Đồng Nai: Triển khai công tác Tư pháp năm 2008.

28/01/2008
Ngày 24/01/2008 UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 và Triển khai công tác Tư pháp năm 2008.

Đến dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chánh văn phòng 2- Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Huỳnh Thị Nga- Tỉnh Uỷ Viên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Các sở, ngành và UBND các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức và hành động chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật

Triển khai thực hiện Nghị quyết 61/2007/NQ- CP ngày 07/12/2007 “về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 32- CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phồ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”một cách  thường xuyên, kịp thời, có hệ thống đảm bảo phù hợp với từng đối tượng cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, lực lượng thanh thiếu niên, nhằm góp phần tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức, tự giác chấp hành pháp luật, đồng thời tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.

2- Các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành của các sở, ngành nào thì sở, ngành đó chịu trách nhiệm về việc phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật đó trong cán bộ, công chức; đồng thời phối hợp cùng Sở Tư pháp, các đoàn thể và chính quyền các cấp triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân. Cần bố trí  kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vùng sâu, vùng xa và trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, UBND các cấp phải trang bị tủ sách pháp luật và được bổ sung, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.

3- UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà phải thường xuyên kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của hệ thống chính trị trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Xây dựng đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở huyện, xã đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật Khiếu nại, tố cáo.

4- Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai, các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực, bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

5- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị xã hội của tỉnh lãnh đạo các tổ chức của mình phối hợp cùng HĐPHCTPBGDPL và các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL trong cộng đồng dân cư, khu nhà trọ của công nhân, người lao động và thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào có đạo, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc ít người theo các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em...

6- Sở Tư pháp ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, trước mắt trong năm 2008 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành như:

- Đẩy mạnh công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tạo sự chuyển biến trong chất lượng thẩm định, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong tỉnh, đảm bảo tạo khung pháp lý trong điều hành, quản lý các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước, thường xuyên rà soát trình tự thủ tục cải cách  hành chính, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.

- Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng cách đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng tuyên truyền phổ biến những văn bản pháp luật trong những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm; Nâng cao chất lượng công tác hòa giải; Chuẩn bị nội dung đượchức tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.

- Tăng cường lãnh đạo công tác Thi hành án dân sự về mặt tổ chức; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự; đẩy mạnh việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự; phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành.

- Kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan Tư pháp các cấp, trong đó chú ý đến việc bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn; Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong phạm vi toàn ngành. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 49- NQ/TW ngày 02/6/2006 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (giai đoạn 2006 đến 2010 theo Kế hoạch số 14- KH/TU ngày 20/7/2006  của Tỉnh uỷ), triển khai thực hiện tốt Luật Luật sư, Luật Công chứng, Nghị định 79/2007/NĐ-CP, Pháp lệnh Giám định Tư pháp, Nghị định 05/2005/NĐ- CP của Chính phủ về Bán đấu giá tài sản./.

Lê Quang Vinh