Tư pháp Đăk Lăk: Hướng về cơ sở, gần dân hơn

17/01/2008
Năm 2007 được coi là năm có nhiều chuyển biến trong cải cách hành chính cũng như trong thực hiện chủ trương hướng về cơ sở của ngành tư pháp Đăk Lăk. Làm thế nào để phục vụ người dân một cách tốt hơn đó là điều mà tư pháp Đăk Lăk luôn trăn trở.

Rút ngắn thời gian giải quyết

Cải cách hành chính, mà trọng tâm là đơn giản hoá hồ sơ thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết trong một số lĩnh vực liên quan đến người dân như hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án…đã được Sở Tư pháp Đăk Lăk quan tâm từ nhiều năm nay. Đặc biệt là trong năm 2007 một số Luật mới được đưa vào triển khai như Luật Công chứng, Trợ giúp pháp lý…”Và trên thực tế, các loại việc đều được giải quyết sớm hơn so với thời hạn luật định” – Giám đốc Đỗ Xuân Bỉnh đã phấn khởi cho biết như vậy. Cụ thể, ông Bỉnh cho biết: trong lĩnh vực hộ tịch thuộc thẩm quyền của Sở đã rút ngắn ít nhất là 2 ngày, nhiều nhất là 10 ngày làm việc. Lĩnh vực quốc tịch đã rút ngắn ít nhất là 15 ngày, nhiều nhất là 1 tháng. Riêng lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp thời gian gần đây tăng mạnh, người dân cần nhanh nên Sở cũng đã mạnh dạn bỏ thủ tục chứng nhận bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và rút ngắn thời gian giải quyết từ 33 ngày xuống còn từ 10-20 ngày làm việc. Riêng lĩnh vực công chứng cũng đã cố gắng giải quyết ngay trong ngày, trừ một số trường hợp phức tạp, nhưng cũng không quá 3 ngày( trong khi pháp luật quy định giải quyết là 30 ngày). Riêng lĩnh vực thi hành án cũng đã rút ngắn ở tất cả các khâu. Ngoài ra lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản cũng có nhiều cải cách. Để công khai các loại thủ tục hành chính, hiện nay Sở Tư pháp cũng đang xây dựng Trang thông tin điện tử để chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới.

Tuyên truyền pháp luật: phải sát dân

Trong các hoạt động của ngành tư pháp, công tác tuyên truyền pháp luật có vai trò quan trọng, bởi có hiểu biết pháp luật thì người dân mới chấp hành. Ngoài việc tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền, nhiều hoạt động sôi nổi khác được ngành tư pháp Đăk Lăk tổ chức một cách bài bản. Gần 1300 hội nghị về công tác tuyên truyền đã được tổ chức với gần 350 ngàn lượt người tham gia. Không những các thành viên Hội đồng phối hợp PBPL của tỉnh, huyện được tập huấn mà công việc này còn được triển khai đến tận công chức cấp xã, hội viên hội nông dân, phụ nữ, cán bộ thôn, bản tổ dân phố và các hoà giải viên cơ sở (với gần 11 ngàn lượt người tham gia). 5 ngàn cuốn tài liệu và 7 ngàn bản tin tư pháp chuyên đề về an toàn giao thông đường bộ. Hàng trăm ngàn tờ gấp pháp luật phục vụ bầu cử Quốc hội đã được đưa đến tận thôn, bản. Trong năm 2007, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tổ chức 42 đợt trợ giúp lưu động động đến những xã vùng sâu, xa nhất của tỉnh, kết hợp giữa giải đáp với tuyên truyền pháp luật. Năm 2007 là năm các tổ hoà giải trong toàn tỉnh đã được củng cố kiện toàn với tỷ lệ hoà giải thành trên 82%.

Đánh giá cao hiệu quả từ hình thức sân khấu hoá trong công tác tuyên truyền pháp luật nên năm qua ngành tư pháp Đăk Lăk đã tổ chức khá nhiều cuộc thi. Ví dụ cuộc thi “tìm hiểu BLDS 2005”, rồi chuyên mục đố vui tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, hội thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi…các cuộc thi không chỉ dành cho cán bộ tư pháp các cấp mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hướng về cơ sở nhưng chủ trương của tư pháp Đăk Lăk là ưu tiên trước hết là những vấn đề mà người dân cần. Cùng với việc đổi mới hình thức cũng như nội dung thể hiện, ngành tư pháp còn đặc biệt quan tâm đến việc truyền tải luật trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Không thể bằng các cuộc hội nghị hoặc tuyên truyền trên diễn đàn, ngành tư pháp chủ động sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên là già làng, trưởng bản, các hoà giải viên cơ sở. Hơn ai hết họ là những người am hiểu tập tục của địa phương và có uy tín trong cộng đồng. Nhưng để sử dụng đội ngũ này có hiệu quả thì ngành tư pháp phải tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho họ.

                                                Thu Hằng