Tư pháp Điện Biên, hai mươi lăm năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

23/05/2008
Những năm đầu Thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, Nhà nước ta có chủ trương thành lập hệ thống Cơ quan Tư pháp. Ngày 25 tháng 05 năm 1983, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) đã được thành lập, với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất công tác Tư pháp tại địa phương. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Tư pháp Điện Biên đã không ngừng lớn mạnh và phát triển về mọi mặt, hệ thống các cơ quan Tư pháp cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh cũng dần được thành lập và kiện toàn.

Ngày đầu mới thành lập, Sở Tư Pháp tỉnh Điện Biên (Lai Châu cũ) chỉ có 8 biên chế, với 3 đảng viên, toàn ngành có tất cả 95 cán bộ. Do số lượng cán bộ còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều và còn nhiều hạn chế nên hoạt động tư pháp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các Cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự đoàn kết và tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, công chức nên Tư pháp Điện Biên đã từng bước vượt qua khó khăn, vững bước đi lên.

Vào những năm 1987, 1988 Đảng và Nhà nước ta có chủ trương giải thể các cơ quan Tư pháp địa phương và chỉ thành lập các phòng chuyên môn trực thuộc UBND cùng cấp. Khi đó Điện Biên là một trong 4 tỉnh trong cả nước còn duy trì tổ chức và hoạt động của cơ quan Tư pháp cấp tỉnh. Nhưng, đối với cấp huyện cơ quan Tư pháp được sáp nhập vào văn phòng UBND cùng cấp.

Sau hai mươi năm thành lập và phát triển, đến năm 2003, toàn ngành có 166 công chức, viên chức với gần 100% công chức, viên chức có trình độ chuyên môn trung cấp và đại học. Ngành luôn quan tâm trẻ hoá đội ngũ cán bộ để có một đội ngũ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Qua 8 kỳ đại hội, chi bộ đã có 28 đảng viên; toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị có Phòng Tư Pháp và 156/156 xã, phường, thị trấn có Ban Tư pháp. 25 năm qua dù gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng ngành Tư Pháp Điện Biên không những lớn mạnh về tổ chức mà còn có đội ngũ cán bộ công chức có tư tưởng, phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Ngành Tư Pháp Điện Biên đã và đang ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và công tác xoá đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh – chính trị của một tỉnh trọng yếu phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Năm 2004, sau khi tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh: tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu. Với nhiệm vụ và yêu cầu chung của đất nước đó là tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Kế thừa và phát huy các thành tích đã đạt được, Tư pháp Điện Biên luôn cố gắng nỗ lực từng bước ổn định, kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục duy trì hoạt động trong hoàn cảnh thiếu biên chế, nên rất khó khăn trong khi chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ ngày càng cao. Có thể xem đây là giai đoạn thử thách mới của ngành. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các Cấp uỷ Đảng, chính quyền, đội ngũ công chức ngành Tư pháp Điện Biên đoàn kết khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực công tác.

