Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên vững bước đi lên

23/05/2008
Điện Biên là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, phần đa là người nghèo, trình độ dân trí thấp, nên còn hạn chế sự hiểu biết về pháp luật. Đồng bào vùng cao chỉ hiểu biết đơn giản như đánh nhau giết người, trộm cắp, buôn bán thuốc phiện, hay phá rừng,... là vi phạm pháp luật, còn các quy định khác của pháp luật thì hầu như không nắm rõ. Trong bối cảnh như vậy sự ra đời của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước chính là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần đưa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, người nghèo và đối tượng chính sách.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên tiền thân là Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh Lai Châu, được thành lập ngày 05/10/1999. Với chức năng, nhiệm vụ chính là cung cấp các dịch vụ pháp luật miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý. Ngày 01/01/2007 Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành, ngày 12/01/2007 Chính phủ ban hành nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý và nghị định số 07/2007/NĐ-CP cụ thể:

Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý theo lĩnh vực trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của trung tâm chi nhánh; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp và quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;…

Bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm chủ động xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch đã xác định. Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, phương thức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được phát huy có hiệu quả; việc trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật của cộng đồng khu dân cư đã giúp cho người nghèo, người có công cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí và giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, hạn chế được việc người dân bị đối tượng xấu lôi kéo, tuyên truyền, kích động. Ngày mới thành lập Trung tâm chỉ có 03 biên chế, nhưng với sự tâm huyết và lòng yêu nghề của các cán bộ, Trung tâm đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và hoạt động có hiệu quả, xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở khắp các huyện thị, công việc tuy còn mới mẻ, địa bàn rộng, biên chế ít nhưng đã góp phần bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho nhân dân, người nghèo, đối tượng chính sách, chỉ tính riêng năm 2002 Trung tâm đã tổ chức 11 đợt Trợ giúp lưu động tại các xã, Trợ giúp pháp lý cho 3.618 người, trong đó 2.563 trường hợp là người dân tộc, 789 người nghèo, 36 đối tượng chính sách còn lại là những đối tượng khác.

Trong 03 năm từ năm 2005 đến tháng 10/2007 đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 2.334 vụ việc (kể cả số vụ việc do cộng tác viên thực hiện) trên các lĩnh vực pháp luật Dân sự 250 vụ việc; Hôn nhân và gia đình 379 vụ việc; hình sự 425 vụ việc; khiếu nại, hành chính 69 vụ việc; đất đai 396 vụ việc và các lĩnh vực pháp luật và các lĩnh vực khác 815 vụ việc. Trong đó thực hiện Tư vấn pháp luật được 2.095 vụ việc; khiếu nại 27 vụ việc; Đại diện được 08 vụ việc; bào chữa được 226 vụ việc; Hoà giải được 14 vụ việc. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 9.573 đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, trong đó: Người nghèo là 689 người; đối tượng chính sách là 15 người; dân tộc thiểu số là 8.570 người; trẻ em là 07 người; các đối tượng khác là 292 người. Lồng ghép trợ giúp pháp lý lưu động với tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về các lĩnh vực pháp luật như: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, chế độ chính sách ưu đãi, chương trình xoá đói giảm nghèo,… Phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho hàng ngàn lượt người; dịch, in trên 40 loại tờ gấp ra tiếng dân tộc H’Mông, dân tộc Thái cung cấp cho đồng bào dân tộc không biết chữ phổ thông. Để hoạt động trợ giúp đạt được hiệu quả cao, hàng năm Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tổ chức ít nhất hai hội nghị tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý (Kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng hoà giải, kỹ năng bào chữa, kỹ năng tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý,…), tập huấn kiến thức pháp luật (các văn bản pháp luật mới ban hành) cho các chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Cử chuyên viên, cán bộ của trung tâm đi tham dự các hội nghị tập huấn do Sở Tư pháp tỉnh, Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức. 

