Nam Định: Khai thác có hiệu quả việcPBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

13/05/2008
Nhận thức đầy đủ ưu thế, tác dụng và hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong những năm qua Nam Định đã chủ động, tích cực khai thác có hiệu quả hình thức này để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngành Tư pháp phối hợp với các Báo Nam Định, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đã tập trung xây dựng chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, định kỳ mỗi tháng một chuyên trang trên Báo Nam Định và một chuyên mục trên sóng của Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh. Mỗi chuyên trang, chuyên mục được xây dựng theo từng chủ đề xác định hoặc là theo nội dung pháp luật, hoặc là dành cho một đối tượng cụ thể với cách thể hiện đa dạng, phong phú tạo được ấn tượng cho người nghe, người xem, với ý nghĩa giáo dục thiết thực. Bên cạnh đó là những tin, bài về hoạt động của các cơ quan tư  pháp, gương người người tốt, việc tốt về việc chấp hành pháp luật, thái độ của Nhà nước, của xã  hội đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” được cải tiến, nâng cao chất lượng thường xuyên, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, tạo được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, đoàn thể và công chúng.

Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh đã chỉ đạo Đài phát thanh các huyện, thành phố và Đài truyền thanh cơ sở mở chuyên mục, dành thời lượng phát sóng để tăng cường thông tin giáo dục pháp luật. Phòng tư pháp các huyện, thành phố, ban tư pháp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Đài phát thanh, truyền thanh để thực hiện công việc này. Tính đến nay, Đài phát thanh của 10 huyện, thành phố đã có chuyên mục “Pháp luật và đời sống”. 

Ngoài ra, 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tổ chức tuyên truyền pháp luật một cách thường xuyên với thời lượng hợp lý trên hệ thống đài truyền thanh, ngày càng phát huy tác dụng tích cực. Ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định đã khai thác tốt những lợi thế của hình thức này. Nhiều xã, phường, thị trấn đã  xây dựng được quy chế phối hợp giữa Ban tư pháp và Ban Văn hoá - thông tin cơ sở về phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở. Điều đó đã làm cho công tác này thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật được cải tiến, hình thức thông tin tuyên truyền pháp luật thuyết phục, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Như vậy, cùng với cơ quan Báo, Đài ở tỉnh, hệ thống Đài phát thanh, truyền thanh ở địa phương và cơ sở đã và đang tham gia có hiệu quả cao trên một diện rộng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Điển hình là các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định. Ngoài ra công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn được triển khai thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở của Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh..

 Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng chính là sản phẩm phối hợp của các ngành Tư pháp, Báo Nam Định, Đài phát thanh truyền hình tỉnh; qua đó tạo được tiếng nói chung, giúp cán bộ, nhân dân trong quá trình tìm hiểu pháp luật.

Trong thời gian qua, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng đã được triển khai khá đều khắp ở Nam Định. Đây có lẽ là phương tiện tối ưu để chuyển tải tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội  các văn bản luật pháp đảm bảo nhanh nhất, rộng rãi nhất. Hy vọng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Nam Định, cùng với các hình thức khác, phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục  là một trong những phương tiện hiệu quả để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Hồng Nhung