Trợ giúp pháp lý ở Nghệ An: Ngày càng gần dân

22/01/2008
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (TGPL) khoảng 1,2 triệu, trong đó khoảng 20 ngàn người có nhu cầu TGPL. Tuy nhiên, hoạt động TGPL mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tư vấn pháp luật và khoảng 10% nhu cầu bào chữa đại diện.

Mạng lưới trợ giúp dày đặc

Có thể nói, TGPL là hoạt động mang tính từ thiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt: người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ vị thành niên, người mới ra tù...Đây là những nhóm đối tượng không có khả năng về kinh tế, do vậy các tổ chức TGPL luôn tìm mọi cách để về gần hơn với họ nhằm tiết kiệm các chi phí cũng như thời gian. Nghệ An cũng là một trong những địa phương sớm thành lập các chi nhánh, các tổ và Câu lạc bộ TGPL. Đến nay, toàn tỉnh có 18 tổ TGPL, mỗi tổ có 5-10 cộng tác viên, 7 điểm TGPL đã được thành lập ở các huyện vùng xa của tỉnh, các điểm này đều có cộng tác viên tình nguyện trực để tiếp nhận nhu cầu của người dân. Với sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp, đã có thêm 10 Câu lạc bộ TGPL được thành lập (năm 2006), mỗi CLB có từ 6-10 thành viên với thành phần là cán bộ của Ban Tư pháp, Hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên. Ngoài mạng lưới này, Nghệ An còn có 272 cộng tác viên, trong đó 189 người có trình độ cử nhân Luật, phần lớn trong số họ đã có thời gian tham gia TGPL từ nhiều năm nay.

10 năm hoạt động, ước tính Nghệ An đã thực hiện TGPL cho gần 40 ngàn vụ việc. Như vậy là bình quân mỗi năm có khoảng 4 ngàn vụ việc được giải quyết, trong đó có tư vấn pháp luật và đặc biệt là hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền lợi trước Toà án. Thực hiện chủ trương đưa pháp luật về cơ sở, những năm gần đây, hoạt động TGPL lưu động đã được Nghệ An tăng cường đến các bản vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh. 385 xã, thị trấn, trong đó 43% các xã thuộc vùng cao, vùng sâu đã được Đoàn công tác đến tận nơi giải đáp, tư vấn. Ngoài việc TGPL, trên 40 vạn lượt người đã được phổ biến tuyên truyền pháp luật.

Nhưng, không phải lúc nào tổ chức TGPL cũng đến được với người dân vì còn liên quan đến chuyện kinh phí, bố trí thời gian, và việc đi lưu động chỉ thực hiện đối với những nơi có nhu cầu lớn. Những vụ việc đơn lẻ không dễ tư vấn trực tiếp. Vì lý do này mà từ năm 2003, Trung tâm TGPL Nghệ An đã mở thêm một kênh tư vấn mới thông qua tổng đài 108 của Bưu điện tỉnh . Mỗi khi có nhu cầu, người dân không cần phải đến tận nơi mà vẫn được các cán bộ TGPL tư vấn trực tiếp. Đây là một hình thức được đánh giá là có hiệu quả, ít chi phí.

Cái khó …vẫn bó cái khôn

Là một địa bàn rộng trên 16 ngàn km2 với 19 huyện, TP, Thị xã, 479 xã, phường, thị trấn, trong đó có 115 xã đặc biệt khó khăn với trên 1 vạn thôn, bản, hoạt động TGPL ở Nghệ An gặp nhiều trở ngại vì những lý do này. Mặc dù có hệ thống chân rết là các tổ TGPL tại cơ sở và mạng lưới cộng tác viên tuy nhiên là lực lượng kiêm nhiệm nên không thể chủ động trong công việc. Hơn thế, đội ngũ người làm chính là các cán bộ TGPL thì hiện nay cả tỉnh chỉ có 3 chuyên viên. Và 3 người này phải làm tất các công việc từ A đến Z. Luật TGPL mở ra một hướng mới cho các tỉnh còn thiếu luật sư, là cho phép các trợ giúp viên tham gia tố tụng như luật sư để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người nghèo. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, lại tập trung chủ yếu ở TP Vinh nên có khoảng 85% người có nhu cầu TGPL ở các vùng xa Trung tâm đang phải chịu thiệt thòi do cán bộ không thể đến với họ. Ngoài yếu tố chủ quan thì nguyên nhân của tình trạng này còn xuất phát từ thực tế hiện nay là sự phối hợp của các ngành trong công tác TGPL còn nhiều hạn chế. Cụ thể là thông qua hoạt động của mình, tổ chức TGPL phát hiện nhiều sai sót của các cơ quan và có kiến nghị về các vấn đề đó nhưng nhiều khi không được quan tâm, trả lời. Do vậy, việc tạo ra một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, huy động mọi lực lượng trong cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác TGPL là việc làm cần thiết.

Bên cạnh đó, cần kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm TGPL, cùng với việc thành lập thêm nhiều Chi nhánh ở các huyện, thị. Mục tiêu đến năm 2010 theo UBND tỉnh Nghệ An tại Đề án tăng cường công tác TGPL trên địa bàn tỉnh thì phải tiếp tục mở rộng mạng lưới cộng tác viên lên số 500 người. Đồng thời với phát triển về số lượng, chất lượng của đội ngũ chuyên viên, cộng tác cũng phải được nâng cao bằng các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ…

                                                An Bình

Số người nghèo ở Nghệ An hiện nay ước tính khoảng 70 vạn. Cả tỉnh có khoảng 42 vạn đồng bào dân tộc thiểu số, trên 47 vạn người có công với cách mạng, trên 11 vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, gần 1 vạn người già cô đơn và trên 2,6 vạn trẻ em mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa. Số người thuộc diện được TGPL hiện nay ở Nghệ An là khoảng 1,2 triệu người nhưng hoạt động TGPL mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tư vấn pháp luật và khoảng 10% nhu cầu bào chữa, đại diện.