Bình Định: Ký kết chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2008-2013

12/05/2008
Ngày 9.5, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, và Công an tỉnh Bình Định tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để các cấp hội Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trong giai đoạn 2008-2010.

Theo chương trình thì qua 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt 6 kết quả sau: Đã tích cực tuyên truyền tinh thần chỉ thị 26/TTg và các văn bản chỉ đạo của tỉnh; phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân và hoà giải các tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; phát huy quyền làm chủ trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước của thôn, xóm, tạo động lực mới để phát triển Kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, mặc dù các ngành và các cấp Hội Nông dân đã có nhiều cố gắng, song công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nông dân chưa được tiến hành thường xuyên, có lúc có nơi còn mang tính hình thức, nên nhận thức của nông dân về pháp luật còn hạn chế. Cơ chế phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân và các ngành ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ và thiếu đồng bộ, nên việc tham mưu cho các cấp chính quyền giải quyết một số vụ việc khiếu kiện còn chậm và kéo dài, tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra. Quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu công khai dân chủ, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nông dân.

Theo đó, từ nay đến 2013, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở phối hợp tiếp tục tổ chức thực hiện 6 nội dung, đó là phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ; tổ chức trợ giúp pháp lý; hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; cho nông dân; tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội, tổ trưởng tổ hoà giải ở cơ sở, và phối hợp kiểm tra việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và việc thực hiện chính sách pháp luật ở nông thôn. Cụ thể:

Phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân: Phối hợp tuyên truyền hướng dẫn để nông dân hiểu rõ ràng và đầy đủ về pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân. Mở rộng các hình thức tuyên truyền PBGDPL cho nông dân như: Lồng ghép hoạt động PBGDPL với các phong trào của Hội Nông dân; xây dựng và phát huy hiệu quả các tủ sách pháp luật ở cơ sở; thông tin tuyên truyền trong các Tờ tin của Hội Nông dân và của ngành; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật... Lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân  như pháp luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật đất đai, môi trường, khoáng sản, dân sự, hình sự, tôn giáo... Tài liệu tuyên truyền phải được biên soạn ngắn gọn, cụ thể và dễ hiểu.

          Hàng năm phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 70 - 80% số hộ nông dân trong tỉnh.

          Phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý cho nông dân: Khi nông dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý trên các lĩnh vực hành chính, dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình... thì Hội Nông dân chủ động phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp để tiến hành trợ giúp theo yêu cầu, để giúp nông dân am hiểu về pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nông dân. Công tác trợ giúp pháp lý được tổ chức lưu động tại các địa phương hoặc tại Văn phòng Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Hội Nông dân chịu trách nhiệm về khâu tổ chức tập hợp nông dân, Trung tâm trợ giúp pháp lý chịu trách nhiệm về chuyên môn. Trong năm 2008, hai bên phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho nông dân ở 15 - 20 xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh và phối hợp xây dựng 11 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở 11 huyện, thành phố.

          Phối hợp hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân: Khi có xảy ra mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nông dân thì Hội Nông dân và các ngành liên quan phải thực hiện các biện pháp hoà giải; việc hoà giải phải được thực hiện ngay từ cơ sở thông qua các tổ hoà giải để vận động hội viên nông dân cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn một cách hợp lý, có lý có tình. Những vụ việc hoà giải không thành được thì hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

          Phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân: Những vụ khiếu kiện hành chính đông người, kéo dài của nông dân ở nông thôn, các ngành chức năng phải chủ động phối hợp với Hội Nông dân để tham mưu cho chính quyền trong việc giải quyết. Đối với những vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp kéo dài, khi tiến hành thanh tra thì mời đại diện Hội Nông dân làm thành viên của đoàn thanh tra; trường hợp không có đại diện Hội Nông dân tham gia đoàn thanh tra, thì trao đổi, tham khảo ý kiến của Hội Nông dân về quan điểm, cách thức xử lý trước khi trình UBND ra quyết định giải quyết.Trong năm 2008, tập trung chỉ đạo một số địa phương, cơ sở khảo sát nắm tình hình và giải quyết những vấn đề vướng mắc trong nhân dân về quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, xử lý môi trường khi hình thành cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản... Trước mắt cần tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, các địa phương đang có vấn đề nổi cộm như: Mỹ Thành, Mỹ An, Phước Thắng...

          Phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội Nông dân và tổ trưởng tổ hoà giải ở cơ sở: Phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức về pháp luật cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở. Đặc biệt là về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, trình tự thủ tục và nghiệp vụ giải quyết những tranh chấp thông thường ở nông thôn. Hàng năm phối hợp tổ chức tập huấn cho từ 300 - 500 cán bộ Hội Nông dân các cấp và tổ trưởng tổ hoà giải ở cơ sở.

          Phối hợp kiểm tra việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân và kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật ở nông thôn. Kiểm tra việc triển khai phổ biến pháp luật ở các địa phương cơ sở. Kiểm tra hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các tủ sách pháp luật để tăng cường hiệu quả hoạt động.Phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc trách nhiệm của chính quyền, các ngành chức năng giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng chính sách pháp luật các vụ khiếu kiện của nông dân. Phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

          Chương trình phân công Hội nông dân Chủ trì phối hợp liên ngành triển khai thực hiện các nội dung phối hợp hoạt động đã đề ra theo từng thời gian trong năm.Chỉ đạo hệ thống tổ chức Hội nông dân từ tỉnh đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc cụ thể hoá chương trình phối hợp liên ngành để đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực ở từng địa phương. Ký kết chương trình phối hợp cụ thể triển khai thực hiện. Chủ trì theo dõi, điều phối các hoạt động phối hợp liên ngành, thực hiện sơ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm, chuẩn bị kế hoạch hoạt động của năm sau. Dự trù kinh phí trình UBND phân bổ để thực hiện các nội dung phối hợp.

          Sở Tư pháp phối hợp với Hội nông dân tỉnh thực hiện chương trình PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho nông dân; tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL và TGPL cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân; phối hợp kiểm tra việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về Tài nguyên và môi trường; tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các khiếu kiện về lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Thanh tra tỉnh phối hợp với Hội nông dân tỉnh tổ chức tập huấn luật khiếu nại, tố cáo cho cán bộ Hội Nông dân; phối hợp tham gia giải quyết khiếu kiện có liên quan đến nông dân, nông thôn, đặc biệt là những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Công an tỉnh chủ động phối hợp với Hội Nông dân nắm tình hình để kịp thời xử lý khi có đông người tập trung đi khiếu kiện, nhất là khi công dân tập trung về các cơ quan cấp tỉnh.

          Tại buổi lễ, hội nông dân và các ngành thống nhất chọn xã Mỹ Thành là điểm để triển khai chỉ đạo điểm thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp này.

Nguyễn Huỳnh Huyện