Sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm của tỉnh Đăk Lăk

16/06/2008
Trên cơ sở bám sát phương hướng, nhiệm vụ công tác được Bộ Tư pháp xác định tại Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 về Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp năm 2008 và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đề ra trong năm 2008; trong 6 tháng đầu năm 2008 Sở Tư pháp Đăk Lăk tập trung lãnh đạo cán bộ, công chức trong ngành nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác và đã đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

1. Công tác củng cố xây dựng ngành:

- Đối với cơ quan Sở: Tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2007 theo quy định; triển khai việc kê tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cơ quan Sở theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành Quy định về thực hiện chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức của Sở; phân bổ chỉ tiêu biên chế năm 2008 cho Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 03 phòng công chứng số 1, số 2, số 3. Đồng thời, Sở đã quyết định bổ nhiệm lại 03 cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Sở, điều động 01 công chức, tiếp nhận 01 công chức, ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế với 06 công chức; nâng bậc lương cho 02 cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp của Sở từ năm 2008 – 2009; hoàn thành báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2008; xây dựng báo cáo của UBND tỉnh về thực trạng tổ chức và hoạt động pháp chế của Sở, ngành, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Đối với cơ quan thi hành án: Sở đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp ra quyết định và tổ chức công bố quyết định thành lập Thi hành án dân sự huyện Cư Kuin; thành lập 03 phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự tỉnh, điều động và bổ nhiệm chức danh Trường Thi hành án dân sự huyện Lăk, Cưm’Gar; ra quyết định bổ nhiệm Phó trưởng Thi hành án dân sự Tp. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Păk, bổ nhiệm 01 chấp hành viên, miễn nhiệm 01 chấp hành viên, điều động 10 chấp hành viên, 01 công chức, chuyển công tác 01 chấp hành viên, 01 công chức, cho 01 chấp hành viên nghỉ hưu theo chính sách tinh giảm biên chế; tuyển dụng 10 công chức, tiếp nhận 01 công chức, huỷ quyết định tuyển dụng 01 công chức, nâng lương đợt 2/2007 cho 21 chấp hành viên, công chức. Hiện nay, các cơ quan thi hành án dân sự đã được bố trí 23/25 biên chế (06 chấp hành viên, 17 cán bộ, chuyên viên), 14 Thi hành án dân sự cấp huyện bố trí 130/138 biên chế (36 chấp hành viên, 94 cán bộ, chuyên viên).

- Đối với Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp: Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh dự thảo Chỉ thị của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của các Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp; trong 6 tháng đầu năm 2008, do việc triển khai Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ về cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo Phòng Tư pháp cấp huyện có sự thay đổi do luân chuyển vị trí công tác; đến nay, tổng biên chế của 14 Phòng Tư pháp là 60 người; 10/14 Phòng Tư pháp đều có trưởng và phó phòng, 01 Phòng Tư pháp bố trí 06 biên chế, 04 Phòng Tư pháp bố trí 05 biên chế, 07 Phòng Tư pháp bố trí 04 biên chế; tổng số cán bộ tư pháp - hộ tịch của 180 xã, phường, thị trấn là 230 người, trong đó 50/64 xã, phường, thị trấn được bố trí 02 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch chuyên trách.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Trong 6 tháng đầu năm 2008, Sở đã tập trung đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác tư pháp cho cán bộ cấp xã và đội ngũ cộng tác viên công tác văn bản: tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp (gồm 13 chuyên đề về công tác văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải cơ sở; đăng ký, quản lý hộ tịch và công tác chứng thực) cho 294 học viên là Chủ tịch UBND và cán bộ hộ tịch – tư pháp cấp xã; 01 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác văn bản quy phạm pháp luật (gồm 10 chuyên đề) cho 50 cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, Sở đã cử 03 công chức cơ quan Sở đi học lớp bồi dưỡng Công nghệ thông tin do UBND tỉnh tổ chức, 02 cán bộ đi học lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính, 03 cán bộ đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh; cử 14 Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, huyện tham dự lớp tập huấn công tác kế toán cho chủ tài khoản và kế toán nghiệp vụ thi hành án, 04 công chức đi học lớp nghiệp vụ chấp hành viên tại Học viện Tư pháp.

