Sở Tư pháp Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008

28/01/2008
Ngày 24-1-2008, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2008. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Hồng Sơn - Cục Trưởng Cục kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp; Lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan, Lãnh đạo Phòng Tư pháp, Thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện, chấp hành viên, Công chứng viên, các Trưởng, Phó Phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở.

Năm 2007, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã thẩm định 142 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Soạn thảo 04 văn bản quy phạm pháp luật,  góp ý 54 dự thảo văn bản (Trong đó: 14 dự thảo văn bản của Trung ương và 40 dự thảo văn bản của địa phương), qua góp ý đã đóng góp nhiều ý kiến đúng pháp luật và phù hợp trên địa bàn.Việc kiểm tra văn bản Phòng đã nhận được 227 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện gửi về để kiểm tra theo quy định. Qua kiểm tra, phát hiện 47 văn bản vi phạm về thể thức ban hành; 4 văn bản vi phạm về nội dung. Tham mưu lãnh đạo Sở  có văn bản yêu cầu các đơn vị ban hành văn bản tiến hành xử lý theo quy định.. Các cơ quan Tư pháp đã phát huy được vai trò đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều hình thức. Trong năm đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho 515 lượt cán bộ, công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã, cộng tác viên trợ giúp pháp lý... Biên soạn, in ấn, phát hành 7.015 cuốn sách, tập đề cương, tài liệu, 730 băng catset (dịch ra tiếng Jrai, Bahnar) phổ biến pháp luật về các lĩnh vực: Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tội phạm, ma túy, giao thông đường bộ, bầu cử Quốc hội, đất đai, quyền sở hữu.... và các văn bản pháp luật mới ban hành trong năm 2007; In ấn và phát hành 33.250 cuốn tài liệu tuyên truyền khu dân cư, 2.000 Bản tin Tư pháp, 28.500 tờ gấp với chất lượng nội dung đảm bảo, gửi đến các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, thôn làng, tổ dân phố để phổ biến cho cán bộ và nhân dân, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các tổ hoà giải đã tham gia hoà giải thành 87% vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Công tác trợ giúp pháp lý được tăng cường về vùng sâu vùng xa.  Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 29 đợt tại 90 xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh; Thực hiện trợ giúp pháp lý được 1321 vụ việc cho 1 407 người nghèo và đối tượng chính sách. 3 Phòng Công chứng đã giải quyết hơn 165.747 việc. Thu lệ phí 2.405.012.000 đồng.Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã ký 48 hợp đồng bán đấu giá. Đã tổ chức bán đấu giá thành với số tiền 6.985.191.155 đồng. Cao hơn năm 2006 là 5.218.541.155 đồng. Tăng so với giá khởi điểm gần 126 triệu đồng.  Các cơ quan Thi hành án Dân sự  đã thi hành xong 3099/4238 số việc có điều kiện thi hành. Đạt tỷ lệ 73%,  tăng 447 việc với năm 2006 .Thực thu 38, 354 tỷ/ 53,896 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Đạt tỷ lệ 71%, So với năm 2006 số tiền thực thu tăng 10,175 tỷ .

Tuy nhiên, trong năm qua, một số UBND cấp xã còn lúng túng trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, công tác chứng thực theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP; Công tác bán đấu giá tài sản, Trợ giúp pháp lý chưa được củng cố về tổ chức, nâng cao năng lực theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Lê Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được của Ngành Tư pháp Gia Lai, đồng thời đồng chí nhấn mạnh cần tăng cường công tác phối hợp với các ngành, vì đa số các nhiệm vụ của ngành Tư pháp đều có sự phối hợp với các ngành khác, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ địa phương. Trong năm 2008 cần tăng cường công tác văn bản, tin học hoá công tác tư pháp. Việc chuyển giao án dưới 500.000 đồng cho cấp xã hiện nay chưa hiệu quả nhưng vẫn chưa có văn bản chấm dứt vấn đề này, nên chưa có cơ sở để không thực hiện.

Các ý kiến thảo luận ngoài tham gia đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế của ngành còn tham gia về những bất cập trong quy định của pháp luật hiện nay như: quy định chấp hành viên cấp tỉnh và cấp huyện mức lương quá chênh lệnh. Trong khi Chấp hành viên cấp tỉnh chưa chắc giỏi hơn Chấp hành viên cấp huyện. Do đó cần sửa đổi theo hướng quy định Chấp hành viên sơ cấp, Trung tâp, và Cao cấp như một số chức danh, kiểm sát viên, điều tra viên. Quy định một số chức danh được miễn đào tạo nghề công chứng theo Điều 15 Luật Công chứng là chưa phù hợp. Vì một số người làm công tác pháp luật am hiểu nhiều về công chứng, chứng thực như Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp, Chấp hành viên nhưng không được miễn đào tạo nghề Công chứng.

Đồng chí Trần Xuân Hiệp – Giám đốc Sở Tư pháp đã kết luận Hội nghị tập trung một một số vần đề trong tâm là:

Sang năm 2008, ngành Tư pháp tỉnh tiếp tục chuẩn bị lực lượng nâng cao công tác văn bản. Thực hiện tổng rà soát văn bản thuộc lĩnh vực xây dựng theo chỉ đạo điểm của Bộ Tư pháp.

- Hướng mạnh PBGDPL và trợ giúp pháp lý về cơ sở. Chú trọng công tác kiểm tra thực hiện công vụ, nghiệp vụ của các đơn vị cơ sở.

- Các Phòng Tư pháp cấp huyện phải xây dựng kế hoạch triển khai công tác Tư pháp (đây là tiêu chí để xét thi đua); tập huấn nghiệp vụ cần xây dựng kế hoạch thật cụ thể, rõ ràng, Sở sẽ hỗ trợ tài liệu, báo cáo viên.

- Tham mưu mở lớp Trung cấp luật tại huyện Chư Sê, thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại thị xã  Ayun Pa. Đưa công tác Tư pháp về cơ sở xác định rõ phải làm gì, đi sâu vào chức năng quản lý Nhà nước không làm thay nhiệm vụ của Tư pháp cơ sở.

-  Các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện rà soát, phân loại án chính xác việc có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành, tìm các giải pháp hạn chế việc tồn đọng phấn đấu kết quả thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp đề ra.

Kết quả công tác thi đua, đại diện lãnh đạo Bộ đồng chí Lê Hồng Sơn đã trao Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp cho 2 đơn vị là Thi hành án dân sự tỉnh và Thi hành án dân sự thành phố Pleiku, trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp cho 01 đồng chí, trao kỷ nhiệm chương "Vì sự nghiệp tư pháp" cho 11 đồng chí, Bằng khen của Bộ tư pháp cho 02 tập thể, 05 cá nhân.

 
Quang Quý