Hoạt động hoà giải cơ sở ở Vĩnh Phúc sau mười năm thực hiện Pháp lệnh

28/01/2008
Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ. Hoạt động hoà giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ quần chúng nhân dân.

. Đồng thời, hoà giải còn là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với từng vụ việc cụ thể, vì vậy có hiệu quả trực tiếp, thiết thực đối với người dân, giúp cho mỗi công dân thấy rõ trách nhiệm của mình trước cộng đồng. Mục đích, ý nghĩa của hoà giải ở cơ sở là rất cao đẹp, tác dụng của nó là rất to lớn, vì vậy luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, động viên, khuyến khích, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

          Năm 1997 sau khi tái lập tỉnh, Vĩnh phúc còn là một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, thu nhập đầu người chỉ bằng dưới 50% bình quân của cả nước, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 100 tỷ đồng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sau 10 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh phát huy lợi thế vị trí địa lý, xây dựng được môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là phát triển công nghiệp và thu ngân sách năm 2007 đạt gần 5.500 tỷ; xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững. Ý thức pháp luật và trình độ dân trí của nhân dân từng bước được nâng lên, phong trào đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng kể trong cộng đồng dân cư ở cơ sở. Trong những kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động hoà giải ở cơ sở.

          Năm 1997 kế thừa những thành tích đã đạt được của hoạt động hoà giải của tỉnh Vĩnh Phú cũ, Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai khá tốt hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần quan trọng giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt năm 1998 thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh tổng kết 15 năm phong trào hoà giải cơ sở, và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở, tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thành công 2 cuộc thi hoà giải viên giỏi lần thứ nhất và thứ hai. Qua tổng kết trong 15 năm phong trào hoà giải ở cơ sở các tổ hoà giải ở Vĩnh Phúc đã tham gia hoà giải 25.848 việc mâu thuẫn xích mích, vi phạm pháp luật nhỏ trong nội bộ nhân dân, trong đó đã hoà giải thành được 21.626 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,6% số việc.

          Với phương châm hướng công tác tư pháp về cơ sở, trong đó coi trọng công tác chỉ đạo triển khai thi hành Pháp lệnh hoà giải và văn bản hướng dẫn thi hành hàng năm ngành Tư pháp đã tham mưu giúp UBND cùng cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho các tổ hoà giải. Đặc biệt năm 2004 Sở Tư pháp đã tham mưu giúp HĐND tỉnh ban Nghị quyết số 18 về hỗ trợ kinh phí cho tổ hoà giải (15.000đ /Tổ/tháng); đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham mưu với UBND cùng cấp kiện toàn tổ hoà giải. Qua thực tiễn cho thấy, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 18/2004/NQ-HĐND của  HĐND tỉnh về  hỗ trợ kinh phí cho tổ hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy phong trào hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, hàng nghìn tổ viên tổ hoà giải đã và đang thầm lặng gỡ từng nút rối, từng mối bất hoà trong từng gia đình, làng xóm. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự bình yên, an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Để kịp thời động viên các Tổ hoà giải hoạt động tích cực và đẩy mạnh hơn nữa phong trào hoà giải ở cơ sở, ngày 19 tháng 12 năm 2007 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định số lượng, mức hỗ trợ cho tổ hoà giải (30.000đ/Tổ/tháng).

Đến nay ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có 1.685 tổ hoà giải, với tổng số 9.831 tổ viên, Tổ trưởng tổ hoà giải hầu hết là Bí thư chi bộ (chiếm 2,5 %), trưởng thôn, tổ trưởng dân phố (chiếm 12,1%) các tổ viên là những người luôn gương mẫu chấp hành thực hiện tốt pháp luật ở cơ sở, có uy tín với nhân dân.

          Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

          Thứ nhất:  Phải xác định rõ, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ để phát huy, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động hoà giải là trách nhiệm trước hết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể. Công tác hoà giải cần được xem như một trong những nhiệm vụ chính trị của các Tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, gắn công tác hoà giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

          Thứ hai: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể, có cơ chế phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp trong việc kiện toàn tổ chức, hướng dẫn hoạt động hoà giải; Khuyến khích và động viên cả hệ thống chính trị ở cơ sở, các cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào hoạt động hoà giải; gắn hoạt động hoà giải với các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

           Thứ ba: Cần quan tâm hỗ trợ điều kiện vật chất cho hoạt động hoà giải. Ngoài phần kinh phí Nhà nước đã quy định, ở từng đơn vị cũng cần có sự quan tâm thích hợp, nên chăng chính quyền cơ sở vận động nhân dân xây dựng “quỹ hoà giải” trong cộng đồng dân cư của mình.

          Thứ tư: Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải cho các hoà giải viên, tổ chức cho các hoà giải viên toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm. Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những hoà giải viên có thành tích.

          Hoạt động Hoà giải ở cơ sở có vai trò ý nghĩa hết sức quan trong góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn xích mích, vi phạm pháp luật nhỏ trong nhân dân, làm giảm các đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan nhà nước, giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta tương thân tương ái, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Để góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phục vụ cho quá trình hội nhập tổ chức thương mại quốc tế, mong muốn rằng mỗi người dân hãy là những hoà giải viên luôn tham gia tháo gỡ những mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân để mỗi gia đình luôn đoàn kết, hạnh phúc, bền vững tham gia tích cực vào cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Kim Yến