2. Công tác Văn bản quy phạm pháp luật:

Ngay từ đầu năm Sở đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trình ban hành kế hoạch xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh năm 2008 gồm 64 văn bản, đến nay các Sở, ngành đã trình UBND tỉnh ban hành 08 văn bản, đang trình 14 văn bản, đạt tỷ lệ 34,37%. Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã thẩm định 51 văn bản quy phạm pháp luật (06 nghị quyết, 29 quyết định, 15 chỉ thị, 01 đề án), góp ý 32 văn bản (20 quyết định, 09 chỉ thị, 04 đề án) do các Sở, ngành soạn thảo trình HĐND, UBND tỉnh ban hành; giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 04 văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra theo thẩm quyền 05 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện. Hoàn thành rà soát văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư và quy hoạch, kết quả đã rà soát 133 văn bản, gồm 03 danh mục văn bản (90 văn bản hiện hành, 35 văn bản hết hiệu lực thi hành, 08 văn bản đề nghị bãi bỏ); đồng thời, đang tiến hành việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, Sở đã tập trung góp ý vào một số dự thảo luật, Nghị định, Thông tư đảm bảo đạt chất lượng nội dung và đúng thời gian quy định.

Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở tỉnh, Sở đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, rà soát và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã xây dựng 29 văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, góp ý 93 văn bản (43 văn bản quy phạm pháp luật, 50 văn bản áp dụng pháp luật), tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 200 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện 07 văn bản có nội dung vi phạm. Đồng thời, các Phòng Tư pháp đang đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp ban hành đến 31/12/2007; trong đó, các Phòng Tư pháp: Krông Bông, Krông Păk, EaH’Leo, Ea Súp đã hoàn thành công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của huyện (tổng số đã rà soát 2.690 văn bản, trong đó có 75 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 43 văn bản hiện hành, 28 văn bản hết hiệu lực thi hành, 01 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung và 03 văn bản đề nghị bãi bỏ) và trình UBND huyện công bố làm cơ sở cho các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện ở từng địa phương. Ngoài ra, để từng bước nâng cao nghiệp vụ công tác văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, Phòng Tư pháp các huyện: EaH’Leo, Krông Bông, Cư Kuin đã tham mưu UBND huyện tổ chức các Hội nghị tập huấn công tác văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ cấp, huyện, cấp xã.

3. Công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý và Hoà giải ở cơ sở:

a. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008, phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức cuộc thi “tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” tỉnh Đăk Lăk lần thứ I, thành lập Ban tổ chức cuộc thi và triển khai xây dựng Thể lệ cuộc thi; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt 07 luật mới ban hành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; chỉ đạo sơ kết thực hiện Đề án 04 – Chương trình 212 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008; ban hành kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong năm 2008, trên cơ sở đó Sở đã tham mưu cho Hội đồng thực hiện công tác kiểm tra hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2004 – 2008 ở 27 Sở, ngành của tỉnh, nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở từng Sở, ngành, cũng như những tồn tại, hạn chế, qua đó kiến nghị và đề xuất các biện pháp để UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực của từng ngành phụ trách. Mặt khác, Sở đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phối hợp với Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát thực trạng tiếp cận pháp luật của cán bộ, nhân dân tại 02 huyện Cưm’Gar, Krông Buk và một số Sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” tỉnh Đăk Lăk lần thứ I trên địa bàn tỉnh, Sở đã biên soạn và phát hành 10.000 tập tài liệu phục vụ cuộc thi và phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ phát động cuộc thi ở cấp tỉnh, gắn với chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai, phát động cuộc thi ở cấp huyện. Sở đã phát hành 21.000 cuốn Bản tin Tư pháp hàng tháng, 489.410 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về Luật Cư trú, Luật Bình đẳng giới, Luật Dạy nghề, pháp luật về dân chủ cơ sở, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ... cấp phát cho cơ sở theo chương trình quốc gia giảm nghèo năm 2007, 2008 và kế hoạch của Sở. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện 05 chuyên mục Pháp luật và Đời sống, gồm các chuyên đề về công tác hoà giải cơ sở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới... để phát trên sóng phát thanh - truyền hình.

Thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục, pháp luật năm 2008, đến nay 14/14 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục, pháp luật, làm cơ sở triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng địa phương. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp tổ chức 243 Hội nghị phổ biến, quán triệt các luật mới ban hành và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân... cho hơn 19.000 lượt cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật và nhân dân ở cơ sở; Phòng Tư pháp thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Krông Năng, EaH’Leo, Krông Bông, Ea Kar, Cư Kuin... đã tổ chức 51 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, công tác hoà giải cho 4.027 lượt cán bộ cấp huyện, xã và hoà giải viên cơ sở; đồng thời, các Phòng Tư pháp thường xuyên phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân ở cơ sở. Thực hiện kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân của ở xã, phường, thị trấn” đến nay, hầu hết các huyện, thành phố đã tổ chức lễ phát động cuộc thi đến đông đảo các tầng lớp nhân dân ở từng địa phương hưởng ứng, tham gia, nhằm đảm bảo thời gian, chất lượng tổ chức cuộc thi theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

b. Công tác Trợ giúp pháp lý:

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thụ lý và giải quyết 85 vụ việc yêu cầu trợ giúp pháp lý; đồng thời tổ chức 14 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, kết hợp với tuyên truyền pháp luật và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 1.200 lượt cán bộ và nhân dân tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Krông Buk, Krông Ana, Lăk, Krông Năng, Cưm’Gar, Ea Kar, Krông Păk, EaH’Leo và thành phố Buôn Ma Thuột; tổ chức 09 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 700 cán bộ, nhân dân tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Krông Bông, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Buk và M’Đrăk (trong đó có hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số)... Mặt khác, Trung tâm triển khai rà soát đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để tiến hành bồi dưỡng nghiệp vụ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở từng địa phương.

c. Công tác Hoà giải ở cơ sở:

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tổng kết công tác 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải ở cơ sở và công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm; trên cơ sở đó Sở đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện theo kế hoạch của tỉnh. Hoạt động hoà giải ở cơ sở tiếp tục được duy trì thường xuyên, toàn tỉnh có 2.237 tổ hoà giải với 11.572 hoà giải viên, trong 6 tháng đầu năm các tổ  hoà giải đã thụ lý 1.425 vụ việc, hoà giải thành 899 vụ việc, đạt tỷ lệ 63,08%.

4. Công tác Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp:

a. Công tác hành chính tư pháp:

Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong các lĩnh vực hộ tịch, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản... nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức đến giao dịch. Sở đã thụ lý mới 397 trường hợp yêu cầu về hộ tịch, lý lịch tư pháp, giải quyết xong 368 trường hợp, trong đó: Đăng ký kết hôn thụ lý 32 trường hợp, giải quyết xong 23 trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp thụ lý 347 trường hợp, giải quyết xong 348 trường hợp (có 01 trường hợp từ năm trước chuyển sang); đăng ký khai sinh thụ lý 12 trường hợp, giải quyết xong 09 trường hợp; thụ lý và giải quyết xong 01 trường hợp đăng ký khai tử, 01 trường hợp xác nhận hộ tịch; cấp 01 giấy chứng nhận hoạt động văn phòng luật sư, thụ lý 01 trường hợp nhận con ngoài giá thú. Các phòng công chứng đã công chứng 1.422 trường hợp, 4.409 bản, thu lệ phí 260.734.000 đồng (Phòng công chứng số 1 công chứng 1.106 trường hợp, 3.294 bản, thu lệ phí 202.970.000 đồng; Phòng công chứng số 2 công chứng 214 trường hợp, 803 bản, thu lệ phí 28.614.000 đồng; Phòng công chứng số 3 công chứng 102 trường hợp, 312 bản, thu lệ phí 29.150.000 đồng). Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã chứng thực 961 trường hợp, 1.392 bản, thu lệ phí 9.579.000 đồng; giải quyết 215 trường hợp cải chính hộ tịch, 437 trường hợp cấp lại giấy khai sinh; UBND cấp xã, phường, thị trấn đã thực hiện chứng thực 200.822 trường hợp, 288.138 bản, thu lệ phí 886.993.000 đồng, giải quyết 13.962 trường hợp đăng ký khai sinh, 1.680 trường hợp đăng ký khai tử, 5.073 trường hợp đăng ký kết hôn, 345 trường hợp cải chính hộ tịch... đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật.

Mặt khác, Sở đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung đã xác định trong kế hoạch triển khai Tiểu dự án Quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra (PMS) trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với Viện khoa học pháp lý tiến hành khảo sát về thi hành án hình sự tại cộng đồng và các biện pháp tư pháp khác trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh tiến hành tự kiểm tra tình hình quản lý các trường hợp cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Sở đã tiến hành sơ kết 09 năm thực hiện thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an về cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh; sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài) trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

b. Công tác quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp:

- Công tác quản lý hoạt động luật sư và giám định tư pháp: Hoạt động của Trung tâm giám định pháp y và các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đã đi vào ổn định, từng bước đáp ứng yêu cầu của cá cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh; trong 6 tháng đầu năm 2008, Trung tâm pháp y đã giám định 913 vụ 9giám định thương tật 505 vụ, giám định tử vong 225 vụ, xét nghiệm phủ tạng 183 vụ); tổ chức giám định kỹ thuật hình sự đã giám định 469 vụ; các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 223 vụ bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, đương sự, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác cho 163 trường hợp.

