Thái Bình: Tổng kết công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2008

21/01/2008
Ngày 17/1/2008, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật(PHCTPBGDPL) tỉnh tổ chức tổng kết công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007 và phương hướng công tác năm 2008. Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Đình Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Chủ tịch Hội đồng cùng lãnh đạo các sở ngành thành viên. Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trên cơ sở Kế hoạch số 01/2007/KH-HĐPHCTPBGDPL của Hội đồng PHCTPBGDPL , các ngành thành viên đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật của ngành mình tới tận cơ sở như Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ…Tuỳ theo từng đối tượng tuyên truyền mà các ngành có những nội dung, hình thức tuyên truyền hiệu quả phù hợp. Do làm tốt công tác tuyên truyền Luật bầu cử và các văn bản có liên quan, nên trong ngày bầu cử Quốc hội khoá XII vừa qua, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ghi trong danh sách đạt 98,51%. Số phiếu hợp lệ chiếm 98,5%, có 982 khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri đi bầu (chiếm 59,5%); 92 xã, phường, thị trấn đạt 100% cử tri đi bầu (chiếm 32,3%). Cũng do làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ như tuyên truyền Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó có nội dung " Từ ngày 15 tháng 12 năm 2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm". Kết quả, đến nay gần 100% số người tham gia giao thông ở tỉnh ta khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy đều đội mũ bảo hiểm…

Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong năm 2007, Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh đề ra nhiệm vụ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008. Theo đó, các cấp, các ngành cần phải nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp, các ngành phải xác định là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, liên tục tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Nội dung văn bản pháp luật cần tập trung tuyên truyền, phổ biến. Năm 2008 trước mắt tập trung vào phổ biến các nội dung, kiến thức pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế; hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, chính sách thuế... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp về các chính sách thu hút đầu tư, xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 17.

Nội dung tuyên truyền thường xuyên gồm: Các văn bản pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân; về thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, trong các doanh nghiệp; Pháp luật về an ninh, quốc phòng; Pháp luật về an toàn giao thông; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; pháp luật về khiếu nại, tố cáo…Những nội dung pháp luật chuyên ngành có liên quan nhiều đến đời sống người dân như: Đất đai, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục đào tạo, lao động, việc làm; văn hoá, y tế…

Ngoài ra, các ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành mình cần tập trung tuyên truyền theo chuyên ngành có liên quan. Chẳng hạn: Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tập trung tuyên truyền các nội dung pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, hội viên, đoàn viên. Cùng với việc tuyên truyền, tập trung giám sát việc thi hành chế độ chính sách đã được quy định như đối với người cao tuổi, người có công với cách mạng, với Cựu chiến binh, người lao động trong các doanh nghiệp, chính sách vay vốn xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật  bình đẳng giới.

Các sở, ngành quản lý nhà nước ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, y tế…tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật ở các lĩnh vực liên quan như hội nhập kinh tế, chính sách đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chính sách thuế. Việc tuyên truyền phổ biến của các nội dung pháp luật này cần tổ chức các lớp tập huấn, học tập nghiên cứu để sau này có thể vận dụng vào điều kiện của từng địa phương; Giúp UBND tỉnh đề ra được những chủ trương, chính sách cho phù hợp. Các ngành cần tập trung nâng cao kiến thức pháp luật, quản lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Liên minh các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Ngành Tư pháp tiếp tục tổ chức tuyên truyền thường xuyên các đạo luật chung như: Bộ luật Dân sự, Hình sự; tuyên truyền các luật chuyên ngành: Luật Công chứng, công tác chứng thực, quản lý đăng ký hộ tịch, Luật trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư.  Ngành thương mại, công nghiệp chủ trì phối hợp với một số ngành tập trung tuyên truyền Luật Thương mại, đầu tư, đấu thầu, chất lượng hàng hoá, Luật hoá chất…

Ngành y tế cần phối hợp với các ngành tập trung tuyên truyền pháp luật về y tế, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Luật phòng chống HIV/AIDS, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế tự nguyện… Ngành giao thông vận tải, tiếp tục triển khai tuyên truyền nội dung nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thuỷ nội địa…

 Ngành Lao động thương binh xã hội, ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền Luật Giáo dục, Luật dạy nghề, Luật đưa người lao động ở Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như những chính sách chế độ đối với người lao động nói chung và nhất là trong các doanh nghiệp hiện nay. Tiếp tục đưa các nội dung pháp luật bắt buộc học tập trong học sinh, sinh viên có hiệu quả hơn.

 Ngành thuế cần tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về Thuế, Luật quản lý lý thuế. Trọng tâm tuyên truyền hướng dẫn cụ thể về Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Đây là văn bản quan trọng cần tập trung tuyên truyền cho mỗi cơ quan, đơn vị và đến từng người dân.

Các ngành trong khối nội chính kết hợp việc tuyên truyền các đạo luật về Hình sự, Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật khiếu nại, tố cáo các văn bản về phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, gắn với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử kịp thời những vi phạm pháp luật, tội phạm phát và những tội về tham nhũng theo quy định để góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và tham gia phòng chống tội phạm trong nhân dân./.

                                  Nguyễn Ngọc Hiển