Nam Định: Vai trò của cấp uỷ Đảng, chính quyền với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

23/05/2008
“Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, do vậy, cấp uỷ Đảng, chính quyền có vai trò quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vì cấp uỷ, chính quyền là nơi đề ra biện pháp triển khai chương trình, kế hoạch mang tính định hướng lâu dài cũng như hàng năm; đôn đốc việc thực hiện thông qua đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức; giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai các hoạt động của các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trên thực tế, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở những nét nổi bật sau:

Thứ nhất, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện: các cấp uỷ đảng, chính quyền đã trực tiếp ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo các ban, ngành ban hành hàng trăm văn bản nhằm triển khai thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương như: các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng, kế hoạch tổ chức hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các văn bản củng cố Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên pháp luật; tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...  

Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cấp uỷ, chính quyền đã chỉ đạo thành lập Hội đồng phối hợp công tác  phổ biến, giáo dục pháp luật ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã để chỉ đạo hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng địa phương. Hội đồng phối hợp của tỉnh được kiện toàn với 23 thành viên là lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, tổ chức, đơn vị của tỉnh; tổ chức và hoạt động theo quy chế, có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Hội đồng theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với từng đối tượng, từng địa bàn… 10/10 huyện, thành phố có Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổng số thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp huyện là 141 thành viên. 100% các xã, phường, thị trấn  trên địa bàn tỉnh đều thành lập Hội đồng hoặc Ban công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đối với các ngành: như Công an tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… đã thành lập được Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,  còn đối với các ngành khác có tiểu ban phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc có cán bộ phụ trách theo dõi chuyên sâu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.  

Về đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của tỉnh luôn được củng cố, kiện toàn cả về số lượng, chất lượng, tính đến nay toàn tỉnh Nam Định đã có 75 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, gần 200 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và có 2.000 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở.  

Thứ ba, phối hợp với các ngành hữu quan trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.  

Trong những năm qua, các ngành thành viên trong Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã tổ chức được hàng ngàn buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, công chức, Hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung pháp luật mới ban hành, các qui định của pháp luật phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị. Sở Tư pháp với tư cách là đầu mối phối hợp chủ động cùng các ngành tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp như: Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch của 229 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cho các đối tượng là thủ trưởng các Sở, ban, ngành ở tỉnh; lãnh đạo HĐND và UBND, Trưởng Phòng Tư pháp, lãnh đạo Văn phòng HĐND, UBND các huyện, thành phố và các đồng chí trực tiếp  làm công tác xây dựng văn bản thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Bộ luật dân sự năm 2005; phối hợp với Ban tuyên giáo, Trường Chính trị Trường Chinh tập huấn Luật bầu cử Đại biểu quốc hội khoá XII cho 250 đồng chí là báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên của Đảng; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức sơ kết 2 năm (2003-2005) thực hiện kế hoạch phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; chỉ đạo phòng chuyên môn và lực lượng thanh niên cơ quan Sở phối hợp với Phòng Tư pháp và Huyện Đoàn Nghĩa Hưng tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý; triển khai chỉ đạo điểm thành lập Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với nội dung tập trung phổ biến kiến thức pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hoà giải ở cơ sở, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và tình hình nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay; phối hợp với các ngành hữu quan: Sở Giáo dục, Sở Giao thông Vận tải; Liên đoàn lao động; Hội luật gia tỉnh, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Công ty xăng dầu Hà Nam Ninh ….triển khai Hội nghị tập huấn và giới thiệu một số văn bản pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật giao thông đường bộ; Luật giao thông đường thuỷ nội địa; Luật khiếu nại tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo yêu cầu của các đối tượng có liên quan…  

