Sở Tư pháp Bắc Giang tiến hành sơ kết giai đoạn I thực hiện Đề án 4 (2006 - 2007)

16/06/2008
Thực hiện Công văn số 878/BTP- PBGDPL ngày 27/3/2008 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số hoạt động thực hiện Đề án 4 "phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn" ( Đề án 4), Vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã tiến hành sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án 4 (2006 - 2007) với những kết quả như sau:

Thực hiện Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 và Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, Sở Tư Pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 947/KH- CT ngày 12 tháng 4 năm 2005  của UBND tỉnh triển khai công tác về phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005-2010 và Quyết định số 574/QĐ- UBND ngày 26/5/2006 thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh gồm có 22 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, các thành viên là trưởng hoặc phó các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Để Ban chỉ đạo hoạt động có hiệu quả UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các đơn vị trên địa bàn. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị chủ trì các đề án của Chương trình, cụ thể là: Sở Tư pháp chủ trì đề án IV, Sở Văn hoá thông tin chủ trì đề án I, UBMTTQ tỉnh chủ trì đề án II, Thanh tra tỉnh chủ trì đề án III ( theo Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Nhìn chung công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đến nay 10/10 UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có BCĐ Chương trình Quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và chất lượng công tác PBGDPL từng bước được nâng lên.

  Kết quả thực hiện:

 a) Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:

Bám sát nội dung đề án IV, Sở Tư pháp đã tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn như: Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật hình sự, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, Pháp lệnh Thi hành án Dân sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Luật phòng, chống ma tuý, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Dân sự, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Nhà ở, Luật Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh Dân số, Luật Xây dựng, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch...

b) Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tập trung thực hiện

Thứ nhất:  PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở

Đây là một trong những hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả cao nhất. Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh đã chỉ đạo PHCTPBGDPL các huyện, thành phố và các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở thông qua các chuyên mục: Tìm hiểu pháp luật, Hỏi đáp pháp luật, thông tin pháp luật... Từ năm 2006 đến năm 2007, Đài PT- TH tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã tuyên truyền, phổ biến được 66.560 tin, bài về các lĩnh vực pháp luật với thời lượng 115.000 giờ. Chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật” đã được duy trì thường xuyên liên tục; số tác phẩm có nội dung tuyên truyền, PBGDPL được đăng tải trên Báo Bắc Giang là 820 tin, bài, ảnh và 336 chuyên trang có nội dung tuyên truyền, PBGDPL.

Thứ hai:  PBGDPL thông qua các Hội nghị, lớp tập huấn

Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành đoàn thể, các đơn vị và địa phương tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn lồng ghép với công tác PBGDPL, tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh. Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương đã tổ chức được trên 61.584 hội nghị, lớp tập huấn cho 4.505.930 lượt người tham gia. Sở Tư pháp đã tổ chức được 110 Hội nghị, lớp tập huấn cho trên 150 nghìn lượt người tham gia như:  Hội nghị tập huấn về Luật bầu cử đại biểu HĐND các cấp, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật giao thông đường bộ, Luật đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Nhà ở...

 

Thứ ba:  PBGDPL trong nhà trường

Thực hiện chủ trương đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học, Sở Tư pháp đã ký kết Chương trình phối hợp PBGDPL với Sở Giáo dục- Đào tạo. Hai năm qua, đã tổ chức triển khai Luật Giáo dục tới toàn thể cán bộ, công chức Phòng Giáo dục, giáo viên dạy GDCD các trường THPT; hàng năm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân ở các trường THCS trong toàn tỉnh về Luật phòng, chống ma tuý, Luật giao thông đường bộ...

