Ninh Bình: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản

23/05/2008
Ngày 18/1/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Theo yêu cầu của các quy định tại Nghị định này và đề nghị của Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định 2643/QĐ-Ủy ban nhân dân ngày 01/12/2005 về việc thành lập Trung tâm bán đấu giá tài sản Ninh Bình. Ngày 07/03/2006 Trung tâm chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Theo Quyết định thành lập của UBND tỉnh, Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình chỉ thực hiện nhiệm vụ bán đấu giá các loại tài sản để phục vụ việc thi hành án và ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có yêu cầu để bán đấu giá các loại tài sản khác.

Thực hiện Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát lại toàn bộ về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh để tiến hành bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung ban hành phù hợp với các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định của Nghị định số 05 về bán đấu giá tài sản. Ngày 27/6/2006 UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1350/2006/QĐ-UBND về việc đổi tên, bổ sung chức năng nhiệm vụ quyền hạn cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. theo đó Trung tâm có thêm chức năng mới là bán đấu giá các loại tài sản được quy định tại điểm 2,3,5,6 Điều 5 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Đồng thời để khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức, đơn vị có chức năng bán đấu giá tài sản, UBND tỉnh đã quyết định chuyển chức năng bán đấu giá tài sản của Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính công thuộc Sở Tài chính sang cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp,  huỷ quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước thuộc chi cục Quản lý thị trường, Hội đồng bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ nàh nước thuộc cơ quan Thi hành án tỉnh.

 Bên cạnh đó để hoạt động của Trung tâm từng bước đi vào nề nếp góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh nhà phát triển, ngày 12/12/2006 HĐND tỉnh khoá VII đã thông qua Nghị quyết số 39/2006/NQ-HĐND và được UBND tỉnh cụ thể hoá theo Quyết định số 2841/2006/QĐ-UBND ngày 20/12/2006 quy định về mức thu phí cho người tham gia đấu giá cũng như của người có tài sản bán đấu giá. Nội dung cơ bản phí bán đấu giá  được xây dựng theo khung giá phí bán đấu giá tài sản đã được hướng dẫn theo Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính.  Trung tâm đã được Sở Tư pháp tuyển dụng bố trí 06 biên chế viên chức và hợp đồng lao động theo Quyết định của UBND tỉnh trong đó 03 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, 03 hợp đồng lao động.

Từ sự quan tâm của HHĐN, UBND tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Tư pháp có thể nói những năm qua hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán bán đấu giá tài sản tỉnh  đã có sự chuyển biến tích cực, trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản về cơ bản đã được thực hiện theo đúng những quy định tại Nghị định số 05 về bán đấu giá tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản đã được đảm bảo tốt hơn, các sở, ban ngành của tỉnh đã từng bước thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao và tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, việc bán đấu giá tài sản để thi hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và Nghị định số 05.

Tính đến ngày 31/3/2008, Qua gần 3 năm hoạt động Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã ký được 27 hợp đồng trong đó thực hiện xong 21 hợp đồng, tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm là 5.553.850.162 đồng, tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành là 5.908.926.800 đồng, giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm là 355.076.638 đồng. Trong đó:

- Về bán đấu giá tài sản để thi hành án: đã ký 10 hợp đồng uỷ quyền, thực hiện xong 05 hợp đồng, tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm là 435.003.050 đồng, tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành 515.709.000đ, giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm là 80.705.950đ.

-Việc chuyển giao và kết quả thực hiện bán đấu giá là tài sản tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những tài sản là tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước đã được các cơ quan thi hành án dân sự, Quản lý thị trường, công an cùng phối hợp với Sở Tài chính định giá tài sản sau đó chuyển về Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá. Riêng những tài sản là tang vật phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước thuộc Chi cục Kiểm lâm do Hội đồng bán đấu giá tài sản kiểm lâm tự đứng ra tổ chức bán đấu giá.

Kết quả bán đấu giá tài sản là tang vật phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước: Trung tâm đã ký và thực hiện xong 08 hợp đồng uỷ quyền  với tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm 638.889.000đồng, tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành là 882.418.300 đồng, giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm 243.529.300đồng.

- Kết quả bán đấu giá tài sản Nhà nước gồm: đã ký 07 hợp đồng, trong đó thực hiện xong 06 hợp đồng, tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm là 3.628.103.000đồng, tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành 3.636.434.000đồng, giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm 8.331.000đồng

 - Bán đấu giá tài sản theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức: đã thực hiện xong 02/02 hợp đồng, tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm 851.855.112 đồng, tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành 674.365.500 đồng, giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm 22.510.388 đồng.

 Kết quả trên chỉ là bước đầu và là tiền đề cho những năm tiếp. Tuy nhiên hoạt động của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Nơi làm việc của Trung tâm được hiện tại được bố trí 02 phòng với diện tích 72m2, chưa có kho chứa hàng, các phiên đấu giá Trung tâm phải thuê mướn hội trường để tổ chức. Điều kiện làm việc trang thiết bị cũng như phương tiện cơ sở vật chất của Trung tâm  còn gặp rất nhiều khó khăn; Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản. Ngoài Hội đồng bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản còn có Hội đồng bán đấu giá của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố tổ chức bán đấu giá bất động sản và quyền sử dụng đất, hội đồng bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính của Chi cục kiểm lâm, Trung tâm tư vấn dịch vụ tài chính công Ninh Bình bán tài sản và bất động sản và một số doanh nghiệp có tài sản bán đấu giá tự tổ chức bán đấu giá tài sản.

Thiết nghĩ để thực hiện nghiêm túc Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 18/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác bán đấu giá trên địa bàn, trong thời gian tới Sở Tư pháp Ninh Bình cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống văn bản về bán đấu giá tài sản, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động bán đấu giá trên địa bàn tỉnh phát triển.

Thiều Thị Tú