Bắc Giang: Tổ chức Hội thi “Hoà giải viên giỏi năm 2008”

13/05/2008
Thực hiện Chương trình công tác của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008, vừa qua, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thi “Hoà giải viên giỏi năm 2008” như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao vai trò và nhận thức, kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác hoà giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này ở cơ sở đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

- Thông qua Hội thi nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kinh nghiệm cho các Hoà giải viên, thúc đẩy giao lưu văn hoá pháp lý, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động hoà giải ở cơ sở.

- Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tư pháp.

2. Yêu cầu

- Tất cả các tổ hoà giải ở cơ sở lựa chọn, cử thành viên của Tổ hoà giải   tham dự Hội thi. Hội thi phải được tổ chức thiết thực, hiệu quả, phù hợp điều kiện của từng địa phương.

- Việc tổ chức Hội thi ở các cấp phải đảm bảo, đúng tiến độ kế hoạch, khách quan, công bằng, dân chủ và tiết kiệm.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC HỘI THI

Hội thi tổ chức được tiến hành 3 cấp: cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

1. Đối tượng: Thành viên của các Tổ hoà giải (sau đây gọi tắt là Hoà giải viên).

2. Nội dung thi: Bao gồm hai phần

a/ Phần lý thuyết

- Kiểm tra kiến thức pháp luật và nhận thức về vai trò, vị trí của công tác tư pháp nói chung và hoạt động hoà giải ở cơ sở, đánh giá sự vận dụng kiến thức pháp luật hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại, tố cáo.vv..trong thực tiễn hoạt động hoà giải ở cơ sở.

b/ Phần thực hành: Xử lý tình huống hoặc kể câu chuyện có nội dung tuyên truyền pháp luật trong quá trình hoà giải ở cơ sở.

2. Hình thức thi:

Tổ chức theo hình thức sân khấu hoá. Người dự thi trả lời câu hỏi về kiến thức pháp luật và giải đáp tình huống bằng lời nói hoặc bằng các hình thức thể hiện sinh động khác (tranh vẽ, hình ảnh, tiểu phẩm, diễn ca...). Giữa các phần thi  của các thí sinh có xen kẽ tiết mục văn nghệ có nội dung pháp luật.

III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Thời gian và các bước tiến hành

a/ Bước 1: Chuẩn bị

* Cấp tỉnh:

- Thành lập Ban Tổ chức, Ban giám khảo Hội thi tỉnh.

- Ban Tổ chức Hội thi xây dựng thể lệ Hội thi, câu hỏi và đáp án Hội thi, kế hoạch triển khai tổ chức Hội thi cấp tỉnh; đồng thời tổ chức tuyên truyền, phát động về việc tổ chức Hội thi.

- Thời gian hoàn thành: Xong trong tháng 5/2008.

* Cấp huyện:

- Các huyện, thành phố thành lập Ban Tổ chức Hội thi do Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện, thành phố làm Trưởng ban; Trưởng Phòng Tư pháp làm Phó ban thường trực. Thành viên gồm: đại diện các cơ quan, đoàn thể: UBMTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội CCB, Đài Truyền thanh, Phòng Văn hoá- Thông tin, Phòng tài chính- Kế hoạch.

- Ban Tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Hội thi của huyện, thành phố.

- Thời gian hoàn thành: Xong trong tháng 6/2008.

* Cấp xã:

- Các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Tổ chức Hội thi do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban; Trưởng Ban Tư pháp làm Phó ban thường trực. Thành viên gồm đại diện: MTTQ, Phụ nữ, Thanh niên,  Nông dân, CCB, Truyền thanh cơ sở, Văn hoá- Thông tin, Tài chính- Kế hoạch.

- Ban Tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Hội thi của cấp xã.

- Thời gian hoàn thành: Xong trong tháng 6/2008.

b/ Bước 2: Tổ chức thi

- Cấp xã: Tổ chức Hội thi xong trước ngày 31/8/2008.

- Cấp huyện: Tổ chức Hội thi xong trước ngày 30/9/2008. Mỗi huyện chọn 02 thí sinh đạt kết quả cao trong Hội thi cấp huyện tham dự Hội thi cấp tỉnh.

- Cấp tỉnh tổ chức Hội thi xong trước ngày 30/10/2008./.

Hoàng Giang