Sáng nay (9/6), đến thăm và làm việc với Viện Pháp y Quốc gia và Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh đến vai trò của giám định tư pháp (GĐTP) trong việc góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ to lớn của đất nước, cũng như tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Vũ Dương cho biết, năm 2010, các tổ chức pháp y y tế đã thực hiện giám định được trên 50.000 vụ, trong đó có một số vụ việc phức tạp, kéo dài, giám định nhiều lần. Mặc dù đã được đầu tư nhưng công tác pháp y vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, đặc biệt là chế độ chính sách giác ngộ, thu hút đối với cán bộ, viên chức làm công tác pháp y…
Theo báo cáo của các Trung tâm Pháp y, một số địa phương vẫn chưa thực hiện Quyết định 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng GĐTP, hoặc thực hiện không theo hướng dẫn. Thậm chí, nhiều nơi khác chỉ thực hiện được giai đoạn đầu, còn từ năm 2010 đến nay, cơ quan trưng cầu vẫn “tiếp tục nợ” bồi dưỡng giám định. Nên một trong những kiến nghị của Viện Pháp y Quốc gia là “thực hiện nghiêm về chế độ bồi dưỡng GĐTP” để bảo đảm, khuyến khích hoạt động của các giám định viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực GĐTP.
Khẳng định những đóng góp của pháp y trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Thiếu tướng Ngô Tiến Quý đề xuất, cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định 74. Giám định kỹ thuật hình sự gồm 10 chuyên ngành hẹp, nhưng chưa có quy định mức bồi dưỡng áp dụng đối với từng thể loại nên việc triển khai Quyết định 74 trong lực lượng CAND gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong năm 2010, lực lượng kỹ thuật hình sự đã thực hiện 52.488 vụ khám nghiệm hiện trường và 70.464 vụ giám định kỹ thuật hình sự và pháp y, trong đó có 10.829 vụ giám định pháp y.
Tại hai cơ quan giám định tư pháp này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đều đánh giá cao những kết quả đã đạt được và các chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động, đóng góp tích cực và hiệu quả của công tác GĐTP nói chung và GĐPY nói riêng vào hoạt động tố tụng, thực thi công lý, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, chống oan sai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Chia sẻ những khó khăn về điều kiện làm việc và cơ sở vật chất còn chưa tương xứng với sứ mệnh chính trị của Viện Pháp y Quốc gia, Bộ trưởng hứa sẽ thúc đẩy thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về pháp y vì “không thể để tình trạng có nơi chưa thực thi đầy đủ các quy định như hiện nay sẽ giống như không có pháp quyền”.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng “thừa nhận”, quản lý Nhà nước về GĐTP của Bộ Tư pháp còn chưa theo kịp yêu cầu. Hoạt động GĐTP còn đang hạn chế, đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng “nợ” người dân khi chưa giải quyết được nhiều vụ án, nhất là án tham nhũng. Do đó, với dự thảo Luật GĐTP đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Bộ trưởng hy vọng, khi luật được ban hành (dự kiến vào năm 2012) “sẽ là cú huých, bứt phá, giúp cho GĐTP không còn là “điểm nghẽn” của hoạt động Tư pháp” và tạo đột phá bền vững cho sự phát triển công tác GĐTP.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, “Bộ, ngành Tư pháp sẽ luôn sát cánh cùng lực lượng giám định để GĐTP phát triển bền vững trong thời gian tới” - như Bộ trưởng đã “hứa” trong sổ lưu niệm của Viện Pháp y Quốc gia./.
H.Giang