- Công tác bán đầu giá tài sản: Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã ký 45 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với các cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức cá nhân khác, trị giá 16.674.635.000 đồng; nhận 18 vụ tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước, trị giá 206.915.620 đồng; tổ chức 53 cuộc bán đấu giá thành, thu 13.418.339.110 đồng (tăng 2.845.981.000 đồng so với giá khởi điểm), trong đó: Tài sản do cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền 8.812.961.400 đồng; tài sản do tổ chức cá nhân khác uỷ quyền 4.406.620.000 đồng; tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước 198.767.710 đồng. Trung tâm đã chi trả tiền bán tài sản cho các cơ quan tổ chức, cá nhân uỷ quyền là 12.866.096.303 đồng (Cơ quan thi hành án dân sự 8.612.634.000 đồng; tổ chức cá nhân khác 4.288.627.303 đồng), nộp ngân sách Nhà nước 64.835.000 đồng; thu lệ phí bán đấu giá tài sản và các khoản thu khác 195.168.000 đồng. Đồng thời, Sở đã tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

5. Công tác Thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo:

Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2008, trong 6 tháng đầu năm Sở đã tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực hộ tịch, chứng thực ở UBND cấp huyện, Phòng Tư pháp và UBND cấp xã, nhằm phát hiện và có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại hạn chế và những sai phạm ở từng địa phương. Do đó, Sở đã tiến hành thanh tra công tác hộ tịch, chứng thực tại 11 xã, phường, thị trấn, 02 Phòng Tư pháp, 02 UBND cấp huyện; đồng thời, đã thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Thi hành án dân sự huyện Ea Súp, gắn với thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị được thanh tra trong năm 2007 khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kết luận thanh tra. Mặt khác, Sở duy trì thường xuyên công tác tiếp dân và nhận 15 đơn thư khiếu nại, tố cáo (12 đơn khiếu nại, 03 đơn tố cáo); trong đó có 07 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành (06 đơn khiếu nại, 01 đơn tố cáo), 08 đơn (06 đơn khiếu nại, 02 đơn tố cáo) liên quan đến công tác thi hành án dân sự đã được Sở chuyển đến Thi hành án dân sự tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

6. Công tác thi hành án dân sự:

Sở đã thường xuyên chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự, gắn với việc giải quyết dứt điểm các đơn, thư khiếu nại về thi hành án dân sự, nên đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau (Số liệu tính từ ngày 01/10/2007 đến ngày 30/5/2008) tổng số việc phải thi hành là 8.458 việc, số việc có điều kiện thi hành là 5.802 việc; đã giải quyết xong hoàn toàn 3.739 việc, đạt tỷ lệ 64,44%. Tổng số tiền phải thi hành là 160.889.510.000 đồng, số tiền có điều kiện thi hành là 97.224.390.000 đồng; đã thi hành xong hoàn toàn: 41.578.036.000 đồng, đạt tỷ lệ 42,76%; chuyển kỳ sau thi hành tiếp 4.719 việc, tương ứng số tiền 119.311.474.000 đồng. Số vụ việc thi hành án do UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành là 542 vụ việc, tương ứng số tiền 104.029.000 đồng; đã thi hành xong 269 việc, tương ứng số tiền 47.354.000 đồng, đạt tỷ lệ 49,63% về số việc và 45,51% về số tiền.

Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã thụ lý và giải quyết dứt điểm 32 đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác thi hành án dân sự; trong đó, thi hành án dân sự tỉnh thụ lý và giải quyết 06 đơn, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thụ lý và giải quyết 26 đơn. Mặt khác, Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác thi hành án dân sự tại 03 cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện; đồng thời, chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tổng rà soát, phân loại án có điều kiện và không có điều kiện thi hành để có biện pháp, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thi hành án trong thời gian đến.

7. Các mặt công tác khác:

Trong 6 tháng đầu năm 2008, ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công tác theo kế hoạch đã xác định từ đầu năm, Sở đã tiến hành nhiều hoạt động khác nhằm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ công tác đột xuất của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương  như: Xây dựng và đưa trang thông tin điện tử của Sở đi vào hoạt động; tổ chức đoàn cán bộ, công chức đi trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000 tại một số Sở Tư pháp miền Tây và miền Đông Nam bộ; sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đánh giá kết quả thực hiện chương trình cải cách hành chính của ngành giai đoạn 2001-2007; đồng thời, đã tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết tình hình triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh; duy trì và thực hiện tốt các phong trào thi đua, các đợt thi đua đã phát động, nhất là thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2008).

Ngoài ra, Sở đã lãnh đạo cán bộ, công chức trong ngành thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí trong công tác; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thành công tác quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007, phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2008 cho các đơn vị trực thuộc; vận động cán bộ, công chức cơ quan Sở ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ mái ấm công đoàn, nạn nhân động đất tại Trung Quốc và bão tại Mianma với số tiền 4.697.000 đồng và 3.177.000 đồng để triển khai các chương trình kết nghĩa với buôn Plum, xã Ea Trul, huyện Krông Bông theo đúng nội dung đã ký kết, đem lại hiệu quả thiết thực và tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, công chức của Sở và nhân dân buôn Plum, góp phần đảm bảo về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn...

Niê Khánh Hải