Tổ cán bộ nòng cốt: Mô hình từ Phước Vĩnh

23/05/2008
Phường Phước Vĩnh (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tới 74% đồng bào theo đạo, dân số chủ yếu sống bằng buôn bán vặt, xe thồ và xích lô. Đối tượng là cán bộ công chức chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nhu cầu tìm hiểu pháp luật thì lớn vì người dân va chạm với xã hội nhiều, nhưng việc tuyên truyền chỉ tập trung vào những ngày lễ, tết, hoặc theo mùa vụ.

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, công tác phổ biến pháp luật đã được đẩy lên một bước khi Chính phủ phê duyệt chương trình PBPL giai đoạn 2003-2007. UBND phường Phước Vĩnh đã có quyết định thành lập Tổ cán bộ nòng cốt, với nhiệm vụ khảo sát địa bàn và thực hiện việc phổ biến pháp luật, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định của pháp luật.

 Do địa bàn phường bao gồm nhiều đối tượng dân cư sinh sống, nhận thức pháp luật không đồng đều nên tổ cán bộ nòng cốt đã phân công các thành viên phối hợp với cấp uỷ, các chi bộ và ban cán sự triển khai công tác phổ biến pháp luật với chủ trương “đối tượng nào hình thức ấy”.Ví dụ đối với 3 tổ dân phố tập trung chủ yếu dân vạn đò sông nước, phần lớn người dân không biết chữ, con cái không được đến trường thì công tác tuyên truyền được thực hiện bằng các hình thức như phát trên hệ thống loa truyền thanh, tổ chức các cuộc họp tại tổ dân phố. Các nội dung pháp luật chủ yếu tập trung vào việc khai sinh, khai tử, kết hôn. Đối với địa bàn có nhiều đồng bào tôn giáo, việc tuyên truyền pháp luật được lồng ghép trong các buổi đọc kinh dân lễ. Đối với địa bàn có tình hình an ninh trật tự phức tạp, địa bàn có chợ, trường học, có lưu lượng xe lưu thông lớn thì tập trung tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, luật giao thông đường bộ, tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình quyết tâm không lấn chiếm lòng lề đường làm khu vực họp chợ, kinh doanh. Ngoài ra, dưới sự vận động của Tổ cán bộ nòng cốt, các tổ dân phố còn cắt cử người tham gia giám sát trên các tuyến giao thông chạy qua địa bàn nhằm nhắc nhở bà con chấp hành đúng luật lệ giao thông.

Nhờ có sự tham gia tích cực của Tổ cán bộ nòng cốt, đến nay việc chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ nét: 100% trẻ em sinh ra đã được đăng ký khai sinh, 100% các cặp vợ chồng được đăng ký kết hôn. Trên toàn phường không có tình trạng tảo hôn, đơn thư khiếu nại giảm hẳn. Có được kết quả này, còn phải nói đến sự ủng hộ của chính quyền cơ sở – UBND phường Phước Vĩnh đã tạo điều kiện cho Tổ cán bộ nòng cốt hoạt động. Sở Tư pháp, Công an tỉnh cũng đã cử các báo cáo viên pháp luật về tập huấn cho các thành viên Tổ cán bộ nòng cốt để họ kịp thời nắm bắt những văn bản pháp luật mới phổ biến cho bà con. Thiết nghĩ, từ mô hình Tổ cán bộ nòng cốt của phường Phước Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên – Huế nên có đánh giá để có thể triển khai đại trà.

Thu Hằng