Ninh Thuận: Hưởng ứng cuộc thi viết tìm hiểu Luật Cư trú

18/01/2008
Hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú do Bộ Công an phát động; thực hiện Quyết định số 4204/QĐ-UBND ngày 09/10/2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú năm 2006; theo kế hoạch số 4400/KH-BTC ngày 16/10/2007 của Ban tổ chức cuộc thi và công văn số 585/CAT-PV11 ngày 19/11/2007 của Công an tỉnh - Thường trực Ban tổ chức cuộc thi.

Theo thể lệ cuộc thi, người dự thi sẽ phải trả lời 10 câu hỏi về: Quyền tự do cư trú; Các hành vi cản trở quyền tự do cư trú của công dân bị ngăn cấm; Trách nhiệm của công dân về cư trú; Nơi cư trú của người chưa thành niên; Nơi cư trú của vợ, chồng, người được giám hộ, người làm nghề tự do; Điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú tại tỉnh và đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định về đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú; Khai báo tạm vắng...

Kết thúc thời hạn nhận bài dự thi, Ban giám khảo đã tiếp nhận 7.265 bài dự thi; số lượng bài tham gia cuộc thi đã thể hiện tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh đều đã tham gia viết bài dự thi (kể cả những vùng sâu, vùng xa như huyện Bác Ái và các lực lượng bảo vệ trên các tuyến biển như bộ đội biên phòng). Trong đó, những đơn vị, địa phương có số lượng bài viết tham gia dự thi nhiều là Công an tỉnh, Trung đoàn không quân 937, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các trường THPT Trường Chinh; Phạm Văn Đồng; Trường Tiểu học Trần Thi; Trường THCS Nguyễn Thái Bình; Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; Huyện đoàn Ninh Hải; Điện lực Ninh Thuận; Công ty Xuất khẩu nông sản; Công ty Mía đường Phan Rang; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Công an Ninh Phước; Công an Ninh Hải; Công ty Khai thác công trình thủy lợi; Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận. . .

Đa số bài dự thi thể hiện sự nghiêm túc và rất trân trọng của người tham gia dự thi bởi sự trình bày có đầu tư về nội dung lẫn hình thức. Rất nhiều bài dự thi đã được đóng thành tập sách, có hình ảnh và các bài viết minh họa cho phần trả lời 10 câu hỏi cuộc thi. Nhiều bài dự thi đã được các thí sinh viết tay; đây là thể loại viết rất đáng ghi nhận trong việc tham dự cuộc thi vì người viết đã phải đọc tài liệu, quá trình viết là quá trình tự học nên những người tham gia dự thi bằng hình thức viết tay đều đã nắm vững về cơ bản những quy định của Luật Cư trú.

Các bài dự thi đều trả lời 10 câu hỏi theo thể lệ của Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều bài viết có sự đầu tư làm phong phú cho cuộc thi như việc thí sinh bổ sung phần mở đề trước khi trả lời câu hỏi (lời mở đầu, thư ngỏ, sự cần thiết của cuộc thi . . .); có lời kết (bày tỏ tình cảm, nói lên ý nghĩa cuộc thi, nêu lên những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Cư trú); nhiều bài thi được sưu tầm và lập danh mục tài liệu tham khảo. Đặc biệt có một số bài viết đã nghiên cứu sưu tầm và trích dẫn quá trình hình thành và lịch sử thực hiện những quy định về cư trú tại Việt Nam cũng như một số quốc gia khác.

Nhằm đảm bảo việc chấm thi chính xác, khách quan, công bằng, trung thực và đúng với yêu cầu của công văn số 1320/V19-P1 ngày 14/11/2007 của Bộ Công an và công văn số 5042/UBND-NC ngày 27/11/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc dự kiến đáp án và cho điểm phần trả lời các câu hỏi thi tìm hiểu Luật Cư trú; các thành viên trong Ban giám khảo đã thống nhất phương pháp chấm thi bằng việc cụ thể hóa các khung điểm theo cấu trúc và nội dung pháp lý của từng câu hỏi (chia nhỏ bảng điểm của dự kiến đáp án và cho điểm theo hướng dẫn của Vụ pháp chế - Bộ Công an). Mỗi giám khảo chấm điểm độc lập và chịu trách nhiệm về số điểm chấm của mình, Trưởng ban giám khảo có trách nhiệm chấm điểm và kiểm tra hệ số điểm của các giám khảo khác để thống nhất tính chính xác của số điểm chấm cho bài dự thi, với ý thức trách nhiệm cao đã chấm thi nghiêm túc, thận trọng và chọn được những bài dự thi mà theo nhận xét của các thành viên Ban giám khảo là đạt chất lượng nội dung pháp lý đối với những câu hỏi của cuộc thi tìm hiểu Luật Cứ trú; bài dự thi được các thí sinh nghiên cứu, sưu tầm và sử dụng những tư liệu về hình ảnh, tin bài (đã được đăng trên các báo hoặc sưu tầm tại địa phương) đưa vào bài viết nên bài dự thi có tính sáng tạo, làm phong phú và sinh động hơn cho việc trả lời các câu hỏi của cuộc thi; liên hệ với thực tế và nêu lên những khó khăn, vướng mắc hoặc bày tỏ tâm tư, tình cảm) về việc học tập và thực hiện Luật Cư trú.

Theo thể lệ cuộc thi, Ban giám khảo cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú đã chấm điểm, xác định giải thưởng dành cho cá nhân, tập thể và đề nghị Ban tổ chức cuộc thi quyết định công nhận: 1 Giải nhất (cá nhân); 02 giải nhì (cá nhân-đồng hạng); 05 giải ba (cá nhân-đồng hạng) và 30 giải khuyến khích. Giải tập thể: Công an tỉnh giải nhất; 02 giải nhì (đồng hạng): Trung đoàn Không quân 937, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; 05 giải ba: Công an Tp Phan Rang-Tháp Chàm, Điện lực Ninh Thuận, Trường THPT Trường Chinh-Ninh Sơn, Huyện đoàn Ninh Hải và Trường THPT Phạm Văn Đồng; 10 giải khuyến khích: Công an huyện Ninh Phước; Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công ty Mía đường Phan Rang; Công an huyện Ninh Hải; Công ty Xuất khẩu nông sản; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Trường THCS Nguyễn Thái Bình; Trường tiểu học Trần Thi - Ninh Phước, Công ty Khai thác công trình thủy lợi.

Từ kết quả cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú tại tỉnh Ninh Thuận, Ban tổ chức đã chọn ra 20 bài có số điểm cao nhất để gửi về Ban tổ chức cuộc thi Trung ương dự thi Tìm hiểu Luật cư trú trên toàn quốc.

Ngọc Hùng