Huyện Nghĩa Hưng, Nam Định - với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

16/06/2008
Là cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương và là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong những năm qua, Tư pháp Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định luôn phấn đấu và triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, Phòng tư pháp Nghĩa Hưng đã tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập Hội đồng phối  hợp công tác PBGDPL, thành lập tổ trợ giúp pháp lý của huyện và ra quyết định công nhận đội ngũ báo cáo viên pháp luật của huyện. Đồng thời phòng tư pháp đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong toàn huyện thành lập và kiện toàn hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở xã. Tư pháp Nghĩa Hưng đã chỉ đạo Ban tư pháp các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể tại địa phương.

Một trong những kết quả nổi bật của công tác PBGDPL tại huyện Nghĩa Hưng là đã đa dạng hoá các hình thức PBGDPL, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

Thứ nhất là phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải cơ sở.

Trên cơ sở Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, hằng năm phòng tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành kiện toàn lại các tổ hoà giải ở cơ sở và xây dựng chương trình phối hợp giữa phòng tư pháp và Uỷ ban mặt trận Tổ quốc huyện trong việc chỉ đạo kiện toàn tổ hoà giải cơ sở và tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở. Đến nay toàn huyện có 338 tổ hoà giải với 2.072 hoà giải viên cơ sở tất cả các thôn xóm, khu dân cư. Hằng năm bình quân toàn huyện có từ 600 đến 700 vụ việc mà các vụ việc hoà giải thành, chiếm tỷ lệ từ 85% đến 90% số vụ việc xảy ra. Năm 2005, huyện đã chỉ đạo hội thi hoà giải viên giỏi ở các xã, thị trấn và tổ chức thi chung kết tại huyện chọn ra các hoà giải viên giỏi đi dự thi ở tỉnh. Thông qua các cuộc thi cũng chính là đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cho hoà giải viên  ở cơ sở về pháp lệnh hoà giải, luật dân sự, luật đất đai, luật hôn nhân gia đình. Có thể nói hoạt động hoà giải đã góp phần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế các vi phạm pháp luật về hành chính, hình sự, giữ đẹp tình làng nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn dân cư trong huyện.

          Thứ hai là tuyên truyền PBGDPL thông qua các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ

Đến nay toàn huyện đã thành lập được 362 câu lạc bộ với tổng số 29.121 hội viên tham gia sinh hoạt. Tháng 8 năm 2005 Phòng tư pháp còn phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện và chi đoàn thanh niên Sở tư pháp xây dựng kế hoạch làm điểm, khai trương ra mắt câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” ở xã Nghĩa Thái với chủ đề “Thanh niên với việc tuyên truyền phòng chống ma tuý” cho hơn 300 đoàn viên thanh niên làm dự. Sau đó các cơ sở đoàn xã lấy đó làm mô hình, cách thức để tổ chức các câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”. Tháng 6 năm 2006 Phòng tư pháp đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nam định tiến hành thành lập 4 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở 4 đơn vị cấp xã (Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Trung, Hoàng Nam) với tổng số 94 hội viên, 25 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật với trên 1.000 hội viên.

Các câu lạc bộ  thường xuyên duy trì tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ; đồng thời mời Phòng tư pháp huyện giới thiệu các văn bản pháp luật trong các buổi sinh hoạt. Trong năm 2007, Tư pháp Nghĩa Hưng đã tham gia giới thiệu 25 buổi  cho 25 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật của 25 xã, thị trấn tập trung tuyên truyền nghị quyết số 32 của chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông và các văn bản phù hợp với từng thời điểm, phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương đạt hiệu quả.

Thứ ba là PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

Tư pháp huyện Nghĩa Hưng phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh huyện xây dựng và duy trì chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên sóng của đài truyền thanh huyện và hệ thống phát thanh cơ sở mỗi tuần một chuyên mục. Nội dung chủ yếu tập trung vào việc phổ biến các văn bản pháp luật mới, giải đáp pháp luật phục vụ nhiệm vụ chính trị, phản ánh việc chấp hành pháp luật và những sự kiện trong đời sống pháp lý ở địa phương.