Thứ tư, biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật. Hoạt động biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua. Ngoài Bản tin Tư pháp Nam Định được tổ chức biên soạn và phát hành ra hàng quí (4000bản/số); còn có 6000 tờ gấp tuyên truyền an toàn giao thông, trên 3000 tờ gấp tuyên truyền về phòng chống ma tuý, 16.000 tờ rơi pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau liên quan trực tiếp tới người dân ở cơ sở, 375 băng cassete về Bộ luật hình sự, bảo hiểm xã hội, đất đai, 4000 cuốn tài liệu hỏi đáp về pháp luật đăng ký khai sinh, 500 cuốn tài liệu tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, 600 bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật, 120 cuốn “Sổ tay pháp luật dành cho người dân ở cơ sở”, 120 cuốn “hỏi đáp về bồi thường thiệt hại”, 640 cuốn tài liệu về “phòng chống tệ nạn xã hội”, “pháp luật về khuyến khích phát triển kinh tế”, “hỏi đáp pháp luật về hộ tịch”, “pháp luật về đất đai” có nội dung pháp luật rất cụ thể, ngắn gọn, dễ tiếp thu, dễ hiểu được khai thác, biên soạn, phát hành đến cơ sở, phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hàng nghìn lượt người. Đồng thời, đã cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 470 thôn, xóm, tổ dân phố của 30 xã chỉ đạo điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007; bổ sung sách và tài liệu pháp luật cho 6 tủ sách pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh (bao gồm 6 đơn vị Biên phòng: Đồn 84, 88, 92, 96,100 và Hải đội 2). Bên cạnh  đó, các  ngành như Văn hoá, thể thao và du lịch thông qua việc phát hành tạp chí của ngành dành nhiều trang bài để chuyển tải nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các chuyên mục “Xây dựng gia đình văn hoá để chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội”; phát hành cuốn “Văn bản pháp quy về kinh doanh và dịch vụ văn hoá”; Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo, triển khai phát 120.000 tờ rơi của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia về tuyên truyền, vận động nhân dân đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy tới tận các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cấp phát 12.000 tờ rơi về chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV; Sở Nội vụ biên soạn các loại tài liệu về các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung chuyên môn của ngành trong các đợt tập huấn về chế độ tiền lương, cải cách hành chính… cho cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn có liên quan cho các thí sinh trong các kỳ thi tuyển công chức của tỉnh; Ban tuyên giáo tỉnh uỷ đã biên soạn và phát hành tờ “Thông báo nội bộ” trích đưa một số nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật mới ban hành để tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên ở các chi bộ Đảng cơ sở ra hàng tháng; Các ngành thành viên khác của Hội đồng chủ động biên soạn, phát hành tài liệu để cung cấp tới các đối tượng có liên quan như “Thông tin phụ nữ”, “Thông báo nội bộ” hoặc những tài liệu mang tính chất nghiên cứu được xuất bản thành sách như “Một số vấn đề về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm HIV/AIDS” trở thành những cuốn cẩm nang không thể thiếu đối với cán bộ, hội viên của các ngành, của những báo cáo viên khi tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở các ngành, các cấp hoặc những điểm tuyên truyền lưu động.  

Thứ năm, các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật  

Nhận thức đầy đủ ưu thế, tác dụng và hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành, Báo Nam Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Đài phát thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã đã đưa thông tin, giới thiệu các văn bản pháp luật một cách thường xuyên, hoặc thông qua trao đổi, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của khán thính giả và mở các chuyên mục như: “Tìm hiểu chế độ, chính sách”, “Văn bản mới”, “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Toàn dân phòng chống ma tuý”… đặc biệt Chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” được cải tiến, nâng cao chất lượng thường xuyên, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, tạo được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, đoàn thể và công chúng. Tính đến nay, Đài phát thanh của 10 huyện đã có chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, 229 xã, phường, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền pháp luật thường xuyên, có hệ thống. Cùng với cơ quan Báo, Đài ở tỉnh, hệ thống Đài phát thanh, truyền thanh ở địa phương và cơ sở đã và đang tham gia có hiệu quả trên diện rộng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.  

Thứ sáu, tổ chức hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức được hàng chục cuộc thi tiêu biểu như: “Hội thi Công an phụ trách xã giỏi”, “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp giỏi”, “Toàn dân tham gia phòng chống ma tuý” của Công an tỉnh, Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ II của ngành Tư pháp; Thi tìm hiểu về Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh; Thi tìm hiểu Luật an toàn giao thông trong học sinh khối tiểu học… Các cuộc thi này được tổ chức ngay từ cơ sở, thu hút hàng ngàn cán bộ và nhân dân tham gia. Ngoài ra, còn có rất nhiều cuộc thi khác được các ngành, các đoàn thể tổ chức lồng ghép với nội dung tìm hiểu pháp luật. Thông qua các cuộc thi, kiến thức pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực đã được chuyển tải, tuyên truyền đến đối tượng, góp phần cung cấp tri thức pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho công chúng.  

Thứ bảy, công tác phổ biến, giáo dục còn được lồng ghép thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở, các câu lạc bộ của các ngành, các giới, xây dựng và thực hiện hương ước khu dân cư… với việc thực hiện khá đồng bộ các chương trình, kế hoạch của tỉnh về phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm, an toàn giao thông…  

Trong thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền tại tỉnh Nam Định đã tích luỹ được những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt trong lãnh đạo,chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân đã tự giác tìm hiểu, học tập và thực hiện tốt các lĩnh vực pháp luật liên quan. Chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có bước tiến bộ, vi phạm pháp luật giảm góp phần tích cực trong giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.  

Nguyễn Thị Lệ Huyền