Cà Mau: 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”

09/06/2008
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 49, Sở Tư pháp đã có các kế hoạch củng cố đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ thi hành án, luật sư, công chứng và giám định tư pháp và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý.

Công tác kiện toàn về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ tư pháp là một nhiệm vụ rất quan trọng và đang là bức xúc của ngành tư pháp tỉnh Cà Mau. Trong những năm qua, định biên cho ngành Tư pháp còn hẫng hụt so với chức năng, nhiệm vụ mới được giao theo Nghị định 62/2003/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV; việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ cho các cơ quan Thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn không ổn định và phần lớn chưa được đào tạo chuẩn hoá về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định, cho nên còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 49, lực lượng cán bộ có chức danh tư pháp được quan tâm đào tài, bồi dưỡng. Sở đã xây dựng Đề án thu hút và đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có chức danh Tư pháp giai đoạn 2006 – 2010, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng chỉ đạo triển khai việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong 3 năm qua, Sở đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 165 lượt cán bộ, công chức, viên chức, học các lớp nghiệp vụ; chỉ đạo Cơ quan THADS xây dựng Đề án tổ chức THADS cấp tỉnh trình Bộ Tư pháp theo Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-TP-NV ngày 29/3/2007 của liên Bộ Tư pháp và Nội vụ thành lập 02 phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự tỉnh; bổ sung biên chế… tạo sự chuyển biến mới trong công tác THADS. Trong 3 năm qua tổng số việc phải thi hành: 18.942 việc,  số có điều kiện thi hành là 14.158 việc, đã giải quyết xong: 10.755 việc, đạt tỷ lệ 76%. Về tiền đã giải quyết xong: 125.717.738.000đ, so số có điều kiện đạt 54%.

            Hoạt động luật sư được quan tâm. Trong 3 năm Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau đã kết nạp mới 14 luật sư, Sở Tư pháp đã cấp phép hoạt động cho 05 Văn phòng luật sư. Tính đến nay tỉnh Cà Mau có 22 luật sư thành viên, hoạt động trong 08 Văn phòng luật sư.

Tiếp tục kiện toàn các tổ chức giám định, kết quả đã giải thể Tổ chức Giám định Kỹ thuật hình sự để thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự. Đến nay, tỉnh Cà Mau có 01 tổ chức giám định và 28 giám định viên Tư pháp trong các lĩnh vực: Văn hoá phẩm, Pháp y Tâm thần, Kỹ thuật hình sự, Tài chính kế toán, Pháp Y, Tài nguyên-Môi trường, Khoa học-Công nghệ và Giao thông-Vận tải.

Công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật được chú ý nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức tuyên truyền.  các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức tuyền pháp luật thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị, tập huấn, toạ đàm, hội thảo, họp dân, họp nhóm, nói chuyện chuyên đề về pháp luật…tổng số 73.189 cuộc, có 4.142.957 lượt người dự. Nhằm đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành mở chuyên đề pháp luật và đời sống, mở chuyên trang tại các báo, bản tin địa phương, cung cấp nhiều đĩa CD và tài liệu tuyên truyền pháp luật…. Ba năm qua các cấp các ngành trong tỉnh đã tổ chức 367 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, có 149.877 thí sinh và cổ động viên tham gia. Trong đó 37 cuộc thi viết, có hơn 25.000 bài tham gia, chủ đề các cuộc thi tập trung tìm hiểu pháp luật về đất đai, thuế, xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, hoà giải cơ sở, giao thông, phòng chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội…

Công tác hoà giải có chuyển biến tốt, tỷ lệ hoà giải thành ngày càng được nâng cao, tính chung trong 3 năm đạt tỷ lệ 65.8%, thông qua hoà giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hàng chục ngàn lượt người.

Nhìn chung qua thời gian thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, ngành tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt công tác. Chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chức danh tư pháp nói riêng được nâng lên một bước. Công tác xây dựng ngành, xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Công tác công chứng, trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật, giám định tư pháp đạt nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trong hoạt động vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là:

-Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn hụt hẫng, thiếu số lượng, chất lượng chưa đều. Công tác đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, công tác quy hoạch cán bộ chưa kịp thời, đặc biệt là đối với Chấp hành viên và Công chứng viên còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung. Công tác giám định tư pháp, quản lý luật sư, bán đấu giá tài sản chất lượng chưa cao. Hoạt động trợ giúp pháp lý chưa đều, chưa sâu, các biện pháp thiếu đồng bộ.

-Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, nhiều văn bản luật triển khai chậm, nhất là quần chúng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận, học tập, tìm hiểu pháp luật…Hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật chưa cao, một số tủ sách pháp luật còn ít đầu sách, ít người đến đọc; công tác hoà giải ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

-Trong thi hành án còn tồn đọng số vụ việc chưa thi hành khá lớn, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự; trong thi hành còn nhiều trường hợp chưa kiên quyết hoặc một số trường hợp chưa có giải pháp thiết thực, công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án chưa tốt.

- Về cơ sở vật chất: còn gặp nhiều khó khăn, trụ sở làm việc chưa ổn định, khó khăn về giải phóng mặt bằng khi xây dựng trụ sở mới đối với cơ quan thi hành án dân sự.

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã mở ra hướng phát triển quan trọng cho các cơ quan pháp luật nói chung, ngành Tư pháp nói riêng. Kết quả trên mới chỉ là bước đầu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, song đối với ngành Tư pháp Cà mau, Nghị quyết 49 là điểm nhấn cực kỳ quan trọng, đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác tư pháp trong thời gian tới.

Trần Trung