Từ năm 2003-2007,  đài truyền thanh huyện và hệ thống phát thanh xã đã thực hiện việc phát sóng hàng nghìn buổi có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền các chủ trương chính sách của đảng và nhà nước tới nhân dân.

 Thứ tư là tuyên truyền PBGDPL thông qua công tác trợ giúp pháp lý và tủ sách pháp luật.

Tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng được xây dựng từ năm 1999. Đến nay 100% các xã, thị trấn đều có tủ sách pháp luật đảm bảo yêu cầu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khai thác, sử dụng của cán bộ và nhân dân. Hằng năm, Phòng tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cấp nguồn kinh phí nhất định phục vụ cho việc bổ sung sách pháp luật mới được kịp thời, đến nay số đầu sách pháp luật ở các xã, thị trấn lên tới gần 5.000 cuốn công báo được cập nhật đưa vào lưu trữ hàng ngày.

Bên cạnh đó, Phòng đã tiến hành PBGDPL thông qua công tác Trợ giúp pháp lý. Có thể nói đây là một kênh tuyên truyền có hiệu quả đối với người nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 100% số xã tổ chức được Trợ giúp pháp lý lưu động, có xã đã tổ chức được 2 đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Trên địa bàn huyện đã tổ chức 31 cuộc trên 25 xã, đã khảo sát 5.372 đối tượng và trực tiếp trợ giúp cho 1.357 đối tượng với 1.357 vụ việc. Mỗi cuộc Trợ giúp pháp lý lưu động đều tổ chức hội nghị PBGDPL thu hút gần 6.000 người tham dự.

          Bên cạnh sự đa dạng hoá các hình thức PBGDPL, một trong những yếu tố góp phần vào thành tích chung của công tác PBGDPL trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng là công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể.

Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân trong huyện, Phòng tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với phòng tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, chủ chốt các ban, ngành của huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn, các đồng chí báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

Tư pháp Nghĩa Hưng đã phối hợp với Phòng công thương, Công an huyện tổ chức hội nghị triển khai, tuyên truyền Nghị quyết 32/CP của chính phủ về một số giải pháp cấp bách về an toàn giao thông và ùn tắc giao thông cho toàn thể gần 400 người là cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND, Công an huyện, phòng Tài nguyên – môi trường và Thanh tra huyện tổ chức tập huấn cho các đồng chí cán bộ văn phòng, công chức Tư pháp - hộ tịch, trưởng công an, cán bộ địa chính các xã, thị trấn trong toàn huyện về các lĩnh vực pháp luật xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại - tố cáo, tranh chấp đất đai…Phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, Ban tuyên giáo huyện uỷ…tổ chức 2 đợt tập huấn ở 2 cụm với 25 xã, thị trấn trên các lĩnh vực pháp luật về hoà giải, hành chính, dân sự, hương ước cho các đồng chí là trưởng, phó thôn xóm trên địa bàn huyện.

Hằng năm, Tư pháp Nghĩa Hưng còn phối hợp với Công an huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ về xử lý hành chính trên các lĩnh vực cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND và trưởng phó công an xã.

Ngoài ra, Phòng tư pháp xây dựng đề án PBGDPL nhằm đưa pháp luật về cơ sở một cách có hiệu quả đó là: tuyên truyền pháp luật phối hợp với công tác trợ giúp pháp lý; PBGDPL thông qua các trung tâm học tập cộng đồng…Thông qua các trung tâm học tập cộng đồng, phòng tư pháp đã phối hợp với phòng giáo dục đào tạo và UBND các xã, thị trấn tổ chức học tập tìm hiểu pháp luật cho các đối tượng ở cơ sở, gắn việc tuyên truyền PBGDPL với phổ biến kiến thức xã hội. Chỉ tính riêng đợt tuyên truyền cao điểm Luật giao thông đường bộ trong tháng an toàn giao thông tại 25 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn đã thu hút trên 7.000 lượt người tham gia học tập.

Có thể nói thực hiện tốt công tác PBGDPL trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã phát huy được vai trò gương mẫu tiên phong chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Công tác PBGDPL trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giải quyết  kịp thời vướng mắc pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện kéo dài, giữ vững an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện./.

Trần Hồng Nhung