UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch

06/05/2008
Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số lãnh đạo UBND cấp xã và cấp huyện chưa quan tâm, buông lỏng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, cán bộ Tư pháp hộ tịch yếu kém về chuyên môn, vi phạm các quy định của pháp luật về hộ tịch, dẫn đến sai sót trong đăng ký hộ tịch, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Để khắc phục những sai sót, yếu kém trong công tác đăng ký hộ tịch, nhằm triển khai thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, nâng cao hiệu quả và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của công dân. Ngày 29/04/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, theo đó UBND tỉnh yêu cầu:

-Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của công dân trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

-Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp hộ tịch của UBND cấp xã nắm vững các quy định mới về đăng ký và quản lý hộ tịch, để vận dụng thành thạo trong quá trình giải quyết các việc về hộ tịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch cho cán bộ và nhân dân, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để nhân dân hiểu được các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và tự giác thực hiện nghĩa vụ đi đăng ký các sự kiện hộ tịch phát sinh theo quy định của pháp luật. 

-Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Cơ quan đăng ký hộ tịch phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, đảm bảo các sự kiện hộ tịch phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời và chính xác. Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một nơi đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng các loại Sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo đúng quy định của Bộ Tư pháp. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê số liệu đăng ký hộ tịch theo định kỳ 6 tháng và 01 năm đúng quy định của pháp luật.

-UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch chuyên trách cấp xã để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch. Bố trí cán bộ Tư pháp hộ tịch có năng lực, đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức theo quy định hiện hành. Đồng thời phải sử dụng cán bộ Tư pháp hộ tịch ổn định lâu dài, đối với những địa phương còn thiếu cán bộ hộ tịch chuyên trách thì UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ để tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ hộ tịch theo thẩm quyền. 

Đồng thời UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của UBND xã, phường, thị trấn để phát hiện những sai phạm và chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Văn Thảo