Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh: Qua 6 tháng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình

16/06/2008
Trên cơ sở Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp năm 2008 của Sở Tư pháp Tây Ninh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý, tình hình thực tiễn của đơn vị và nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân trên địa bàn, ngay từ đầu năm Trung tâm Trợ giúp pháp lý ban hành kế hoạch hoạt động, qua 6 tháng tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả:

Công tác tổ chức

Để Trung tâm trợ giúp pháp lý (Trung tâm) tổ chức và hoạt động theo đúng Luật Trợ giúp pháp lý, ngay từ đầu năm Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tổ chức tư pháp khác tham mưu cho Ban Giám đốc Sở trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Thực hiện Kế hoạch này, năm 2008 Trung tâm đã được cấp thêm  07 biên chế (trước đây là 4 biên chế) để tăng cường số viên chức làm việc tại Trung tâm và thành lập các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý tại huyện Bến Cầu và huyện Tân Châu và hiện nay đang được Sở Tư pháp thông báo tuyển dụng.

Hiện tại Trung tâm có mặt là 6 người: trong đó có 4 biên chế chính thức; 01 sinh viên tạo nguồn và 01 hợp đồng lao động. 03 viên chức của Trung tâm được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý. Để bộ máy Trung tâm đủ mạnh có điều kiện thực hiện tốt hơn theo chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp đã luân chuyển và tăng cường nhân sự cho Trung tâm. Trung tâm đã chia thành 02 bộ phận: Nghiệp vụ và hành chính, mỗi bộ phận đều được giao chức năng, nhiệm vụ và phân công người phụ trách.

Đội ngũ cộng tác viên hiện nay của Trung tâm là 107 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh là 25; Luật sư 8, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện là 33; cán bộ, công chức cấp xã là 34; Trường hợp khác là 7.

Việc theo dõi, quản lý việc thành lập và hoạt động của các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý

Đối các các Câu lạc bộ được thành lập theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp (hoạt động từ nguồn kinh phí dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đoạn 2005-2009” do Cục Trợ giúp pháp lý-BTP cấp )

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, tháng 7/2006 Sở Tư pháp Tây Ninh phối hợp với UBND huyện Dương Minh Châu thành lập 11 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý của 11 xã, thị trấn của huyện Dương Minh Châu.

6 tháng đầu năm Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp huyện Dương Minh Châu theo dõi hoạt động của các Câu lạc bộ, đến nay các Câu lạc bộ đã ban hành Quy chế (Điều lệ) tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ và củng cố kiện toàn lại theo Điều lệ mẫu của Bộ Tư pháp ban hành, tất cả các câu lạc bộ đều sinh hoạt đều đặn hàng tháng, nội dung sinh hoạt theo đúng quy chế đã đề ra. Qua thời hoạt động các câu lạc bộ ngày càng thu hút nhiều hội viên và nhân dân trên địa bàn tham gia sinh hoạt, kiến thức pháp luật của người dân được nâng lên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cụ thể là: các vụ khiếu kiện tranh chấp trong nội bộ nhân dân giảm, các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng và nhân dân trong địa phương nói chung thật sự an tâm vì ở tại địa phương có các cộng tác viên, có Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý giúp họ giải quyết những vướng mắc liên quan đến pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đối với các câu lạc bộ được thành lập theo Chương trình 135 của Chính phủ

Theo sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp có văn bản chỉ đạo việc thành lập 15 câu lạc bộ tại 15 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh và đã có văn bản hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ, tính đến nay tất cả 15 xã đã thành lập các câu lạc bộ và đi vào hoạt động.

Ngoài ra Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp lập tờ trình xin kinh phí để phục vụ cho công tác trợ giúp pháp lý lưu động, trang bị tài liệu và các thông tin có liên quan đến trợ giúp pháp lý cho các câu lạc bộ. 

Công tác tư vấn pháp luật và cử luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ

Nhằm để nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân nói chung và đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng có những hành vi phù hợp với pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bào chữa, đại diện cho các đối tượng này trước pháp luật, trong 6 tháng đầu năm Trung tâm đã trợ giúp pháp lý được 207 trường hợp, trong đó tư vấn pháp luật 130 trường hợp, cử 77 lượt luật sư bào chữa, đại diện.

Cụ thể là: hành chính, khiếu nại-tố cáo 07 trường hợp; hình sự 69; thừa kế 14; Hôn nhân gia đình 15; đất đai nhà ở 72;  dân sự khác 29; Lao động việc làm 01.

Công tác tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

Để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ và kỹ năng trợ giúp pháp lý của đội ngũ chuyên viên, cộng tác viên, đồng thời giúp cho đội ngũ này kịp thời nắm bắt những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật mới được ban hành nhằm phục vụ cho công tác trợ giúp pháp lý ngày một tốt hơn.

Trung tâm đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là  trợ giúp viên pháp lý,  chuyên viên, cộng tác viên và thành viên Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, có 190 đại biểu tham dự.

Nội dung tập huấn là:Trình tự thủ tục trợ giúp pháp lý; Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hình thức trợ giúp pháp lý; Cách thức xây dựng, thực hiện Điều lệ về tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, giới thiệu các văn bản pháp luật, như: Luật Bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Công tác trợ giúp pháp lý lưu động

Căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm Trung tâm đã tổ chức được 18 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, có 687 lượt người đến dự, cấp phát 3.096 tờ gấp các loại,  lồng ghép vào các đợt trợ giúp pháp lý lưu động này Trung tâm đã tuyên truyền các văn bản pháp luật như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật sửa đổi bổ sung Luật khiếu nại tố cáo, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Nhìn chung trong 6 tháng qua Trung tâm đã bám sát vào kế hoạch đã đề ra từ đầu năm để thực hiện, công tác trợ giúp pháp lý lưu động đẩy mạnh 18/16 đợt, tư vấn pháp luật được tăng cường,  nhu cầu về cử luật bào chữa, đại diện trong các vụ án có liên quan đến các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp tăng cao 77/64 lượt luật sư, mặc dù trong quý II Trung tâm có sự thay đổi Giám đốc, nhưng hoạt động của Trung tâm vẫn đảm bảo, không bị ảnh hưởng. Từng viên chức của đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, không ngại gian khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Minh Hiền