Thứ tư  PBGDPL thông qua hình thức thi tìm hiểu pháp luật

Từ năm 2006 đến nay Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức 03 cuộc thi và 02 Hội thi tìm hiểu pháp luật, cụ thể là: Phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh tổ chức cuộc thi " tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông"; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về dân số, hôn nhân gia đình. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật Đất đai” cho hội viên Hội nông dân trong toàn tỉnh.; Phối hợp cùng Đoàn thanh niên, Sở Giáo dục - Đào tạo, Đài PT- TH tỉnh tổ chức hội thi " tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông đường bộ"; Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục tỉnh tổ chức Hội thi "Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch giỏi năm 2007" và xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi “ Hoà giải viên giỏi năm 2008” cho  đối tượng là hoà giải viên trong toàn tỉnh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng pháp luật, kinh nghiệm cho hoà giải viên ở cơ sở, thúc đẩy giao lưu văn hoá, trao đổi kinh nghiệm trong đội ngũ  hoà giải viên ở cơ sở. Các cuộc thi, hội thi đã thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Thứ năm:  PBGDPL thông qua Tủ sách pháp luật:

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, đến nay, 229/229 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có Tủ sách pháp luật, mỗi Tủ sách pháp luật có gần 300 đầu sách các loại. Cùng với việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, hàng năm đều có kế hoạch bổ sung trên cơ sở có khảo sát nhu cầu sử dụng sách của các địa phương. Thực hiện Kế hoạch số 52-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng (Khoá IX), Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo việc xây dựng ngăn sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch và tiếp tục thực hiện luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn đến điểm bưu điện văn hoá xã ở địa phương để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tìm hiểu pháp luật.

Thứ sáu:  PBGDPL thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 175 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” với hơn  5000 hội viên tham gia, 38 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với gần 800 hội viên. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ như: tập huấn kiến thức pháp luật cho các hội viên, in phát tờ gấp, tài liệu pháp luật, giao lưu giữa các câu lạc bộ được quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, hoạt động của các câu lạc bộ đã góp phần nâng cao hiểu biết của hội viên về chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và thông qua hoạt động, câu lạc bộ đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Có thể nói các Câu lạc bộ đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bài trừ các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư nơi có câu lạc bộ hoạt động.

Thứ bảy: PBGDPL thông qua trợ giúp pháp lý

Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh đã tổ chức trợ giúp lưu động được 70 đợt; tư vấn, bào chữa, tham gia tố tụng cho trên 1000 đối tượng chính sách tại các xã, phường, thị trấn, trong đó lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Thụ lý, giải quyết trên 1000 vụ việc tại trụ sở. Để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý với Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, Hội Nông dân.

Thứ tám: PBGDPL thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở

          Hoạt động hoà giải góp phần quan trọng vào việc giải quyết những vụ việc, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại. Hiện nay tỉnh Bắc Giang có 2563 tổ hoà giải với 15.923 thành viên, Hàng năm Sở Tư pháp Bắc Giang đã chỉ đạo Phòng tư pháp các huyện thành phố thường xuyên củng cố kiện toàn tổ hoà giải ở cơ sở, đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải cho các hoà giải viên. Từ năm 2006 đến năm 2007, các tổ hoà giải đã tiếp nhận 3011 vụ việc, tổ chức hoà giải thành 2376 vụ việc, đạt 79%.

Thứ chín: PBGDPL thông qua biên soạn tài liệu:

Hai năm qua, Sở Tư pháp Bắc Giang đã biên soạn trên 100.000 tờ gấp pháp luật, 2000 cuốn hỏi đáp pháp luật, 1200 cuốn nghiệp vụ công tác xã, phường, thị trấn, xuất bản trên 12.000 bản tin Tư pháp để tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung cũng như tuyên truyền các hoạt động của ngành nói riêng.

          Thứ mười: PBGDPL thông qua các phiên toà xét xử lưu động và công tác thi hành án trên địa bàn

 Với vai trò là cơ quan phối hợp trong Đề án, Toà án nhân dân tỉnh đã hướng dẫn toà án nhân dân địa phương tổ chức xét xử lưu động trên 50 vụ tại địa phương, thông qua đó góp phần tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương.

