Chỉ đạo điểm các hình thức PBPL ở Điện Biên: Thiết thực đưa luật về thôn, bản

23/05/2008
Thực hiện Chương trình chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBPL) của Bộ Tư pháp, Điện Biên đã chọn 3 xã điểm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người để triển khai. Qua 2 năm, mô hình này đã đem lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, cũng từ đặc thù của các tỉnh miền núi cho thấy, để nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc, Bộ Tư pháp cần có những hỗ trợ thiết thực hơn.

Tăng cường đối thoại trực tiếp

3 xã đặc biệt khó khăn được UBND tỉnh Điện Biên lựa chọn thí điểm trong công tác PBPL là xã Nà Hỳ thuộc huyện Mường Nhé, xã Mường Đăng (huyện Mường ẳng) xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông). Đây là 3 xã với dân số chủ yếu là người dân tộc, trong đó có xã đến 70% là dân di cư, tình hình an ninh trật tự phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Để triển khai chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban điều hành 666 (đây cũng là số quyết định thành lập Đề án chỉ đạo điểm của Bộ Tư pháp) gồm 12 thành viên. Trước khi triển khai, các đơn vị chủ trì đã tiến hành khảo sát, điều tra, nghiên cứu một cách tổng thể về thực trạng nhu cầu PBPL của người dân ở các xã nói trên để chủ động lựa chọn các hình thức phù hợp. Đội ngũ cán bộ công chức đang cắm chốt tại cơ sở, cán bộ xã, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín ở thôn bản đều được huy động tối đa vào công tác tuyên truyền pháp luật, đưa tổng số tuyên truyền viên lên tới con số 80 người. 3 xã cũng đã thành lập được 3 Hội đồng phối hợp để thực hiện việc PBPL ở cấp xã.

Với địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn nên Ban điều hành đã thành lập các Tổ công tác hoạt động với phương châm “đến tận nơi, gõ cửa từng nhà” để PBPL. Các cuộc họp về PBPL được kết hợp với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Nếu trước đây những người dân vốn ngại giao tiếp, rất e dè với người lạ thì nay nhờ nói chuyện trực tiếp, lại được chính các già làng, trưởng bản hỏi han ân cần nên đã không ngại ngần thổ lộ tâm tư, tình cảm, và tất nhiên cả những vấn đề vướng mắc về pháp luật. Trong 2 năm triển khai, các xã đã tổ chức được 90 cuộc nói chuyện cho dân ở thôn bản, trong đó có 30 cuộc do Ban điều hành 666 chỉ đạo các Tổ công tác tại xã thực hiện, thu hút gần 1 vạn người dân tham dự. Qua đối thoại trực tiếp, Tổ công tác cũng đã tư vấn cho trên 500 lượt người, đăng ký khai sinh quá hạn cho 173 cháu. Đặc biệt tại xã Mường Đăng của huyện Mường Ẳng, Tổ công tác đã kịp thời phát hiện và xoá một tụ điểm tuyên truyền đạo trái pháp luật, lập danh sách 72 đối tượng nghiện ma tuý, 9 tụ điểm bán lẻ và phát hiện các hành vi buôn bán lâm sản trái phép. Trên cơ sở phát hiện các hành vi vi phạm, tổ công tác đã phối hợp với các lực lượng chức năng vận động và xử lý bước đầu đạt kết quả.

Ký cam kết để không vi phạm pháp luật.

Ngoài tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân, Ban điều hành 666 xác định: đối với bà con dân tộc vùng cao, pháp luật không thể trượt qua tai mà “nói phải có sách, mách có chứng”. Thế là việc cấp phát tài liệu được tiến hành một cách khẩn trương. Sở Tư pháp đã biên tập 15 loại tài liệu, đề cương hỏi và đáp một số lĩnh vực pháp luật cần thiết để cấp phát tới các đơn vị chủ trì đề án, phát cho đội ngũ nòng cốt và tuyên truyền viên pháp luật với số lượng lên tới trên 1200 bản. Tài liệu ngoài việc bám sát yêu cầu từng địa bàn dân cư, nhu cầu hiểu biết pháp luật của người dân mà cán bộ cơ sở còn có thể vận dụng để giải quyết ngay những vướng mắc của người dân trên thực tiễn. Trên cơ sở biên tập tài liệu cho các xã được chỉ đạo điểm, 2 năm qua Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 1,5 vạn tờ gấp, 100 đìa VCD và hàng chục các loại tài liệu khác để cấp phát đến tận cơ sở, trong đó có cả các xã thuộc chương trình quốc gia về PBPL của Thủ tướng Chính phủ.

Khi người dân đã có cái nền pháp luật cơ bản, thì việc vận động họ thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng, của nhà nước đã bớt khó khăn, kể cả việc ký cam kết không vi phạm pháp luật. Trên 3 ngàn bản cam kết đã được Sở Tư pháp chuyển về cho các hộ gia đình để ký kết thực hiện. Để các bản cam kết thực sự đi vào cuộc sống, các thôn, bản còn tổ chức học tập nội dung bản cam kết, thảo luận và góp ý vào bản cam kết, tạo ra khí thế thực sự sôi nổi trong các hộ gia đình. Tính đến nay, các xã đã tổ chức ký cam kết được với gần 2600 hộ gia đình với 42/44 bản. Sau khi các hộ đã ký, UBND xã đóng dấu công nhận gửi về từng gia đình, hộ nào vi phạm tuỳ mức độ để có hình thức xử lý.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp Điện Biên, sau 2 năm thực hiện chương trình chỉ đạo điểm các hình thức PBPL trên địa bàn, bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp uỷ, chính quyền địa phương và người dân ở các vùng được chọn làm điểm. Tuy nhiên, với một tỉnh có đường biên giới dài (gần 400 km), gồm 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, có 68/106 xã thuộc diện khó khăn thì công tác PBPL cần được đầu tư ở diện rộng hơn nữa. Cần tăng cường kinh phí, tài liệu, đặc biệt là các tài liệu song ngữ để bà con dễ đọc, dễ hiểu.

Thu Hằng