Nam Định: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng cán bộ, công chức

06/05/2008
Trong những năm gần đây, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể đều có kế hoạch phổ biến các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình đến cán bộ, công chức, giúp đội ngũ cán bộ công chức thực thi tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

 Thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật cho các nhóm đối tượng trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức như Pháp lệnh cán bộ công chức, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật phòng chống ma tuý, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng, Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Pháp luật về kinh tế quốc tế; Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị.... đặc biệt là Luật lao động, Luật công đoàn và các quy định của Nhà nước về bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế, ...

Các hình thức tuyên, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã cố gắng thực hiện đa dạng hơn như: tập trung vào việc biên soạn phát hành các loại tài liệu pháp luật bỏ túi, Bản tin Tư pháp, cẩm nang pháp luật, tờ gấp pháp luật, băng catsett và tổ chức phát hành các loại sách pháp luật phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Sở Tư pháp phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quý (4.000 bản/số), biên soạn và phát hành hàng trăm bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật cho báo cáo viên pháp luật của các ban, ngành, đoàn thể; Tổ chức hàng chục cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hội thi dưới dạng sân khấu hoá, tiêu biểu như: “Hội thi Công an phụ trách xã giỏi”, “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp giỏi”, “Toàn dân tham gia phòng chống ma tuý” của Công an tỉnh, Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ II của ngành Tư pháp; Thi tìm hiểu về Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh; … Các cuộc thi này được tổ chức ngay từ cơ sở, thu hút hàng trăm cán bộ, công chức, người lao động tham gia; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã có tủ sách pháp luật và đã từng bước đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị mình; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Nam Định và Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã giới thiệu các văn bản pháp luật một cách thường xuyên, hoặc thông qua trao đổi, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của khán thính giả và mở các chuyên mục như: “Tìm hiểu chế độ, chính sách”, “Văn bản mới”, “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, … Chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” được cải tiến, nâng cao chất lượng thường xuyên, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, tạo được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, đoàn thể và công chúng. Bên cạnh đó, các ban, ngành đoàn thể thường xuyên mở mở các lớp tập huấn đào tạo cán bộ, cùng với hoạt động bước đầu của các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật đã góp phần đưa các văn bản pháp luật đến với đội ngũ cán bộ, công chức.

Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh, cán bộ pháp chế ngành. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong những năm qua, đội ngũ này thường xuyên được củng cố và kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, được cung cấp tài liệu, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban tuyên giáo, Trường Chính trị Trường Chinh tổ chức 02 hội nghị tập huấn về nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật bầu cử Đại biểu quốc hội khoá XII cho 250 đồng chí là báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên của Đảng.

“Cán bộ nào thì phong trào ấy”, nơi nào, lúc nào đội ngũ cán bộ tốt, giỏi thì nơi đó hoạt động hiệu quả và ngược lại. Trong thời đại hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức ngoài việc có đức, có tài còn phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, kiến thức pháp luật để đáp ứng yêu cầu công việc. Đây cũng là mục tiêu hướng tới đối với đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn Định.

Nguyễn Thị Lệ Huyền