Tư pháp Lào Cai năm 2007: “Mốc son mới” của công tác tuyên truyền!

28/01/2008
15 năm sau ngày chia tách tỉnh, đây là năm công tác TTPBGDPL của tỉnh đạt hiệu quả thiết thực nhất khi các sở, ban, ngành đồng loạt tự triển khai thực hiện công tác TTPBGDPL và gặt hái thành công mà không phải qua Sở Tư pháp đôn đốc.

Chị Phan Thị Nguyệt (Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai) đã nói với chúng tôi như vậy một cách đầy phấn khởi và xúc động. Là tỉnh vùng cao, biên giới với 60 vạn dân thuộc 25 dân tộc anh em, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ dân trí thấp nên nhìn chung công tác TTPBGDPL của Lào Cai gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ phối hợp tốt với các ban ngành nên công tác TTGDPBPL của Lào Cai ngày càng đi vào thực chất.

Năm 2007, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp phát động cuộc thi “Nhà nông tìm hiểu pháp luật” bằng hình thức sân khấu hóa thu hút 66.278 lượt hội viên nông dân tham gia. Cuộc thi của nhà nông được triển khai từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh ở 9 đơn vị huyện, thị và được phát trên sóng Đài truyền hình tỉnh. Các tiểu phẩm dự thi đều do các nông dân dàn dựng, diễn xuất dựa trên bộ đề thi của Hội Nông dân tỉnh. Điều đặc biệt là đề thi của các đơn vị cơ sở đảm bảo không trùng nhau ở cả ba hình thức: không trùng câu hỏi, không trùng tình huống và không trùng các trò chơi. Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh cũng mở chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật” trên sóng phát thanh dịch ra 4 tiếng dân tộc Mông, Dao, Dáy, Tày. Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Bảo hiểm xã hội” được đông đảo cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh hưởng ứng với 19.150 bài dự thi. Sở Tư pháp còn phối hợp với Sở Giáo dục triển khai hiệu quả kế hoạch liên ngành về PBGDPL trong trường học, phát động gaío viên và học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn nghiệp vụ giảng dạy pháp luật cho giáo viên và tổ chức tổng kết 20 năm đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường.

Hòa trong không khí sôi nổi của các ban ngành triển khai công tác TTPBGDPL, Công an tỉnh Lào Cai phát động cuộc thi “Tìm hiểu Luật Cư trú” thu hút trên 20 ngàn bài dự thi. Công an tỉnh cũng tổ chức triển khai thực hiện Đề án phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy tại 3 cụm xã: xã Bảo Hà- xã Kim Sơn- xã Cam Cọn; Thị trấn Phố Lu- xã Sơn Hà- xã Sơn Hải; thị trấn Tằng loỏng- xã Xuân Giao- xã Phú Nhuận. Thực tế cho thấy, hiệu quả tại các xã được thí điểm thực hiện Đề án đã được nhân rộng đến nhiều xã trong tỉnh, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng giảm thiểu rõ. Tương tự, từ kết quả Dự án “Pháp luật và sinh kế cho người Mông ở Lào Cai” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ tại xã Bản Phố và Bản Già tại Bắc Hà, đã nhân rộng đến địa phương khác, nâng cao ý thức pháp luật và giúp bà con dân tộc biết cách xây dựng đời sống dân chủ, văn minh.  

Trong số 164 xã của Lào Cai có tới 127 xã vùng cao, trong đó 81 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, để đưa pháp luật đến từng người dân ở những thôn bản vùng sâu vùng xa phải kể đến công lao, sự tận tâm của đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 2015 tổ hòa giải với 6820 hoà giải viên có ở 100% thôn, bản. Năm 2007, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 200 vụ việc. Thông qua công tác hòa giải, các cán bộ thôn này đã tích cực lồng ghép việc TTPBGDPL đến nhân dân nên không chỉ giải quyết ổn thỏa vụ việc đang tranh chấp mà còn giúp nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Bà con dân tộc cũng có thể tìm hiểu pháp luật qua cuốn Sổ tay pháp luật dịch ra 4 tiếng dân tộc Mông, Dao, Tày, Dáy. Ngoài ra, chuyên mục PBGDPL cũng được duy trì hàng ngày trên Báo Lào Cai phát hành đến tận Bưu điện văn hóa xã và phát hàng tháng trên Đài truyền hình tỉnh.

So với các năm trước thì năm 2007 ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc tỉnh lào Cai được nâng cao hơn, khoảng cách về kinh tế, văn hóa giữa các xã vùng sâu vùng xã với các xã vùng thấp và thành thị cũng từng bước được rút gần - đó mới chính là danh hiệu cao quý nhất dành cho những người làm công tác tư pháp tỉnh nhà.

 

Quỳnh Lưu (Báo Pháp luật Việt nam).