Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật tại tỉnh Thừa Thiên Huế

06/05/2008
Thực hiện Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010 và Thông tư số 46/TTLTBTC-BLĐTBXH ngày 11 tháng 5 năm 2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định 239/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30 tháng 4 năm 2008 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về thực hiện Đề án Trợ giúp người tàn tật tại tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

A. Mục tiêu: cải thiện chất lượng cuộc sống của người tàn tật; từng bước tạo điều kiện cho người tàn tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, xây dựng môi trường xã hội ngày càng chăm lo tốt hơn quyền lợi của người tàn tật. Theo đó, Kế hoạch xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2010 như sau:

- Có 60% các huyện, thành phố có tổ chức “tự lực” của người tàn tật;

- Khoảng 60% phụ nữ tàn tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau;

- 100% người tàn tật tham gia học tập văn hoá trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân; được hưởng các chính sách về học bổng, trợ cấp, tín dụng đào tạo, chính sách miễn, giảm học phí, chính sách trợ cấp đồ dùng học tập và ưu tiên trong tuyển sinh theo các quy định hiện hành của nhà nước;

- 60% số người tàn tật về vận động được chỉnh hình và phục hồi chức năng;

- 100% số người tàn tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ các chương trình Quốc gia giảm nghèo và việc làm;

- Khoảng 15%-20% người tàn tật được cung cấp những dụng cụ trợ giúp, giúp người tàn tật tăng mức độc lập trong cuộc sống hàng ngày;

- Khoảng 15%-20% người tàn tật được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm;

- Duy trì việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người tàn tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội;

- Duy trì việc trợ cấp hàng tháng cho 100% người tàn tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội do xã, phường quản lý; tổ chức nuôi dưỡng tốt số người tàn tật không nơi nương tựa tại các cơ sở bảo trợ xã hội;

- Hàng năm tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể thao cho người tàn tật.

B. Kế hoạch thực hiện tập trung vào các nội dung:

1. Khảo sát tình hình, thực trạng người tàn tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu về người tàn tật tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện cơ chế chính sách trợ giúp người tàn tật.

2. Nâng cao nhận thức về vấn đề tàn tật và người tàn tật.

3. Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập tổ chức “tự lực” của người tàn tật và những hiệp hội phụ huynh và gia đình người tàn tật.

4. Trợ giúp phụ nữ tàn tật.

5. Phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đặc biệt quan tâm trẻ em.

6. Trợ giúp văn hoá.

7. Trợ giúp dạy nghề và tạo việc làm.

8. Tạo điều kiện cho người tàn tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo, hoạt động văn hoá, văn nghệ - thể dục, thể thao.

9. Theo dõi, giám sát, kiểm tra đánh giá.

C. Các giải pháp để thực hiện:

1. Tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt là chính bản thân người khuyết tật.

2. Tăng cường phân công, phân cấp quản lý.

3. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp người tàn tật.

Với những nội dung thực hiện trên, UBND tỉnh phân công trách nhiêm cụ thể cho các cấp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương nhằm thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện và thành phố Huế có trách nhiệm cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hằng năm sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo qua cơ quan thường trực (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 15 tháng 6 năm 2008 và báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 10/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật