Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội

18/01/2008
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân có một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi nó không những giúp cho cán bộ, chiến sỹ hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh người quân nhân kiểu mẫu

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lực, Chánh văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Cộng tác viên Bản tin pháp luật do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 17/1.

Số liệu thống kê của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng cho biết, tình hình vi phạm, tội phạm, mất an toàn giao thông trong năm 2007 có chiều hướng giảm về số lượng vụ việc cũng như mức độ thiệt hại về người, tài sản. Tuy nhiên, một số loại tội phạm nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm trẻ em còn xảy ra. Đặc biệt, số vụ vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và các tai nạn khác chưa giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đáng lưu ý là đối tượng vi phạm không chỉ là hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng có tuổi đời, tuổi quân còn trẻ, nhận thức pháp luật còn hạn chế mà có cả cán bộ, đảng viên hiểu biết pháp luật nhưng vẫn có hành vi trái pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Định, Cục Tuyên huấn, trong quân đội hiện nay có 68 cơ quan báo chí, trong đó có 45 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, còn lại là các cơ quan báo chí do Tổng cục Chính trị cấp phép. Trong số các cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, Bản tin Pháp luật được đánh giá cao về chất lượng nội dung các tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, chiến sỹ trong quân đội. Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Định cho rằng, muốn cán bộ, chiến sỹ tự giác tìm hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật thì Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật nên tuyên truyền mạnh về các vụ án xét xử lưu động, các vụ án điểm và câu chuyện pháp luật, bài học kinh nghiệm rút ra từ những vụ án.

Về nội dung này, đại tá Tất Thành Vinh, Tòa án Quân sự trung ương cho biết, trong thời gian qua, ngành Tòa án Quân sự đã tăng cường xét xử lưu động tại các đơn vị, địa phương hay xảy ra các vụ vi phạm pháp luật. Nhiều toà án đã đưa 100% các vụ án ra xét xử lưu động liên tục trong hai năm 2006, 2007 như Tòa án quân sự Quân khu 5, Tòa án quân sự Quân khu 7, Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô, Tòa án Quân sự Khu vực 2 Quân khu 5, Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân chủng Hải quân. Ngoài xét xử lưu động, hàng năm, toà án quân sự các cấp đều xác định các vụ án điểm và tổ chức xét xử điển hình. Hoạt động này góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chủ trì các cấp đối với công tác giáo dục, quản lý quân nhân và duy trì kỷ luật tại đơn vị, đồng thời góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của quân nhân và giảm dần vi phạm, tội phạm trong quân đội. Đại tá Vinh khẳng định, nếu Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có yêu  cầu, ngành Tòa án Quân sự các cấp sẽ sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin. Nhiều đại biểu tham gia Hội nghị đồng tình với hướng tuyên truyền pháp luật trong quân đội qua hình thức này.

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lực cho biết thêm, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu mở rộng mạng lưới cộng tác viên và phát triển Bản tin Pháp luật thành tạp chí với nội dung phong phú, đa dạng hơn. Đây cũng là một nỗ lực của Bộ Quốc phòng nhằm  nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.

Hồng Thúy