Bình Định : Kết quả kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện An Lão

16/06/2008
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bình Định vừa tổ chức kiểm tra công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại UBND xã An Dũng và UBND huyện An Lão. Qua kiểm tra cho thấy, công tác PBGDPL trên địa bàn đã có nhiều hình thức, nội dung đưa pháp luật đến người dân.

Về chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Từ năm 2007 đến nay, Hội đồng PHCTPBGDPL huyện An Lão, xã An Dũng đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân cho Đảng viên, cán bộ, công chức trên địa bàn. Việc tổ chức quán triệt các văn bản này đều do các cấp Uỷ đảng, UBND, Hội đồng PHCTPBGDPL huyện, xã trực tiếp hoặc phối hợp thực hiện thông qua các cuộc họp hoặc đưa vào nội dung kế hoạch, chương trình công tác định kỳ. Hội đồng PHCTPBGDPL huyện thành lập và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động, phân công trách nhiệm, nâng cao cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng. Hội đồng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2008 và thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác này ở các xã. Qua kiểm tra, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL đến người dân. Hội đồng PHCTPBGDPL ở các xã đã thành lập, nhưng một số nơi vẫn chưa ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng, chưa tiến hành củng cố, kiện toàn và có nơi chưa tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành Kế hoạch PBGDPL.

Tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Hiện nay, Hội đồng PHCTPBGDPL huyện An Lão có 26 thành viên, là đại diện của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện do Chủ tịch UBND làm Chủ tịch Hội đồng. Ở cấp xã: 10 Hội đồng PHCTPBGDPL xã, thị trấn có 70 thành viên. Hội đồng PHCTPBGDPL huyện, xã, thị trấn đều có Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng. Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn. An Lão hiện có 17 báo cáo viên, 50 tuyên truyền viên pháp luật, 56 Tổ hoà giải với 1.280 hoà giải viên cơ sở (riêng xã An Dũng có 5 tuyên truyền viên pháp luật, 4 tổ hoà giải với 20 hoà giải viên). Đội ngũ này là lực lượng nòng cốt, làm cầu nối đưa pháp luật đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn, góp phần phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương.

Nội dung, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật: Thực hiện Kế hoạch PBGDPL năm 2007, 2008 trên địa bàn huyện, các cơ quan, ban, ngành ở huyện, xã đã tập trung tổ chức phổ biến nhiều văn bản pháp luật mới, thiết thực với tình hình thực tế ở địa phương, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là HIV/AIDS); Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký,…Đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật được Hội đồng cấp huyện, cấp xã lựa chọn phù hợp với văn bản pháp luật tuyên truyền. Nhất là phổ biến những văn bản pháp luật phù hợp đồng bào dân tộc thiểu số như pháp luật đất đai, hôn nhân gia đình,…

Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật: Hội đồng PHCTPBGDPL huyện, xã bước đầu đã khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả như lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở,... chú trọng tuyên truyền pháp luật thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên, phát huy lợi thế của hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở để đưa pháp luật đến tận người dân. Từ năm 2007 đến nay, 56 tổ hoà giải trên địa bàn huyện đã thực hiện hoà giải 91 vụ việc, trong đó hoà giải thành 79 vụ, chiếm tỷ lệ 86,8%, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.Hội đồng PHCTPBGDPL huyện đã tổ chức được 32 đợt tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, quan trọng, gần gũi, thiết thực với đời sống nhân dân cho hơn 2.250 lượt người và cấp phát hơn 115 tài liệu tuyên truyền pháp luật cho người dân. An Lão hiện có 54/56 thôn đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung mới Hương ước, quy ước. Nội dung Hương ước, quy ước phù hợp với những chuẩn mực đạo lý truyền thống của dân tộc, góp phần định hướng nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện An Lão hoàn thành việc xây dựng tủ sách pháp luật, bước đầu đã có sự đầu tư nhưng số lượng sách pháp luật còn ít, chưa thường xuyên bổ sung sách pháp luật mới ban hành, chưa phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trong xã. Đài truyền thanh xã, huyện duy trì thường xuyên chuyên mục “Pháp luật và đời sống” vào sáng thứ 7 hàng tuần, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới và các hoạt động PBGDPL ở địa phương.

Kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Thực hiện Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005  của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Quyết định số 14/2006/QĐ-UBND ngày 08/2/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và Hướng dẫn 142/HDLS-STC-STP của Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Sở Tư pháp về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định, UBND huyện, xã, thị trấn ở An Lão bước đầu đã có sự quan tâm, đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL, tuy nhiên mức đầu tư còn thấp, thậm chí có nơi không có. Nguyên nhân là do các xã ở An Lão hầu hết thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có nguồn thu, kinh phí hoạt động đều do UBND tỉnh, huyện hỗ trợ hoàn toàn, do đó việc dành kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL có nhiều hạn chế.

          Nhìn chung, các cấp Uỷ đảng, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác PBGDPL dưới nhiều hình thức như: ban hành các Quyết định thành lập Hội đồng PHCTPBGDPL, Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng; thành lập đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên, ban hành các văn bản chỉ đạo, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, kế hoạch, chương trình PBGDPL, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở địa phương trong việc PBGDPL cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung PBGDPL đã tập trung vào những vấn đề cụ thể, gần gũi, thiết thực với tình hình thực tế ở địa phương. Hình thức PBGDPL được thực hiện khá phong phú, phù hợp với từng loại đối tượng nên thu hút được đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân tham gia. Công tác PBGDPL đã phát huy được hiệu quả, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, từng bước ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

          Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể, ban ngành trong công tác PBGDPL ở cấp xã, huyện đôi lúc còn thiếu chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đều kiêm nhiệm nên việc đầu tư công sức, thời gian cho công tác này còn bất cập. Ở cấp xã, lực lượng tuyên truyền viên, hoà giải viên cơ sở chưa được thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng PBGDPL, kiến thức pháp luật. Tủ sách pháp luật ở cấp xã, huyện chưa được bổ sung sách pháp luật mới, việc khai thác, sử dụng còn nhiều bất cập. Kinh phí cấp cho công tác PBGDPL chưa đảm bảo, nhất là việc chi trả chế độ bồi dưỡng cho tuyên truyền viên, hoà giải viên ở cơ sở.

Qua kiểm tra, Đoàn đã kiến nghị các cấp Uỷ đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Nghị quyết 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2010 cho toàn thể cán bộ, nhân dân ở địa phương. Cần xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội đồng PHCTPBGDPL huyện, xã cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác PBGDPL. Ban Tư pháp xã cần tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành Kế hoạch PBGDPL hàng năm trên địa bàn và đưa phần kinh phí phục vụ hoạt động PBGDPL vào dự toán ngân sách hàng năm của UBND nhằm đảm bảo kinh phí cho hoạt động PBGDPL.

          Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL: Hội đồng PHCTPBGDPL các cấp (Hội đồng PHCTPBGDPL xã An Dũng nên bổ sung thêm số lượng thành viên cho Hội đồng là đại diện của các cơ quan, tổ chức đoàn thể khác như Hội Nông dân, Đài truyền thanh, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…), tổ hoà giải, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ làm công tác PBGDPL. Đổi mới và đa dạng các hình thức PBGDPL như thông qua các loại tài liệu đề cương, tờ gấp, sách Hỏi - đáp pháp luật bằng tiếng dân tộc Hrê,… tăng cường đầu tư phương tiện, điều kiện vật chất phục vụ cho hoạt động của hệ thống loa truyền thanh ở địa phương. Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật nên tập trung vào những văn bản, nội dung pháp luật cần thiết, thiết thực với đời sống hàng ngày của người dân.

Nguyễn Huỳnh Huyện