tra còn tiềm ẩn. Vì vậy theo ông Bình, đổi mới và cải tổ là cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp để nâng cao chất lượng trong công tác điều tra, xét xử án hình sự.

Ông Nguyễn Xuân Phát - Phó chánh Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM cho rằng, muốn nâng cao chất lượng xét xử, tránh oan sai thì chất lượng của những người tham gia tố tụng phải được nâng cao. Đến nay, vẫn còn những vi phạm cơ bản, chẳng hạn: lấy lời khai người chưa thành niên, người thiểu năng về thể chất và tinh thần không có luật sư hoặc gia đình đại diện chứng kiến. Việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng để nâng cao chất lượng công tác điều tra, xét xử, lý thuyết là vậy, nhưng thực tế luật sư vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc "xin" cấp giấy chứng nhận bào chữa; luật sư tiếp cận bị can, bị cáo bị tạm giam rất nhiêu khê, mất rất nhiều thời gian. Đó là những điểm mà theo ông Phát cần khắc phục ngay để nâng cao vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, cái khó hiện nay của luật sư là không được tham gia từ giai đoạn điều tra. Việc để cho luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra là phù hợp với quy định của pháp luật và cũng để giúp nâng cao chất lượng điều tra, tránh oan sai.

"Không thể nói là sẽ có giải pháp khắc phục khả thi. Như tôi, Thủ trưởng CQĐT Công an TP.HCM, một năm đi họp Quốc hội hết 1/3 thời gian, thì làm sao tôi theo dõi, chỉ đạo xuyên suốt được! Cho nên, theo tôi là phải bố trí Thủ trưởng CQĐT chuyên trách là hợp lý nhất. Thủ trưởng CQĐT không quán xuyến được cơ quan mình thì không thể nâng cao chất lượng của CQĐT. Và sẽ vô lý nếu buộc Thủ trưởng CQĐT phải chịu trách nhiệm về toàn bộ kết luận do mình đưa ra. Bỏ kiêm nhiệm thì sẽ đỡ vướng mắc về chất lượng của CQĐT. Ngoài ra, hệ thống cảnh sát điều tra của TP.HCM có khoảng 800 ĐTV, trong đó mỗi năm có khoảng 50 người đến tuổi nghỉ hưu. Mà chỉ tiêu tuyển sinh không đủ để bù đắp cho số già, hưu thì nói gì đến việc nâng trình độ và bổ sung số lượng ĐTV của TP.HCM lên con số 1.200 người. Như vậy, tình trạng quá tải sẽ còn kéo dài. Phải dám nhìn thẳng vào thực tế đó để tính coi giải pháp nào là giải pháp căn cơ chứ còn cứ... hô khẩu hiệu với nhau thì biết đến bao giờ mới nâng cao được chất lượng hoạt động tư pháp!" - Đại tá Phan Anh Minh

(Theo Thanh niên)