25 năm trưởng thành và phát triển, Tư pháp Điện Biên hôm nay đã và đang ngày một lớn mạnh về cơ cấu tổ chức toàn ngành có 265 công chức, viên chức. Sở đã từng bước củng cố, kiện toàn bộ máy hiện có, đã thành lập thêm một số phòng chức năng mới, như: phòng Thanh tra, phòng Tuyên truyền, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để đáp ứng nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Song song với sự hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức ngày một hoàn thiện hơn về năng lực phẩm chất, Sở Tư pháp hiên có 47 công chức, viên chức trong đó nam 19 nữ 28, Về Độ tuổi: Dưới 30 tuổi có 21 người chiếm 45%;Từ 30- 40 tuổi có 9 người chiếm 19%; Từ 40- 50 tuổi: có 14 người chiếm 30%; Trên 50 tuổi: có 03 người chiếm 6% có  thể nói lực lượng công chức, viên chức ngành Tư pháp đang dần dần được trẻ hoá bằng đội ngũ thanh niên trẻ, khoẻ, nhiệt tình, từng bước tiếp thu học hỏi nâng cao trình độ cũng như trau dồi những kinh nghiệm cha anh đi trước, góp phần đưa pháp luật đến với người dân nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Về trình độ chuyên môn: Đại học 35 người chiếm 74%; Cao đẳng 02 người chiếm 4%; Trung cấp 5 người chiếm 11%, còn lại 04 người .Về trình độ lý luận: cao cấp 05 người; trung cấp 01 người. Về quản lý nhà nước: 4 người có trình độ cử nhân, 18 người qua lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Lực lượng công chức là Đảng viên trong ngành ngày càng được Phát triển về số lượng và chất lượng đến nay Chi bộ cơ quan Sở Tư Pháp đã có 32 đảng viên chiếm tỷ lệ 50% tổng số công chức, viên chức toàn cơ quan; ở các phòng và đơn vị trực thuộc Sở đều có đảng viên giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Toàn tỉnh có 9/9 huyện, thị, thành phố có phòng Tư Pháp, cán bộ Tư pháp cấp huyện có 27 người. Trình độ  chuyên môn: Đại học, cao đẳng: 13 người, trung học: 13 người, 1 người chưa qua đào tạo; thời gian tham gia công tác: dưới 5 năm: 12 người, từ 5 đến 10 năm: 6 người; trên 10 năm: 9 người. Bên cạnh đó lực lượng làm công tác Tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn ngày một phát triển mạnh mẽ, hiện nay toàn tỉnh có 106/106 xã, phường, thị trấn có Ban Tư Pháp, đội ngũ cán bộ công chức Tư pháp hộ tịch có 98 người, nam 63 người, nữ 35 người trong đó đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp hộ tịch đa phần là người dân tộc thiểu số: 68/98 người. Trình độ cao đẳng, đại học luật là 5 người, trung học luật và tương đương 93 người .

Trong các năm qua, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đã phát huy truyền thống, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng nhiệm vụ được giao; Là lực lượng chủ chốt, giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với quán triệt học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc; thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; hoạt động Bổ trợ tư pháp; thực hiện tốt chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đấu giá tài sản,...

Trong giai đoạn từ 5/1983 - 9/2002, thực hiện sự phân cấp quản lý Toà án nhân dân cấp huyện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân tỉnh, để chăm lo xây  dựng, củng cố tổ chức, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hệ thống cơ quan Toà án cấp huyện. Đặc biệt, là công tác lựa chọn, đề nghị bổ nhiệm thẩm phán cũng như đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn để nâng cao chất lượng cán bộ có đủ năng lực, hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy đã khắc phục và giảm đến mức thấp nhất tình trạng xét xử oan, sai; tình trạng số lượng bản án bị cải sửa, bị huỷ hàng năm không đáng kể. Qua đó, Ngành đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với những thành tích đã đạt được trong công tác, từ khi thành lập đến nay, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đã 2 lần được đón nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ trao tặng; 71 cá nhân được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Tư pháp; 130 tập thể và 283 lượt cá nhân được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen, 143 tập thể và 388 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Tiếp nối, phát huy truyền thống vinh quang của ngành Tư pháp, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về "phụng công, thủ pháp", tinh thần, sức mạnh đoàn kết. Ngay từ đầu năm 2008, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đã phát động nhiều phong trào thi đua và có những kế hoạch cụ thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2008 và các năm tiếp theo. Mặc dù phải gánh vác nhiều trọng trách nhưng ngành xác định đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự của ngành. Bằng tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm vượt khó của toàn thể công chức, viên chức ngành Tư pháp Điện Biên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên, ngành Tư pháp Điện Biên sẽ vượt lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để tự khẳng định mình, xây dựng ngành Tư pháp ngày một lớn mạnh, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn một tỉnh biên giới của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp và niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân./.

Hải Yến