Sở Tư pháp Đà Nẵng ban hành chương trình triển khai thực hiện kế hoạch hành động của UBND thành phố sau khi Việt Nam gia nhập WTO

12/05/2008
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 08 tháng 5 năm 2008, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 620/CTr-STP triển khai thực hiện trong ngành Tư pháp thành phố với các nội dung cụ thể như sau:

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết số 08/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá (X) và Kế hoạch hành động của UBND thành phố thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, các vấn đề liên quan đến WTO, đặc biệt là phổ biến các nội dung cam kết cũng như các công việc phải làm để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO, cơ hội và thách thức đặt ra đối với ngành Tư pháp thành phố khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Tư pháp thành phố.

           2. Tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND thành phố ban hành theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, nhằm phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp và trên các lĩnh vực khác như đất đai, tài chính, doanh nghiệp, xây dựng... có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).  

3. Phối hợp với các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những cơ hội và thách thức đặt ra khi Việt Nam là thành viên của WTO, công khai các cam kết của Việt Nam trong WTO đến các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó tăng cường việc tuyên truyền trên  các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng chuyên mục để giới thiệu về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các quy tắc, luật lệ có liên quan về thương mại quốc tế trên Bản tin Tư pháp thành phố, Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp để tuyên truyền, phổ biến những nội dung cam kết theo từng lĩnh vực cụ thể và các quy tắc, luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

4. Nghiên cứu biên tập các tài liệu giới thiệu về WTO, các nội dung cam kết theo từng lĩnh vực cụ thể khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dưới hình thức sổ tay, tờ gấp, tờ rơi ... phát hành đến các đối tượng có liên quan (cơ quan nhà nước, các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội ngành nghề...) để các đối tượng này hiểu biết đầy đủ các nội dung mà Việt Nam cam kết, các công việc mà họ phải làm, phát huy ý chí tự lực, tự cường của các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.                  

5. Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền loại bỏ các giấy tờ, thủ tục không cần thiết; công bố, công khai minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết công việc của các tổ chức, đơn vị thuộc Sở để doanh nghiệp, người dân biết, thực hiện và giám sát, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

6. Cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp thành phố, trong đó chú trọng quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ của ngành để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới; ngoài việc đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, cần chú trọng về trình độ ngoại ngữ, tin học, kiến thức pháp luật quốc tế …

7. Theo dõi, lựa chọn một số cán bộ, công chức trẻ có năng lực và khả năng phát triển để đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định cử đi đào tạo sau đại học trong nước và ở nước ngoài./.

Tạ Tự Bình