Cùng với công tác xét xử lưu động, công tác thi hành án trong thời gian qua cũng đạt kết quả cao: Năm 2006 thi hành án dân sự thi hành đạt kết quả  84% về việc, 77% về tiền; năm 2007 đạt kết quả 81% về việc, 90% về tiền.

        c) Công tác tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ tư pháp các xã, thị trấn.

        Cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn là lực lượng quan trọng và là lực lượng nòng cốt trong hoạt động PBGDPL ở cơ sở, do đó tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này thường xuyên được quan tâm chỉ đạo. Trong 2 năm qua, Sở Tư pháp Bắc Giang đã tổ chức 08 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã về các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ như: Soạn thảo văn bản, kiểm tra VBQPPL, PBGDPL, nghiệp vụ đăng ký quản lý hộ tịch, nghiệp vụ chứng thực...

d) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa ban tư pháp với các ban, ngành, tổ chức của hệ thống chính trị xã, thị trấn trong việc tuyên truyền PBGDPL.

          Nhiệm vụ PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cơ quan tư pháp là đầu mối, vậy việc xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật giữa ban tư pháp  với các ban, ngành tổ chức ở cấp xã là hết sức quan trọng và đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hội đồng PBGDPL từ tỉnh đến các xã, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, có quy chế, tổ chức hoạt động có phân công cụ thể cho các thành viên. Đến nay HĐPHCTPBGDPL tỉnh có  22 thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành đoàn thể; HĐPHCTPBGPL cấp huyện có 169 thành viên, HĐPHCTPBGPL cấp  xã  có 2167 thành viên. Với vai trò là cơ quan thường trực của HĐPHCTPBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh gồm 63 đồng chí là cán bộ, công chức các Sở, ban, ngành đoàn thể, Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; đồng thời tham mưu cho HĐPHCTPBGDPL tỉnh chỉ đạo HĐPHCTPBDGPL các  huyện, thành phố xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Đến nay, cấp huyện có gần 200 báo cáo viên pháp luật, cấp xã đã có gần 1000 tuyên truyền viên.

Bài học kinh nghiệm:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quan tâm củng cố, kiện toàn HDPHCTPBGDPL từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Thực tế cho thấy, ở đâu công tác phổ biến giáo dục pháp luật được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của cấp uỷ, chính quyền, thì ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, các vi phạm pháp luật được đẩy lùi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Hai là: Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, gắn việc tuyên truyền pháp luật với thực thi pháp luật. Hàng năm cần bố trí kinh phí cho công tác này một cách phù hợp.

Ba là: Phát huy cao độ các hình thức tuyên truyền có hiệu quả, thiết thực như: hoạt động hoà giải, tủ sách pháp luật và hệ thống truyền thanh cơ sở. Chọn lọc các nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL phù hợp với từng đối tượng trong nhân dân chú trọng phổ biến những văn bản pháp luật mới ban hành và văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, đa dạng hoá, đổi mới các hình thức tuyên truyền PBGDPL trong nhân dân.

Bốn là: Vận dụng linh hoạt phương pháp tuyên truyền theo nhóm đối tượng như các chuyên đề pháp luật với thanh niên, phụ nữ, nông dân... thông qua sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội, giao lưu văn hoá, lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật, cấp phát tờ gấp, tài liệu tuyên truyền...

PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 4 GIAI ĐOẠN 2

1 - Tiếp tục quán triệt, phổ biến các văn bản chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong phổ biến giáo dục pháp luật.

2 - Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, trong đó, tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật mới ban hành, những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, gắn với việc tuyên truyền các văn bản của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

3 - Tiếp tục sử dụng, khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật ở xã, phường,thị trấn; đẩy mạnh việc luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật ở xã đến các điểm bưu điện văn hoá xã, trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, nhà văn hoá thôn, bản.

4 - Hàng năm, các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào Chương trình phổ biến giáo dục của tỉnh, các văn bản pháp luật liên quan để xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2, Đề án 4  ở địa phương, đơn vị mình. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, chủ động tạo nguồn kinh phí hỗ trợ và bảo đảm cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật./.

Hoàng Giang