Tuyên truyền pháp luật ở Thanh Hoá: “Dân nói pháp luật cho dân nghe”

12/05/2008
Đó là phương châm mà Ban Điều hành Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức PBGDPL có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” (Đề án 666/BTP) của tỉnh Thanh Hoá đã chọn để từng bước xã hội hoá công tác PBGDPl và thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.

Để công tác triển khai Đề án 666/BTP thường xuyên phát huy tốt tác dụng, hiệu quả tại cộng đồng dân cư, Ban Điều hành Đề án tỉnh đã thành lập tại bản Yên Lập (Yên Khương, Lang Chánh), thôn 7 (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc) và Khối phố 14 (Ngọc Trạo, TX.Bỉm Sơn) 1 tổ cán bộ nòng cốt, gồm 6 người (trưởng thôn, bí thư Chi bộ, Mặt trận Tổ quốc thôn, nông dân thôn, phụ nữ thôn, người có uy tín trong cộng đồng) do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách Tư pháp trực tiếp điều hành, hướng dẫn. Mỗi năm một lần, Ban Điều hành tỉnh mở lớp tập huấn cho các cán bộ nòng cốt và đội quân công tác Bộ đội Biên phòng (Đồn Biên phòng 503 đóng tại xã Yên Khương, Lang Chánh) để trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền pháp luật, giúp các cán bộ nòng cốt thực hiện tốt công tác “đưa luật đến với dân”.

Theo nhận định của Ban Điều hành, các thành viên trong các tổ cán bộ nòng cốt là những tuyên truyền viên gần dân nhất. Họ hiểu và nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân nên có phương pháp, hình thức, chương trình tuyên truyền pháp luật phù hợp với cộng đồng dân cư ở từng địa bàn. Hơn nữa, những người này cũng là đối tượng tiếp thu pháp luật nên việc tuyên truyền của họ có tính thuyết phục cao đối với người dân. Nhất là bản Yên Lập – một bản miền núi cao có đồng bào dân tộc Thái và Mường sinh sống, cán bộ nòng cốt phải dùng tiếng của 2 dân tộc này để tuyên truyền, giải đáp pháp luật.

Tổ cán bộ nòng cốt đã trực tiếp vận dụng những kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật cùng với UNBD cấp xã tổ chức định kỳ hàng tháng (trong vòng từ ngày 25 đến 30 hàng tháng) phổ biến pháp luật, giải đáp những thắc mắc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân cho nhân dân địa phương. Trong 2 năm (2006 – 2007), qua 72 cuộc tuyên truyền pháp luật như vậy, các nội dung, kiến thức pháp luật cơ bản đã đến được với 36.000 lượt người tại 3 điểm chỉ đạo thực hiện Đề án. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao nhất trong 2 năm thí điểm thực hiện Đề án 666/BTP ở Thanh Hoá.

Đặc biệt ở xã Yên Khương, Đội quân công tác của Đồn Biên phòng 503 đã phối hợp cùng UBND xã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền và giải đáp pháp luật cho người dân trên địa bàn về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hôn nhân gia đình, phát triển kinh tế trang trại, vay vốn xoá đói giảm nghèo…; tập huấn kiến thức pháp luật cho trưởng thôn, già làng, trưởng bản; vận động dân chấp hành pháp luật và tổ chức các buổi giao lưu với nhân dân địa phương có lồng ghép các nội dung pháp luật.

Ban Điều hành tỉnh còn đóng thí điểm 3 hộp thư tại trụ sở UBND xã Yên Khương, Vĩnh Thịnh và nhà văn hoá phường Ngọc Trạo, giao cho trưởng khu phố 14 và tư pháp xã Yên Khương, Vĩnh Thịnh quản lý, nhằm đa dạng hoá các kênh tiếp nhận yêu cầu của người dân để giúp dân giải đáp những khúc mắc về pháp luật. Các hợp thư này đã tiếp nhận được 45 đơn thư, chủ yếu yêu cầu giải đáp pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính (không có đơn thư khiếu nại, tố cáo). Các đơn thư này đã được các cán bộ nòng cốt và cán bộ tư pháp xã trực tiếp giải đáp và hướng dẫn cách giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Công tác tuyên truyền pháp luật ở 3 điểm chỉ đạo thực hiện Đề án còn được thực hiện ngay tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Cán bộ nòng cốt tại các điểm đã tổ chức phát tài liệu, đề cương, tờ gấp pháp luật, sách hỏi đáp cho các hộ gia đình; phối hợp với cán bộ tư pháp huyện, xã, chính quyền xã giải đáp những thắc mắc của người dân về đất đai, dân sự, hộ tịch…; lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào nội dụng các buổi giao lưu văn nghệ, toạ đàm. Tổng cộng, trong 2 năm, cán bộ nòng cốt ở 3 xã điểm đã phát được 35 đầu sách pháp luật các loại 370 cuốn; 30 loại tờ rơi với hơn 6.000 tờ; 5 bộ băng cát-sét…

Không chỉ tuyên truyền, đội ngũ cán bộ nòng cốt tại các xã điểm còn đến từng gia đình, gặp gỡ, khuyên nhủ, động viên, tổ chức cho 1.500 hộ dân ký vào các bản cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, Ban Điều hành tỉnh còn chú trọng tăng cường công tác hoà giải cơ sở ngay khi có mâu thuẫn phát sinh. Qua 2 năm thực hiện thí điểm Đề án, lực lượng cán bộ nòng cốt tại 3 xã đã hoà giải thành 15 vụ việc, chủ yếu là những tranh chấp về lối đi, bờ rào, cây cối…, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, hạn chế các khiếu kiện lên chính quyền.

Hiệu quả của việc thực hiện Đề án 666/BTP tại 3 xã điểm đã góp phần xây dựng được mô hình mẫu về công tác tuyên truyền, PBGDPL ở Thanh Hoá. Vì vậy, trong năm 2008, mô hình này đã được nhân rộng đến các huyện trong toàn tỉnh Thanh Hoá với việc thực hiện Chương trình 212; Đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi” và Đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân các xã, phường ven biển”./.

Hương Giang