Vũ Thư - Thái Bình: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở sở và Chỉ thị 14 của Tỉnh uỷ

16/06/2008
Sáng ngày 11/6/2008, thực hiện kế hoạch số 01/KH-UBND tỉnh về tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở sở, UBND huyện Vũ Thư long trọng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở sở và Chỉ thị số 14/CT-TU của Tỉnh uỷ.

Về  và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở Tư pháp, Thường trực Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện và trưởng các ban ngành đoàn thể của huyện. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo, cán bộ tư pháp của 30 xã, thị trấn và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải của huyện nhà.

 Trong 10 năm qua, công tác hoà giải ở Vũ Thư luôn được các cấp uỷ chính quyền địa phương từ huyện đến thôn xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương. Do vậy, ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn chỉ đạo như Chỉ thị số 14/CT-TU ngày 23/4/1999 của Tỉnh uỷ về tổ chức thi hành Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Kế hoạch số 05/KH-HĐ của Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh, UBND huyện ban hành Chỉ thị số 27/CT-UB ngày 19/10/1999 chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tổ chức hội nghị để đánh giá về thực trạng của địa phương trước khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và triển khai kế hoạch thành lập, củng cố và kiện toàn các tổ hoà giải ở các xóm làng, tổ dân phố. Đồng thời giao cho Phòng Tư pháp phối hợp với MTTQVN huyện thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn các xã, thị trấn trong toàn huyện tiến hành củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải, nhất là sau khi có Quyết định 65/QĐ-UBND tỉnh về chuyển đổi mô hình xóm thành thôn. Đến nay, trong toàn huyện hiện có 213 tổ hoà giải với 1.700 hoà giải viên. Trong đó, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm tổ trưởng tổ hoà giải có 213 người; tổ viên tổ hoà giải là hội viên Hội nông dân: 246, hội phụ nữ: 251, Đoàn thanh niên: 291, hội CCB: 262, thành phần khác: 437. Các tổ trưởng, tổ viên tổ hoà giải đều là những người được nhân dân tín nhiệm, có hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, được mặt trận tổ quốc giới thiệu và nhân dân tham gia bầu trong các cuộc họp nhân dân ở thôn, làng, tổ dân phố và được UBND xã, thị trấn quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong 10 năm qua, các Ban hoà giải và tổ hoà giải trong toàn huyện đã thụ lý 9.719 vụ việc đã hoà giải thành 8.469 vụ việc, đạt tỷ lệ 87%. Trong đó, 1.370 vụ việc về hôn nhân và gia đình, 3.434 vụ việc về tranh chấp dân sự, 1.370 vụ việc về đất đai- nhà ở và 2.323 vụ việc vi phạm nhỏ khác. Các vụ việc hoà giải thành đều đảm bảo đúng nguyên tắc hoà giải, phương châm, phương pháp hoà giải tôn trọng sự tự nguyện của mỗi bên. Trong quá trình hoà giải đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý với tình, đồng thời kiên trì, chủ động, sáng tạo trong các bước hoà giải. Chính vì vậy, mà nhiều vụ việc phức tạp, dây dưa kéo dài ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội của địa phương. Tiêu biểu trong những vụ, việc  mà các hoà giải viên đã hoà giải thành phải kể  nhắc đến vụ mâu thuẫn giữa ông Tân và ông Toàn xóm 2 xã Tân Lập. Năm 2001, tại xóm 2, nay là thôn Bổng Điền Bắc xã Tân Lập, hộ gia đình ông Nguyễn Quang Tân bị mất gà và nghi cho ông Trần Sách Toàn nhà gần ông Tân bắt gà và đã có những lời nói bóng gió, dẫn đến hai bên cãi lộn, xô xát. Mẹ đẻ của ông Toàn nay đã già yếu lại thấy con và hàng xóm thường hay cãi lộn vì con gà đã mất, sinh ra ốm và chết. Lúc này ông Toàn lại cho rằng vì ông Tân nên mẹ ông mới ốm và chết, đã làm đơn ra UBND xã đề nghị giải quyết. Sau khi làm tang lễ cho mẹ ông Toàn song, Ban Tư pháp xã mới tham mưu cho UBND xã mới cho mời hai ông lên trụ sở UBND xã để giải quyết. Giải thích rõ cho ông Toàn hay việc cái chết của mẹ ông là do bà đã già yếu nên mới lâm bệnh mà chết. Chứ không phải do ông Tân cãi nhau với ông làm mẹ ông chết. Việc ông Tân nghi ông Toàn ăn trộm gà nhà ông là không có cơ sở. Rồi đề nghị hai bên từ nay chấm dứt cãi nhau. Tuy nhiên, hai bên về sau vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại, cãi cọ gây mất trật tự an ninh khu dân cư. Lúc này, tổ hoà giải xóm 2 bắt đầu vào cuộc, phân tích điều hơn lẽ thiệt, có lý có tình cho cả hai ông rằng việc làm của mình không những không có căn cứ, là vi phạm pháp luật về xúc phạm nhân phẩm danh dự của người khác.... Dần dần các ông đã nghĩ ra và xét thấy việc làm của mình là không đúng, đã làm mất đi tình cảm xóm làng "tối lửa tắt đèn có nhau" từ trước đến nay. Hai đã cam kết chấm dứt cãi cọ gây mất an ninh trật tự khu xóm nữa. Như vậy, nhờ kiên trì, thuyết phục có lý, có tình của các hoà giải viên mà tình cảm xóm làng của ông Tân và ông Toàn được chắp lại, sống hoà thuận như trước. Bên cạnh đó còn có những vụ điển hình mà các hoà giải viên đã hoà giải thành như vụ tranh chấp quyền sở hữu chuông của hai làng Tương Đồng và Thái Phú xã Hồng Phong; vụ tranh chấp ngôi mộ giữa hai dòng họ Vũ và họ Đặng thôn Hưng Nhưỡng xã Vũ Hội...trong gần 10 nghìn vụ trong 10 năm qua. Trong công tác hoà giải của Vũ Thư đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải. Tiểu biểu là ông Phạm Thế Hệ ở Thôn Ô Mễ 3 xã Tân Phong (được Bộ Tư Pháp tặng Bằng khen năm 2004), ông Nguyễn Xuân Rỹ ở Thôn Phan Xá xã Hồng Phong, ông Phạm Ngọc Truỳ ở thôn Trực Nho xã Minh Quang, ông Nguyễn Văn Linh thôn Trung Hoà xã Việt Thuận, ông Phạm Ngọc Phô thôn Phú Lễ Thượng xã Tự Tân, ông Tưởng Xuân Ái ở thôn Vô Thái xã Dũng Nghĩa...

Thay mặt lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện, Bà Phạm Thị Đức- Phó chủ tịch UBND huyện biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác hoà giải ở cơ sở. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới để động viên phong trào, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị của Tỉnh uỷ về công tác hoà giải ơ cơ sở, HĐND và UBND tỉnh sớm ban hành mục chi ngân sách cho công tác hoà giải theo Thông tư 63/2005/TT-BTC; Sở Tư pháp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên của huyện. Thống nhất chỉ đạo chung trong toàn tỉnh về hoạt động của ban hoà giải cấp xã vì trong Pháp lệnh chưa quy định./.

Nguyễn Ngọc Hiển