Lào Cai triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao

09/06/2008
Thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính Phủ về việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ban hành kèm theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BTP ngày 15/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngày 26/3/2007, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 26/3/2007 về việc triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý.

Mục tiêu kế hoạch đề ra nhằm bảo đảm cho người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý trên địa bàn toàn tỉnh đều được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước; nâng cao năng lực bộ máy làm công tác trợ giúp pháp lý, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày một tăng của nhân dân. Đến nay, việc triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

Công tác phổ biến, quán triệt Luật trợ giúp pháp lý.

Được thực hiện thông qua nhiều hình thức đạt hiệu quả thiết thực như: viết bài giới thiệu về Luật trợ giúp pháp lý đăng trên 02 số Báo Lào Cai liên tiếp; Tổ chức biên soạn, in, cấp phát nhiều tờ gấp pháp luật được dịch sang chữ dân tộc Mông; in, sao băng catset, đĩa CD có các quy định pháp luật về Luật trợ giúp pháp lý như người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý… cấp phát cho nhân dân trong các xã; thông qua Hội nghị tuyên truyền pháp luật của Sở Tư pháp, các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở và các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã kết hợp phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý cho cán bộ, nhân dân nắm được chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước và thực hiện quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc về pháp luật.

Rà soát các quy định của địa phương về TGPL và ban hành văn bản mới thay thế.

Qua rà soát các văn bản về trợ giúp pháp lý do HĐND, UBND tỉnh ban hành, Trung tâm TGPL tỉnh đã tham mưu giúp Sở Tư pháp trình UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 24/5/2007 đổi tên Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Lào Cai thành “Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai”; Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 14/6/2008 về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đảm bảo cho Trung tâm hoạt động phù hợp với pháp luật về trợ giúp pháp lý hiện hành.

Xây dựng đề án kiện toàn mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL.

Được thành lập theo Quyết định số 104/QĐ-UB ngày 18/5/1998 của UBND tỉnh, đến trước thời điểm Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành (01/01/2007), bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai mới có 10 biên chế bao gồm: Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 07 chuyên viên trợ giúp pháp lý có trình độ Cử nhân Luật, 01 kế toán có trình độ trung cấp.

Để triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý, đảm bảo Trung tâm trợ giúp pháp lý có đủ năng lực, thực hiện công tác chuyên môn thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của trên 70% dân số thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý; ngày 12/9/2007, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Tiếp đó, ngày 10/10/2007, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2588/QĐ-UBND về việc kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai và thành lập các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

          Tính đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai được kiện toàn và được bố trí tổng số 27 biên chế (tăng 17 biên chế so với trước) trong đó số biên chế tại trung tâm là 14, tại các chi nhánh huyện là 13. Bộ máy của Trung tâm gồm có Giám đốc, 02 Phó giám đốc và các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ gồm 03 phòng (Văn phòng, Phòng nghiệp vụ 1, Phòng nghiệp vụ 2). Các Chi nhánh của Trung tâm được thành lập tại 08 huyện (trừ thành phố Lào Cai), tên gọi của các Chi nhánh theo thứ tự thành lập từ 01 đến 08, mỗi chi nhánh được bố trí từ 01 đến 02 biên chế, trụ sở Chi nhánh đặt tại UBND huyện.

          Trung tâm đã tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động 04 Chi nhánh trợ giúp pháp lý đặt tại huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn.

Bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và rà soát, nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên TGPL.

          Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, UBND tỉnh đã ra quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý cho 04 cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về Trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật. Các Trợ giúp viên đều đã tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho các đối tượng với chất lượng và hiệu quả tốt.

          Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục cử 04 cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng hành nghề Luật sư (01 cán bộ vừa mới hoàn thành khoá học) tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý dự kiến đến năm 2010, Trung tâm sẽ có khoảng 08 đến 10 Trợ giúp viên pháp lý đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

          Đội ngũ cộng tác viên của Trung tâm gồm có 142 người bao gồm các cộng tác viên là cán bộ công tác tại các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh (khoảng 15%); các cán bộ công tác tại các cơ quan cấp huyện (khoảng 25%) còn lại 60% là các cộng tác viên xã, một số là Trưởng thôn, trưởng bản. Hàng năm, các cộng tác viên đều được Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức tập huấn chuyên sâu các chuyên đề pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.

Hoạt động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Để thực hiện đúng và thống nhất các quy định của Luật trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Ngày 08/5/2008, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động gồm có lãnh đạo các ngành Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Sở Tài chính trong đó Sở Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng. Căn cứ Quyết định này, Giám đốc Sở Tư pháp đã quyết định thành lập Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng. Hội đồng dự kiến sẽ họp và thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng vào tháng 6 tới.

Khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Song song với những kết quả đạt được thì quá trình triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vư­ớng mắc đó là: Do chưa có văn bản hướng dẫn liên ngành về tổ chức, biên chế, cán bộ và cơ sở vật chất nên chưa áp dụng chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với các Trưởng phòng nghiệp vụ của Trung tâm, phụ cấp trách nhiệm của Trưởng chi nhánh đã được bổ nhiệm; Trung tâm thiếu nguồn để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và Trưởng Chi nhánh trợ giúp pháp lý huyện. Chất lượng đội ngũ cộng tác viên không đồng đều do một số cộng tác viên là Trưởng thôn, bản chưa qua đào tạo nên chủ yếu thực hiện tuyên truyền phổ biến về chủ trương chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý, hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật còn hạn chế, mặt khác một cộng tác viên đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên chưa thực sự tâm huyết với công việc, do ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên Trung tâm chưa được bố trí trụ sở làm việc riêng, hiện tại vẫn phải thuê trụ sở làm việc.

Để khắc phục những khó khăn và triển khai thi hành tốt Luật trợ giúp pháp lý, Trung tâm tiếp tục cử các cán bộ tham dự khoá đào tạo nghề Luật sư, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên, dự thảo quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để tổ chức ra mắt Hội đồng vào thời gian tới, tiếp tục tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động các chi nhánh còn lại tại huyện Mường Khương, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý có thể khẳng định Lào Cai đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao Luật TGPL trên địa bàn tỉnh đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và thành lập Chi nhánh TGPL tại các huyện, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày một tăng của nhân dân.

Ngọc Minh