Đề xuất thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em 3-4 tuổi tại một số tỉnh/thành phố

05/12/2023
Đề xuất thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em 3-4 tuổi tại một số tỉnh/thành phố
Sáng 05/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) đối với trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên thẩm định.
Chất lượng chăm sóc, giáo dục giáo dục trẻ mầm non được nâng cao
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GDMN, trong thời gian qua, GDMN đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu. Mạng lưới cơ sở GDMN phát triển rộng, khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. GDMN đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp một; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao, bảo đảm chuyên cần; việc thực hiện công bằng trong giáo dục từng bước được bảo đảm. Đặc biệt, việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã thu hút được một nguồn lực lớn đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở các địa phương; cơ sở vật chất được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, trẻ mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị kỹ năng, tâm lý sẵn sàng vào học lớp một. Hiện tại, 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có tác dụng tốt đối với sự phát triển của trẻ (chuẩn bị tốt vào lớp một), đồng thời tạo sự an tâm, tin tưởng của cha mẹ trẻ và cộng đồng đối với GDMN.
 

Đồng chí Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Tuy nhiên, GDMN vẫn còn một số khó khăn, thách thức như các điều kiện đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, trẻ mẫu giáo còn hạn chế, đặc biệt liên quan tới phát triển, thu hút, giữ chân và bồi dưỡng năng lực đội ngũ; công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp GDMN còn nhiều hạn chế, dẫn tới gánh nặng vẫn đươc đặt lên các cơ sở giáo dục mầm non công lập;…
Do đó, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh/thành phố là cấp thiết nhằm nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo, đảm bảo “chất lượng - công bằng - hòa nhập”, để mọi trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn theo quy định, sẵn sàng vào học lớp một; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền trẻ em và nâng cao chỉ số hạnh phúc đối với quốc gia trên trường quốc tế.
Cần nghiên cứu kỹ các chính sách để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết thí điểm
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính nhất trí cần thiết phải xây dựng Nghị quyết này. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức giáo viên/lớp,… để đạt phổ cập GDMN, từ đó xác định số cơ sở mầm non cần xây mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần đầu tư, số giáo viên cần bổ sung và nguồn kinh phí đảm bảo; đồng thời đánh giá cụ thể tác động của các chính sách đề xuất về kinh tế, trong đó có tác động đối với ngân sách nhà nước.
 

Đại diện Bộ Tài chính.

Đồng chí cũng cho biết, hiện nay, Điều 14 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí quy định “trẻ em mẫu giáo (hiện nay chưa phải là đối tượng phổ cập giáo dục) được miễn học phí”. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, thống nhất thuật ngữ được sử dụng, theo đó, trẻ mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập đi học tại trường mầm non công lập được “miễn học phí” hay “không phải đóng học phí” để đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật hiện hành.
 
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung thêm, hiện 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia thí điểm, chưa có các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, các tỉnh có vùng biển, đảo. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc lựa chọn thêm một số địa phương đại diện cho các vùng miền; đồng thời bổ sung lý do và quy trình lựa chọn 14 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.
 
Đại diện Bộ Nội vụ.

Đối với quy định đầu tư, phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, hiện Nghị quyết đang giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục. Tuy nhiên, cần làm rõ chính sách hỗ trợ, khuyến khích là chính sách gì để Hội đồng nhân dân có cách hiểu đúng, từ đó thực hiện đồng nhất, hiệu quả trên thực tế.


Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Về phía các địa phương dự kiến thực hiện thí điểm, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Ninh đều nhất trí cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Ngoài ra, các đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động chính sách tới kinh tế, xã hội; nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút nguồn nhân lực cho GDMN; kéo dài thời gian thực hiện thí điểm;…


Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nêu ra một số vướng mắc, khó khăn khi thực hiện phổ cập giáo mầm non tại thời điểm hiện nay, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm căn cứ để xây dựng Nghị quyết thí điểm; nghiên cứu, phân tích thêm các kinh nghiệm quốc tế, nhất là trong phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3, 4 tuổi; đồng thời rà soát hồ sơ thẩm định, đảm bảo thống nhất nội dung giữa tờ trình và các báo cáo đánh giá đi kèm;…
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến về nội dung từng chính sách được đề xuất. Cụ thể, đối với 14 tỉnh, thành phố được lựa chọn thí điểm, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chỉ lựa chọn từ 2 đến 3 tỉnh đại diện cho từng vùng miền để thực hiện thí điểm; đồng thời kéo dài thời gian thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả của việc thí điểm. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát, lược bỏ những quy định về nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ và làm rõ thêm các nội dung như: chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành; khái niệm trẻ em là đối tượng yếu thế; số tăng chi ngân sách khi thực hiện Nghị quyết;….
 
Đề nghị xây dựng Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 04 nhóm chính sách, gồm: Chính sách đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (1); Chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (2); Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho đơn vị thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (3); Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non (4).

Anh Thư - Trung tâm Thông tin