Để có được kết quả trên, lãnh đạo trung tâm, đã tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của đơn vị vào nề nếp, phân công công việc phù hợp với năng lực của từng cán bộ, đảm bảo sự phối hợp và sự giám sát kiểm tra công việc, theo quy chế hoạt động của đơn vị. Duy trì tốt công tác giao ban, hội ý, rút kinh nghiệm thường kỳ và đột xuất. Do vậy chất lượng công việc được nâng lên, hạn chế được sai sót, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chú trọng nâng cao chất lượng công việc của cán bộ, công chức và cộng tác viên không những thực hiện Trợ giúp pháp lý tại trụ sở, mà thường xuyên mở những đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đem đến cho đồng bào dân tộc thiểu số kiến thức pháp luật cần thiết.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng luôn được quan tâm đúng mức, và là công tác trọng tâm của đơn vị. Chính vì vậy trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo Trung tâm luôn quán triệt sâu sắc tới cán bộ, công chức, cộng tác viên TGPL nắm bắt được công tác trọng tâm và những kế hoạch đơn vị đề ra.  Từ đó để mỗi viên chức, cộng tác viên trợ giúp pháp lý có điều kiện nắm bắt kịp thời tình hình, nhằm thực hiện tốt công việc được giao và qua đó tác động mạnh mẽ vào nhận thức, từ đó mỗi cá nhân tự xác định cho mình lập trường, quan điểm đạo đức, lối sống, trước nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Với chức năng nhiệm vụ Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” và thực hiện công bằng xã hội nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, cơ bản của công dân, nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quá trình cải cách hành chính, cải cách Tư pháp và mục tiêu xoá đói giảm nghèo nói chung, về mặt pháp lý nói riêng. Tích cực tham mưu định hướng và thực hiện tốt công tác Trợ giúp pháp lý nhằm góp phần ổn định chính trị, xã hội thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.

 Về công tác Đảng, đoàn thể: Tổ Đảng của Trung tâm thuộc Chi bộ Đảng Sở Tư pháp đã phát huy trách nhiệm, duy trì tốt các hoạt động của tổ, đảm bảo thực hiện nghiệm chỉnh nghị quyết của Chi bộ và Điều lệ Đảng quy định. Kết quả hàng năm tổ Đảng được chi bộ công nhận trong sạch vững mạnh; Tổ công đoàn đã làm tốt công tác phối hợp vận động các công đoàn thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua của Sở, của tỉnh đề ra. Do vậy, hàng năm qua tổng kết đã được công đoàn cơ sở Sở Tư pháp đánh giá đạt tổ công đoàn vững mạnh xuất sắc.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ công tác khác viên chức của Trung tâm đã luôn  gương mẫu chấp hành thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đoàn kết nội bộ, đảm bảo tốt công tác quốc phòng an ninh. Với những nỗ lực phấn đấu rèn luyện trong công tác, Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong những năm qua đã đạt được  những thành quả đáng khích lệ: Năm 2000,2001,2006 được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích thực hiện nhiệm vụ công tác; Năm 2002, 2003, 2004, 2005, Được Bộ Tư pháp tặng thưởng Bằng khen về thành tích thực hiện nhiệm vụ công tác; năm 2007 đến 2008 Hội đồng thi đua khen thưởng Sở Tư pháp xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng thành tích 10 năm thực hiện công tác TGPL.

Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý đang ngày một phát triển sâu rộng đến với từng người dân nhất là bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, người có công với cách mạng, người nghèo. Quán triệt, triển khai sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trợ giúp pháp lý cho công chức viên chức và cộng tác viên trợ giúp pháp lý; phổ biến tuyên truyền luật trợ giúp pháp lý đến nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tập huấn nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý và kiến thức pháp luật mới cho chuyên viên và cộng tác viên. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động, phối hợp với các cơ quan ban ngành trong tỉnh trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, phấn đấu đạt tỉ lệ 98% người thuộc diện hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí có yêu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó tiếp tục củng cố bộ máy; cung cấp hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động trợ giúp pháp lý và bố trí trụ sở làm việc đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức; phối hợp tăng cường hơn nữa với các cơ quan đoàn thể, phòng Tư pháp các huyện thị, thành phố thuộc tỉnh, bám sát cơ sở tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để từng bước đưa nhân dân thoát khỏi cảnh thiếu pháp luật và đặc biệt là xoá đói giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn.

Tân Phong