UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008

18/01/2008
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở cấp xã từ năm 2005-2010; Nghị quyết số 61/2007/NQ- CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, Nghị quyết số 30/2004/NQ-HĐ của HĐND tỉnh về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2005-2009; Nghị quyết số 17/2007/NQ-HĐND ngày 19/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ năm 2008; ngày 16 tháng 01 năm 2008 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008.

Mục đích: Tiếp tục nâng cao sự hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước bằng pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế, quốc tế và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Nâng cao kỷ luật, thực hành công vụ của các cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, chống phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân; Nâng cao năng lực, trách nhiệm thi hành pháp luật của cán bộ, công chức cấp xã, xây dựng những hạt nhân lòng cốt tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc biệt là các văn bản pháp luật mới cho nhân dân nhất là vùng nông thôn, người lao động trong các doanh nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tôn giáo nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành thực hiện pháp luật trong cán bộ cơ sở và nhân dân.

     Yêu cầu: Công tác PBGDPL phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; phải được các cấp, các ngành kế hoạch hoá thành nội dung, hình thức triển khai phù hợp ở cơ quan, đơn vị và địa phương mình; Tăng cường sự phối hợp tích cực giữa các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp với hướng dẫn, tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật. Trong đó phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành; các vấn đề xã hội bức xúc như: Ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, đền bù, giải phóng mặt bằng… Để nhân dân phát huy tốt quyền làm chủ của mình theo quy định của pháp luật;  Đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền các điển hình tiên tiến về chấp hành, thực hiện tốt pháp luật; phê phán và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để mang tính giáo dục chung, từng bước xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp  luật.      

          1. Đối với các tầng lớp  nhân dân:

          Tiếp tục phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân. Đồng thời phổ biến các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế; quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp phù hợp với từng địa phương. Chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật về: Thu hút đầu tư, đất đai, môi trường, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, cải cách hành chính.

+ Nhân dân vùng nông thôn, vùng tỉnh quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng dân tộc thiểu số:

          - Nhân dân vùng nông thôn: Tập trung phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Đặc biệt là các văn bản pháp luật mới như: Luật Cư trú, Luật bình đẳng giới, Luật nhà ở, Luật chống bạo lực trong gia đình, Pháp lệnh quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật đưa người lao động ở Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

          - Vùng tỉnh quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Ngoài việc phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật đối với nhân dân vùng nông thôn, đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, quy định về tập trung đông người.

- Vùng dân tộc thiểu số: Ngoài việc phổ biến các quy định của pháp luật nói chung, cần phổ biến sâu các quy định về bảo vệ phát triển rừng; các trình tự, thủ tục về giao đất rừng, giao khoán rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các chương trình phát triển kinh tế; pháp luật về xây dựng gia đình văn hoá, bài trừ tệ nạn chống hủ tục lạc hậu; pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Nhân dân vùng thành thị:

          Ngoài việc phổ biến những nội dung pháp luật nói chung, phổ biến sâu các văn bản pháp luật mới như: Luật Quản lý thuế, Luật chất lượng sản phẩm háng hoá, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Luật kinh doanh bất động sản, Luật chứng khoán…

          2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

          - Đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung:

          Ngoài việc phổ biến các văn bản pháp luật mới gắn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Cần quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức các quy định của pháp luật về Quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng; hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách hành chính; thực hiện quy chế văn hoá công sở, quy chế dân chủ ở cơ quan.

          - Đối với cán bộ, công chức cơ sở:

          Ngoài việc phổ biến các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức nói chung, cần phổ biến sâu các quy định của pháp luật gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Phổ biến và thực hiện tốt quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước theo quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

          3. Đối với cán bộ công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp:

          + Đối với cán bộ công đoàn: Phổ biến pháp luật về công đoàn, thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, các quy định pháp luật về công đoàn, đình công.

          + Đối với người lao động: Phổ biến pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động như: Luật dạy nghề, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật lao động năm 2006, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

          + Đối với người sử dụng lao động: Phổ biến các quy định, trình tự thủ tục cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành lập và quản lý doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động; pháp luật về chất lượng hàng hoá, thương mại, kinh tế, tài chính, ngân hàng, hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu, công đoàn, kết hợp phổ biến các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.

     4. Đối với thanh thiếu niên; học sinh, sinh viên: Chú trọng phổ biến, giáo dục các quyền cơ bản liên quan đến học sinh, sinh viên; Luật giáo dục, Luật dạy nghề, Luật thể dục thể thao, pháp luật về giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, tai- tệ nạn xã hội và pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

          5. Đối với lực lượng vũ trang nhân dân:

          + Trong quân đội và quốc phòng:

           Đối với sỹ quan, học viên các trường tập trung phổ biến các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính, kinh tế- xã hội liên quan đến vị trí công tác đang đảm nhiệm.

          Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng tập trung phổ biến các văn bản pháp luật thuộc chuyên ngành, pháp luật về kinh tế, tài chính, lao động, cán bộ, công chức...

          + Trong lực lượng công an:

           Đối với cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, xuất nhập cảnh, điều tra, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác, đặc biệt là các văn bản chuyên ngành, phục vụ công tác chuyên môn; các trình tự thủ tục thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, bảo đảm trật tự công cộng.

           Đối với Công an xã, phường, thị trấn tập trung phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác, các quy định về trình tự thủ tục thanh tra, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, hộ khẩu, trật tự an toàn xã hội...

Kim Yến